Đó là những nội dung chính tại tọa đàm trực tuyến sáng 4-5 tại Cổng TTĐT Chính phủ sau 1 năm triển khai Dự án 600 TTT làm Phó chủ tịch xã nghèo.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, từ hơn 100 ứng cử viên, tuyển chọn được 44 TTT, nhưng hơn một nửa số này tốt nghiệp sư phạm. Những ngành địa phương cần như nông lâm, quản lý xã hội, khoa học kỹ thuật, kinh tế thì gần như rất ít.
Mặt khác, có TTT tốt nghiệp lĩnh vực địa phương cần nhưng khi tham gia phỏng vấn về chuyên môn, khả năng giao tiếp, kiến thức... không đáp ứng được.
Khâu tuyển chọn tại 20 tỉnh hoàn tất, nhưng dư luận lo ngại nếu chỉ căn cứ vào khả năng hoạt ngôn ở vòng phỏng vấn, lợi thế vốn thuộc về cử nhân sư phạm, báo chí - liệu có bỏ sót người có năng lực ở chuyên ngành khác hay không, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Dĩnh nói: "Dù tuyển chọn qua nhiều vòng: Sơ tuyển, xem xét quá trình học tập, tư cách đạo đức; phỏng vấn xem xét khả năng ứng xử và giải quyết tình huống... cũng không thể chắc chắn hoàn toàn, nhưng với cách làm như hiện nay, có thể tin rằng sẽ đảm bảo được chất lượng”.
Để không bỏ sót người giỏi, ông Nguyễn Hồ Cảnh, Chủ tịch UBND huyện Tương Dương (Nghệ An) cho biết, huyện nhận hồ sơ của cử nhân tốt nghiệp các chuyên ngành địa phương cần bổ sung lãnh đạo, kiên quyết loại hồ sơ sư phạm.
Vì thế, 13 TTT về các xã tại Tương Dương đều nhập cuộc nhanh và đáp ứng nhu cầu công tác.
Sau 2 tháng TTT về công tác tại các xã nghèo, lãnh đạo các địa phương cho rằng không nên coi TTT là sản phẩm riêng biệt. "Nếu quá ưu ái TTT, cán bộ xã sẽ thấy có sự phân biệt, dẫn đến trình trạng xa cách giữa TTT với cán bộ xã.
Vì vậy, tôi mong rằng, ngoài sự chỉ đạo của địa phương, việc quan tâm và kèm cặp đội ngũ cán bộ này của dự án cần phải thường xuyên, liên tục và hiệu quả hơn", ông Nguyễn Hoàng Anh đề xuất.
Lo đầu ra
Ông Nguyễn Hồ Cảnh bày tỏ vui mừng vì huyện có thêm 13 cán bộ để tăng nguồn lãnh đạo cho cấp xã; nhưng lo rằng sau 5 năm thực hiện dự án, đội ngũ TTT sẽ đi đâu, làm gì bởi chính sách đầu ra của dự án có nhiều điểm thuận lợi nhưng chưa đồng bộ.
Giải đáp vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, trong thời gian thực hiện dự án, khi đội viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong ít nhất 3 năm hoặc hoàn thành nhiệm vụ trong 5 năm sẽ được địa phương tiếp tục quy hoạch, bố trí sử dụng nếu đội viên đó có nhu cầu ở lại địa phương công tác, hoặc xét chuyển cho đội viên trở thành công chức và bố trí công việc tại tỉnh.
Nếu đội viên không có nhu cầu làm việc tại tỉnh thì đánh giá, nhận xét về quá trình công tác của đội viên và viết giấy giới thiệu về tỉnh khác mà đội viên tới làm việc.
Về chỉ tiêu của dự án, ông Nguyễn Tiến Dĩnh cho biết, 20 tỉnh đã tuyển 559 đội viên, còn thiếu 41 người do có tỉnh chưa tuyển đủ vì điều kiện khó khăn, ví như Lai Châu thiếu 12 TTT vì trên 80% đội viên là người ngoài tỉnh; Trong quá trình thực hiện dự án, một số tỉnh có thay đổi giảm về số lượng do đã tuyển đủ số cán bộ. Bộ Nội vụ sẽ xin Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chuyển TTT cho những tỉnh tăng thêm nhu cầu như Quảng Nam đề nghị tăng 8 đội viên, Điện Biên tăng thêm 16 TTT cho huyện Mường Nhé? |