Không bỏ quên du khách nội

0:00 / 0:00
0:00
Du lịch nội địa đang tăng trở lại Ảnh: BÙI MẠNH
Du lịch nội địa đang tăng trở lại Ảnh: BÙI MẠNH
TP - Khoảng 600 đại biểu là nhà quản lý, doanh nghiệp, chuyên gia du lịch tề tựu ở Diễn đàn Du lịch nội địa toàn quốc 2021 chiều 15/4 tại Ninh Bình nhằm đưa giải pháp để xoay trục, “hâm nóng” du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Vẫn là cứu cánh

“Du lịch nội địa- động lực khôi phục du lịch Việt Nam trong bối cảnh bình thường mới” là diễn đàn quy mô nhất trong bối cảnh mới để tìm giải pháp phát triển du lịch. Ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam (HHDL) nhận định: trong bối cảnh bình thường mới và khi du lịch Việt Nam chưa mở cửa cho khách quốc tế thì phát triển du lịch nội địa luôn là cứu cánh, là hướng tích cực để duy trì hoạt động của ngành. Tuy nhiên, do chưa được xem là nhánh chủ lực nên du lịch nội địa chưa thực sự được quan tâm. Nhu cầu, sở thích, xu thế của khách nội, sản phẩm ưa thích của người Việt, dịch vụ phục vụ nhu cầu người Việt... đều chưa định hình một cách rõ ràng.

Tại diễn đàn, các địa phương và doanh nghiệp thực hiện một số ký kết để liên minh liên kết phát triển du lịch nội địa: Lễ ký kết hợp tác giữa UBND tỉnh Ninh Bình - Vietnam Airlines; Vietnam Airlines- Doanh nghiệp Xuân Trường; Hiệp hội Du lịch Việt Nam - Sở Du lịch Ninh Bình; ký kết giữa bốn Hiệp hội Du lịch: Ninh Bình - TP. Hồ Chí Minh-Đà Nẵng-Cần Thơ; HHDL Ninh Bình -CLB Du lịch MICE Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL)- ông Nguyễn Văn Hùng nhắc lại thực tế du lịch nhiều năm qua- mải chạy theo khách quốc tế mà bỏ quên khách nội. Chỉ tới khi COVID-19 tác động, toàn ngành mới giật mình. Sự hẫng hụt về lượng khách và doanh thu làm cho các nhà quản trị, nhà làm du lịch nhận ra lâu nay du lịch Việt Nam chưa đi bằng hai chân vững vàng. Dịch bệnh chính là cơ hội tìm được hướng đi đúng để phát triển bền vững.

“Đành rằng đón được một khách quốc tế chi tiêu nhiều hơn người Việt, điều này khiến chúng ta bấy nay chú ý khách quốc tế mà bỏ quên trận địa, bỏ dư địa phát triển du lịch”, ông Nguyễn Văn Hùng nói. Chính phủ ban hành chiến lược du lịch năm 2020, Bộ VHTTDL thiết kế khung du lịch nội địa, đặt ra chính sách phát triển và mục tiêu rõ ràng. Lãnh đạo Bộ cho rằng bên cạnh phòng chống dịch bệnh, doanh nghiệp phải lấy du lịch nội địa làm phương hướng, không cứ mãi trông chờ du lịch quốc tế.

Làm rõ hơn vai trò của khách nội địa, TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch nhắc lại các chiến lược, nghị quyết, luật Du lịch đều đề cao vai trò khách nội theo hướng “phát triển đồng thời du lịch quốc tế và nội địa; đẩy mạnh xuất khẩu tại chỗ thông qua du lịch; tăng cường liên kết nhằm phát huy lợi thế tài nguyên tự nhiên và văn hóa; phát triển đa dạng sản phẩm du lịch, mở rộng thị trường và nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam”. Khách nội tăng gần ba lần từ 2011 tới 2019, đạt 85% triệu lượt. Theo mục tiêu đặt ra đến 2025, du lịch dự kiến phục vụ khoảng 160 triệu lượt khách, duy trì tỷ lệ đóng góp 41-35% tổng thu du lịch, đến 2030 khách nội địa sẽ mang về khoảng hơn 1.400 tỷ đồng.

“Chỉ những con người Việt Nam yêu đất nước, gắn bó với mảnh đất này mới là những du khách bền vững nhất mà ngành du lịch phải nghĩ đến phục vụ. Nếu tiếp cận bằng cách đổi mới từ phương pháp, cách nhìn, phong cách phục vụ thì chúng ta sẽ mở ra thị trường du lịch nội địa mới không thua kém thị trường quốc tế”.

