Khống chế bệnh “người khổng lồ”

Khống chế bệnh “người khổng lồ”
TP - Giờ đây, các chuyên gia y tế của Việt Nam đã có thể khống chế được sự phát triển của “người khổng lồ” do ảnh hưởng của u tuyến yên. Việc phẫu thuật xử lý đã trở thành kỹ thuật thường quy, mang lại nhiều hy vọng kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

> Phẫu thuật 'hạ' chiều cao cho 'người khổng lồ'

Bệnh nhân “khổng lồ” với chiều cao 2,03 mét đã được phẫu thuật hãm chiều cao
Bệnh nhân “khổng lồ” với chiều cao 2,03 mét đã được phẫu thuật hãm chiều cao .

Mới đây Khoa Nội tiết BV Nguyễn Tri Phương tiếp nhận bệnh nhân Dương Tiến Đ., 21 tuổi ở Đồng Nai với chiều cao 2,03m.

Sau khi làm các xét nghiệm để đánh giá hormone tăng trưởng của tuyến yên kèm chụp cộng hưởng từ, các bác sĩ cho biết Đ. mắc chứng bệnh khổng lồ Gigantism do một khối u của tuyến yên tiết ra hormone tăng trưởng trước tuổi dậy thì từ lâu.

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn cho biết, hiện nay kỹ thuật phát triển việc mổ u tuyến yên nhằm “hãm” sự phát triển chiều cao cho những người khổng lồ này không quá khó khăn.

“Bệnh nhân Đ. sau hơn một tiếng phẫu thuật đã ổn định sức khỏe và với việc lấy khối u tuyến yên sẽ giúp hãm sự phát triển cho bệnh nhân. Ở BV Nguyễn Tri Phương việc mổ khối u tuyến yên giờ đã làm thường qui”- bác sĩ Tuấn nói.

Để chẩn đoán khối u ngoài làm các xét nghiệm nội tiết, khám mắt, bệnh nhân được chụp MRI để phát hiện được các khối u nhỏ nhất.

PGS-BS Mai Thế Trạch- chuyên gia hàng đầu về nội tiết cho biết những năm 1960 ông và cộng sự đã gặp một trường hợp dù chỉ 16 tuổi nhưng do bệnh “khổng lồ” khiến cơ thể cao hơn 2,02m.

Biết được nguyên nhân do khối u ở tuyến yên nhưng ở thời điểm đó việc phẫu thuật chưa phát triển nên không thể giải quyết được bệnh. Vài năm sau bệnh nhân tử vong.

Trong cuốn sách Nội tiết học đại cương do tác giả là PGS- Mai Thế Trạch và Nguyễn Thy Khuê biên soạn, giảng dạy cho sinh viên y khoa, bệnh nhân này được xem là người mắc bệnh “khổng lồ” đầu tiên ở Việt Nam.

Sau đó, hàng loạt bệnh nhân mắc căn bệnh này được phát hiện, trong đó có “Người cao nhất Việt Nam” Trần Thành Phố với kỷ lục cao 2,3m.

Theo bác sĩ Tuấn, hầu hết các khối u tuyến yên hiện nay được mổ lấy qua xoang bướm. Với sự phát triển và hoàn thiện của các phương tiện nội soi, mổ nội soi lấy u tuyến yên qua mũi đã được thực hiện rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới.

Khi thủ lĩnh hệ nội tiết trục trặc

Các chuyên gia về nội tiết coi tuyến yên là “thủ lĩnh” trong các hoạt động của con người.

Mặc dù tuyến yên chỉ nhỏ và nặng từ 0,5-1g nhưng nó đóng vai trò to lớn khi giúp cơ thể phát triển, tự vệ và đặc biệt trong hoạt động tình dục… BS Trần Quang Khánh- Trưởng khoa Nội tiết, BV Nguyễn Tri Phương TPHCM, cho biết tuyến yên có chức năng chế tiết hormone cho cơ thể, kích thích sinh trưởng, kích thích tuyến giáp, kích thích vỏ thượng thận, kích thích sinh dục. Vì vậy, nó được ví như “nhạc trưởng” của hệ nội tiết. Nếu không có tuyến yên thì cơ thể không phát triển được.

Đặc biệt một khi “thủ lĩnh” này mang một khối u thì sẽ kéo theo nhiều hệ lụy. U ở tuyến yên thường chèn ép vùng não xung quanh và làm suy giảm nồng độ hormone… gây ra những biến đổi bên ngoài cơ thể.

Các chuyên gia nội tiết cho biết, ngoài những triệu chứng như đau đầu, song thị, giảm hoặc mất thị lực, buồn nôn, nôn khan do sự chèn lấn gây ra thì u tuyến yên là nguyên nhân tạo ra “bệnh khổng lồ” hoặc bị bệnh to đầu chi.

Theo bác sĩ Khánh, ở những bệnh nhân trưởng thành một khi u tuyến yên xuất hiện sẽ làm cho đầu to, trán dô, gò má cao, môi dày và đầu ngón tay, chân rất to. Nguyên nhân do tác dụng của hormone GH gây ra.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG