Không có chuyện hàng ngàn thú chết ở Safari Phú Quốc

 Vượn cáo đuôi khoang đang chơi với nhân viên Vinpearl Safari Phú Quốc. Ảnh: VÂN ĐÌNH
Vượn cáo đuôi khoang đang chơi với nhân viên Vinpearl Safari Phú Quốc. Ảnh: VÂN ĐÌNH
Trước tin có hàng ngàn động vật hoang dã chết và bỏ chuồng thoát ra rừng ở Vinpearl Safari Phú Quốc, đại diện chính quyền địa phương cho biết Vinpearl Safari Phú Quốc vẫn đang hoạt động bình thường.

Trả lời phóng viên báo Cần Thơ qua điện thoại vào đầu giờ chiều  22/2, ông Nguyễn Thanh Nghị, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Kiên Giang, nói: "Số liệu mà thông cáo báo chí của Vingroup nói là đúng sự thật". Ông đề nghị nhà báo hỏi thêm đại diện chính quyền huyện đảo vì "anh em ở huyện nắm cụ thể hơn".

Trả lời điện thoại ngay sau đó, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện Phú Quốc, nói: "Sau những thông tin trên mạng, nhân chuyến công tác của anh Nghị tại Phú Quốc, hôm qua chúng tôi đã đi kiểm tra tại chỗ vườn thú Safari, thì thấy mọi hoạt động đang diễn ra bình thường, khách tham quan vẫn đông, cả ngàn người".

Ông Hưng xác nhận: "Về số lượng thú bị chết và bỏ chuồng như số liệu công bố của Vingroup là chính xác. Chỉ có hơn 100 cá thể chim thú bị chết, còn động vật quí hiếm như tê giác, cọp, hươu cao cổ… tôi thấy vẫn sống khỏe mạnh". Về việc có hàng trăm con khỉ bỏ chuồng vào rừng, ông Hưng nói: "Tôi thấy họ đang bao lưới lại không cho khỉ nhỏ bỏ ra ngoài nữa".

Về qui trình chăm sóc thú ở đây, ông Hưng nói: "Họ kiểm tra rất ngặt theo qui trình, có khu riêng, có bác sĩ riêng. Ở vùng này có nhiều suối, không thiếu nước, nên họ làm hệ thống vệ sinh và xử lý nước sạch sẽ".

Ông Huỳnh Quang Hưng cũng cho biết: "Chính quyền huyện đã có buổi làm việc với chủ đầu tư Safari Phú Quốc. Chúng tôi yêu cầu họ khẩn trương điều tra rõ nguyên nhân thú chết; có giải pháp bảo đảm thú khỏe mạnh, vệ sinh môi trường tốt hơn và phải tăng cường quản lý, bảo vệ an toàn cho du khách tham quan".

Bình luận về lý do thú hoang dã chết, TS Dương Văn Ni, chuyên gia quản lý môi trường thuộc Khoa Môi trường và Tài nguyên thiên nhiên – Đại học Cần Thơ, nói: "Nhóm đặc hữu là chuyện bình thường. Vì mỗi loài hoang dã có tính đặc hữu riêng, có thể đánh giá mức đặc hữu thay đổi từ 0% -100%. Loài nào 100% mà dời đi chỗ sống khác thì chết. Thí dụ như rồng Komodo sống trên đảo ở Malaysia, đi đảo khác thì chết. Đặc hữu thấp thì dời đâu cũng được. Ngược lại đặc hữu là tính trung bình. Thí dụ gạo thơm Chợ Đào ở Tiền Giang đưa xuống Cà Mau trồng thì vẫn sống nhưng không còn thơm nữa. Mà phần lớn thú hoang dã có mức đặc hữu từ trung bình đến cao. Thành thử thú có tính đặc hữu cao mà phải di dời thì chết là bình thường".

TS Dương Văn Ni nói thêm: "Cho nên phải khảo sát trước, phải thuần hóa rồi mới nuôi thả. Thí dụ cá tai tượng vớt dưới sông lên nếu không thuần mà thả vào hồ nuôi liền thì chết ngắt. Trường hợp của Safari Phú Quốc, nếu các chuyên gia qua châu Phi đặt hàng, nuôi thuần các loài thú hoang dã có đặc hữu cao một thời gian rồi mới chuyển về Phú Quốc thì khác với chuyện mua thú ngoài hoang dã đem về thả nuôi".

Trước đó, vào sáng 21/2, Tập đoàn Vingroup đã phát đi thông cáo báo chí nói rằng: "Những ngày vừa qua, trên mạng xã hội có thông tin về con số động vật chết tại Vinpearl Safari lên đến hàng ngàn con là hoàn toàn sai sự thật. Trên thực tế, sau một thời gian đi vào vận hành, có hơn 100 cá thể gồm chim và thú bị chết do ảnh hưởng của quá trình vận chuyển dài, các cá thể bị giảm sút sức khỏe, chưa thích nghi được với môi trường, thổ nhưỡng và khí hậu".

Về số lượng thú bị thất thoát, thông cáo này giải thích: "Thực tế chỉ có 135 con khỉ nhỏ (nguồn gốc Việt Nam, mỗi con khỉ có trọng lượng từ 150gr-200gr) đã thoát khỏi các chuồng khỉ do thiết kế ô lưới dự kiến dành cho các loại khỉ to hơn. Đây là loài khỉ bản địa phân bổ tự nhiên tại Phú Quốc. Hằng ngày đàn khỉ này vẫn về ăn tại vườn thú và khi ăn no lại vào rừng. Ngoài khỉ thì không có bất cứ loài thú nào chạy ra khỏi Vinpearl Safari".

Nguồn tin trên cũng cho biết sau gần hai tháng hoạt động, Vinpearl Safari đã có những cá thể thú quý đầu tiên chào đời như mèo đốm châu Phi (tên khoa học Leptailurus serval, xuất xứ Nam Phi), linh dương Bongo (tên khoa học Tragelaphus Eurycerus, xuất xứ từ Mỹ).

Theo Theo Báo Cần Thơ
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.