Bộ trưởng VHTTDL NGUYỄN VĂN HÙNG

Kích hoạt lại du lịch nội

Khảo sát mới nhất do Hội đồng Tư vấn Du lịch thực hiện cho thấy 83% du khách sẵn sàng lên đường hè này, hơn 60% sẵn sàng sử dụng máy bay. Vì vậy, ông Nguyễn Quang Trung, Trưởng Ban Kế hoạch phát triển Vietnam Airlines cho rằng, việc đảm bảo an toàn dịch bệnh đóng vai trò quyết định du lịch có thể tiếp tục mở cửa hay tê liệt. “Nhu cầu đi lại nội địa có cơ hội hồi phục mạnh nhất. Khu vực quốc tế lân cận- châu Á phục hồi nhanh hơn, còn khách xuyên lục địa phục hồi chậm nhất. Nếu không bùng phát dịch bệnh trở lại, hết năm 2021 thị trường nội địa có thể phục hồi ở mức như 2019”, ông Quang Trung nói. Ngành hàng không quan tâm đến những thay đổi trong nhu cầu của du khách, trong đó có việc đảm bảo an toàn dịch bệnh nhiều hơn, đặc biệt mong muốn có chính sách linh hoạt hoàn, hủy vé.

Chưa thể đón khách quốc tế, những người làm du lịch cho rằng không thể bỏ qua thị trường 100 triệu dân trong nước, khoảng 10 triệu khách Việt chi tiêu cao khi ra nước ngoài mỗi năm. Để thu hút khách Việt cũng không dễ dàng, làm sao thiết kế tua tuyến, sản phẩm xứng đáng với đẳng cấp và số tiền họ chi trả. Bà Nguyễn Lê Hương, Phó Tổng giám đốc Vietravel đề xuất cần có cơ chế chính sách để phát triển gia tăng trải nghiệm, tăng thời gian lưu trú và chi tiêu bằng mô hình kinh tế đêm để tạo thêm sản phẩm, dịch vụ đáp ứng nhu cầu xã hội nói chung và khách du lịch nói riêng.

Không bỏ quên du khách nội ảnh 1

Doanh nghiệp, địa phương bắt tay để phục hồi du lịch nội địa. Ảnh: Kỳ Sơn

Đà Nẵng được đánh giá cao nhất về phục hồi du lịch sau COVID-19, ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch HHDL Đà Nẵng cho rằng vai trò lãnh đạo địa phương, quản lý nhà nước cực quan trọng. Chính quyền Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Bình, Thừa Thiên-Huế cam kết mạnh mẽ trong hỗ trợ miễn, giảm phí tham quan. “Chúng tôi cũng chia sẻ nguồn lực với hàng không, cơ sở lưu trú, dịch vụ ăn uống để tạo ra sản phẩm kích cầu rõ nét”, ông Dũng nói. Sản phẩm kích cầu của miền Trung vừa ra mắt tạo sức hút mạnh không chỉ ở hai thị trường nguồn Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh mà còn đối với khách nội vùng miền Trung.

Ông Trương Văn Vinh (Chi hội Lữ hành Cần Thơ) thừa nhận, đồng bằng sông Cửu Long gần 20 triệu dân không có thiên nhiên phong phú như miền Trung, Bắc nhưng lại sở hữu hệ thống kênh ngòi, vườn cây trái sum suê- được Cần Thơ và nhiều tỉnh miền Tây tập trung khai thác.

“Theo khảo sát, hơn 90% du khách đến Cần Thơ đều tham quan chợ nổi, vườn trái cây. Tuy nhiên đánh giá lại, chúng tôi nhận ra rằng hệ thống dịch vụ, thiết kế sản phẩm chưa tốt”, ông Vinh nói. Để khắc phục tình trạng khách đi một tỉnh biết hết sản phẩm các địa phương còn lại, nay mỗi tỉnh tìm ra sản phẩm trọng điểm: Cần Thơ có chợ nổi, Tiền Giang khai thác thế mạnh các cồn nổi tiếng và vườn trái cây.

Trong khuôn khổ diễn đàn, lãnh đạo HHDL Việt Nam cũng điều hành các phiên tạo đàm, chia sẻ kinh nghiệm và tập trung vào các nhóm giải pháp mà Bộ trưởng VHTTDL đưa ra: cơ cấu lại doanh nghiệp du lịch; cơ cấu lại thị trường để điều tiết thị trường; tăng cường quảng bá, xúc tiến xây dựng thương hiệu sản phẩm; chuyển đổi số để phục hồi du lịch.

MỚI - NÓNG