Khai mạc kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV

Không cấp kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: Như Ý.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc. Ảnh: Như Ý.
TP - Ngày 23/10 kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa XIV chinh thuế khai mạc tại Hà Nội. Ủy ban Tài chính- Ngân sách của Quốc hội (QH) đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết, không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền. Năm 2018, chỉ bố trí mua ô tô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên.

Kinh tế-xã hội vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức

Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV đã khai mạc trọng thể tại Nhà Quốc hội sáng 23/10. Trong bài phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực của Chính phủ, các ngành, các cấp trong việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước, biểu dương tinh thần phấn đấu của cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp Nhân dân đã khắc phục khó khăn, vượt qua thách thức, dành được những kết quả tích cực, tạo tiền đề để đạt và vượt các chỉ tiêu của năm 2017 theo Nghị quyết của Quốc hội. 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, tình hình kinh tế-xã hội nước ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Thâm hụt ngân sách và nợ công vẫn ở mức cao; việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém và xử lý nợ xấu còn nhiều khó khăn. Phân bổ và giải ngân vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước còn chậm. Việc xử lý những dự án đầu tư không hiệu quả, doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thất thoát kéo dài. Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chưa đạt yêu cầu. Tình hình vi phạm pháp luật về môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội và tội phạm trên nhiều lĩnh vực còn diễn biến phức tạp; còn diễn ra một số vụ phá rừng nghiêm trọng; tham nhũng, lãng phí chưa được ngăn chặn và đẩy lùi như mong muốn. Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt, diễn biến thời tiết bất thường,... Tất cả những vấn đề này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân, tác động trực tiếp đến việc hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.

Cho rằng, nhiệm vụ đặt ra cho những tháng còn lại của năm 2017 và thời gian tới là rất nặng nề, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các vị đại biểu Quốc hội nêu cao tinh thần trách nhiệm, trí tuệ, phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, tích cực thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến, góp phần vào thành công của kỳ họp, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và Nhân dân cả nước. 

3 năm ngân sách trung ương hụt thu liên tiếp

Báo cáo QH về ngân sách nhà nước, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, năm 2017, thu ngân sách nhà nước dự toán là 1.212.180 tỷ đồng, dự kiến chi khoảng 1.390.480 tỷ đồng. Những tháng cuối năm, Chính phủ tập trung đẩy mạnh bán cổ phần, thoái vốn DNNN thu về khoảng 60.000 tỷ đồng, tạm giữ 50% dự phòng ngân sách trung ương để chủ động xử lý trong trường hợp thu giảm lớn…

Đáng lưu ý, từ ngày 1/7/2018 điều chỉnh mức lương cơ sở tăng khoảng 7% (từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng /tháng), lương hưu và trợ cấp người có công tăng bằng mức lương cơ sở. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan trung ương và địa phương cơ bản tự đảm bảo nguồn, trên cơ sở triệt để tiết kiệm, nâng cao tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công và sử dụng nguồn 50% tăng thu ngân sách địa phương.

Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính- Ngân sách (TCNS) Nguyễn Đức Hải đánh giá: Chính phủ ước thực hiện thu ngân sách nhà nước năm 2017 vượt 2,3% so với dự toán, đã thể hiện những nỗ lực rất cao trong điều hành của Chính phủ. Đây cũng là kết quả hành động với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm cao của cộng đồng doanh nghiệp, ngành tài chính và hệ thống chính trị trong cả nước.

Tuy nhiên theo ông Hải, số tăng thu chủ yếu từ ngân sách địa phương, trong khi thu ngân sách trung ương ước khó đạt dự toán. “Đây là năm thứ 3 liên tiếp, ngân sách trung ương có khả năng hụt thu. Điều này sẽ gây ảnh hưởng thực hiện nhiệm vụ chi của ngân sách trung ương, vai trò chủ đạo của ngân sách trung ương khó được đảm bảo”, ông Hải nhìn nhận.

Theo Ủy ban TCNS, thu nội địa ước cả năm chỉ tăng 2,1% so với dự toán, đặc biệt thu từ 3 khu vực kinh tế: Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN), vốn đầu tư nước ngoài (FDI), doanh nghiệp ngoài quốc doanh có thể đều không đạt dự toán. Đáng lưu ý, khu vực DNNN có số thu giảm mạnh nhất (-7,7%) so với dự toán. “Số thu nội địa giảm phản ánh khả năng phục hồi tăng trưởng của nền kinh tế còn chậm, thu từ nội tại nền kinh tế chưa bền vững và thiếu tính ổn định”, ông Hải nêu rõ.

Về chi ngân sách, Chính phủ ước thực hiện chi cả năm tăng 1,7% so với dự toán. Về việc này, Ủy ban TCNS lưu ý việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn còn lúng túng, công tác chỉ đạo chưa quyết liệt, dẫn đến công tác phân bổ, giao dự toán còn chậm, giao nhiều đợt. Trong khi đó, tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản nguồn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ rất chậm so với cùng kỳ.

Do đây là năm thứ hai liên tiếp xảy ra tình trạng này, vì vậy Uỷ ban TCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản chậm và sớm có chế tài đủ mạnh nhằm siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này.

Chỉ mua xe cho bộ trưởng trở lên

Ủy ban TCNS cho rằng, dự toán thu ngân sách năm 2018 tăng 6,4% so với ước thực hiện năm 2017 tuy khá thấp, nhưng phù hợp với mức tăng trưởng kinh tế dự kiến 6,5 – 6,7% và các yếu tố không thuận tác động đến nền kinh tế. Ngược lại, trong bối cảnh cân đối ngân sách trung ương còn nhiều khó khăn, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ rà soát, cơ cấu lại một số khoản chi bảo đảm hợp lý, tiết kiệm, cắt, giảm những nhiệm vụ chi không cần thiết; không bố trí kinh phí mua sắm trang thiết bị đắt tiền; giảm mạnh chi cho khánh tiết, hội nghị, hội thảo, lễ hội.

Ủy ban TCNS cũng, nhất trí với đề nghị của Chính phủ, năm 2018 chỉ bố trí mua ô tô theo chức danh từ cấp bộ trưởng và tương đương trở lên, khi thật sự cần thiết phải bổ sung các chức danh còn lại đang được bố trí xe đưa đón sẽ nghiên cứu, tiến tới thực hiện khoán chi. Bên cạnh đó, không bố trí ngân sách để khởi công, khánh thành các công trình, chi cho hoạt động không thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Nhà nước. Không ban hành chính sách mới khi không có nguồn lực bảo đảm, không nợ chính sách chi cho con người.

Đối với chi cải cách tiền lương, đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7% theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị việc điều chỉnh tiền lương phải gắn liền với việc phân bổ chi trên tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại bộ máy trong hệ thống chính trị theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, đồng thời nâng cao hiệu quả công việc, đẩy mạnh cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các đơn vị sự nghiệp công.

Chính phủ dự kiến bội chi ngân sách Nhà nước năm 2018 khoảng 3,7% GDP, tăng 0,2% GDP so với năm 2017. Ủy ban TCNS cho rằng, việc nâng mức bội chi ngân sách nhà nước năm 2018 cao hơn năm 2017 cần có căn cứ lý giải thuyết phục hơn. Theo đó, đề nghị trong trường hợp thu không đạt dự toán thì phải giảm chi, trường hợp tăng thu ngân sách nhà nước thì ưu tiên giảm bội chi theo quy định của Luật NSNN. Đây là một nguyên tắc quan trọng, cần được quán triệt thống nhất trong điều hành NSNN trong giai đoạn ổn định ngân sách.

Đa số ý kiến trong Ủy ban TCNS tán thành với đề xuất của Chính phủ về việc tăng mức lương cơ sở trên 7% theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị việc điều chỉnh tiền lương phải gắn liền với việc phân bổ chi trên tinh giản biên chế, tinh gọn bộ máy, sắp xếp lại bộ máy.

MỚI - NÓNG