Không chết vì COVID…

0:00 / 0:00
0:00
Xã hội cần “ôm chặt lấy” thành phần yếu thế như anh P. ôm anh H.
Xã hội cần “ôm chặt lấy” thành phần yếu thế như anh P. ôm anh H.
TP - COVID-19 được mô tả là gây chết người do làm tắc cấp tính các mạch máu nhỏ ở phổi. Không kịp trợ thở là đi. Nhưng đại dịch này còn có nhiều cách giết người tinh vi khác, dựa trên tâm sinh lý mỗi người cũng như đặc điểm văn hóa từng quốc gia.

Số người chết vì tự tử ở Nhật Bản tháng 10 năm 2020 còn nhiều hơn số chết vì COVID trong cả năm.

Số lượng trẻ vị thành niên tự tử cũng tăng lên vì không được tới trường, phải đối mặt cuộc sống gia đình căng thẳng. Một nghiên cứu trực tuyến đối với 8.700 cha mẹ và con cái cho thấy 75% học sinh Nhật Bản có dấu hiệu bị stress do đại dịch. Một người nổi tiếng là nữ đô vật Hana Kimura, 22 tuổi, cũng tự vẫn do tự nhiên có thời gian rảnh để “nghiền ngẫm” quá nhiều tin nhắn khủng bố độc hại trên mạng xã hội (!). Người Nhật đang lo sợ nếu làn sóng đại dịch tăng cao, kinh tế suy thoái, sẽ còn nhiều người tự tử hơn nữa.

TS Ravi Wankhedkar, cựu Giám đốc Hiệp hội Y khoa Ấn Độ (IMA), tự sát tháng trước. Dù đã cứu sống hàng trăm người trong đại dịch, ông vẫn bị trầm cảm nặng khi chứng kiến những cái chết đau đớn do nền y tế tan vỡ. Được biết, ông Ravi từng gọi sự tắc trách dẫn đến thiếu hụt cơ sở y tế cơ bản đẩy các y bác sĩ Ấn Độ vào tình trạng căng thẳng trường diễn là “hành vi giết người”.

Hãng AP giật tít “Các bác sĩ trẻ Ấn Độ cảm thấy bị phản bội trong dịch COVID-19”. “Jignesh Gengadiya, 26 tuổi, nghiên cứu sinh y khoa, biết rằng anh sẽ làm việc 24 h/ngày, bảy ngày/tuần. Nhưng anh không ngờ mình lại là bác sĩ duy nhất chăm sóc 80 bệnh nhân trong đó có 20 người bệnh nặng”, bài báo viết một cách chua chát và có gì đó gần như hoang đường. Nhưng thực tế là không ít bác sĩ Ấn Độ đã mắc COVID-19 và kinh khủng hơn nữa, họ vẫn phải tiếp tục chăm sóc bệnh nhân. Còn việc dân nghèo tự tử khi biết mình mắc COVID cũng là điều dễ hiểu, vì họ không thể nào đủ điều kiện để có một chỗ nằm trong bệnh viện.

Ở Việt Nam, tình hình vẫn trong tầm kiểm soát nhưng cũng đã có những tín hiệu “quá tải” từ thành phần yếu thế. Ngày 29/5, anh L.V.P đang đi trên cầu Bình Triệu (TPHCM), thì thấy anh H. trong đồng phục xe ôm công nghệ trèo lên lan can và… biến mất. Anh P. nhanh chóng nhớ ra gần đó có ông Ba Chúc, chuyên vớt xác nên gọi điện thoại ông Ba chạy xuồng máy ra cứu. Hai người sơ cứu nạn nhân xong, đang định gọi công an phường ra thì anh H. lại định nhảy xuống sông lần hai. Anh P. đành phải ôm chặt lấy H. Nạn nhân được cứu sống cho hay đã thất nghiệp 2 năm nay vì COVID-19. Nhìn H. trẻ khỏe thế mà đã nghĩ quẩn như vậy, ta không khỏi giật mình.

Khi ta chấp hành quy định của thành phố, làm việc tại nhà mà vẫn cảm thấy khó chịu vì cuồng chân, thì vẫn có những người phải lao ra đường kiếm ăn, mà dường như vẫn không đủ trong thời buổi dịch bệnh.

Mới đây ở Hải Dương có bà Tuế bán bánh cuốn bị phạt 2 triệu vì tội “ra đường không thuộc diện cần thiết”, người mua là bà Hảo (đang trong khu bị phong tỏa, ai ở yên nhà nấy) bị phạt 3 triệu.

Người phạt cũng áp đúng quy định thôi, nhưng cái bánh cuốn ăn chơi với ta có thể chẳng cần thiết nhưng với bà Tuế lại là công việc mưu sinh, dừng lại là đói. Đó chính là thành phần phụ nữ làm việc “bán thời gian” trong ngành dịch vụ vỉa hè dễ bị bỏ lại trong đại dịch. Hãy trợ cấp kịp thời hoặc chỉ cách mưu sinh cho họ.

MỚI - NÓNG