Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông:

Không bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Bộ Thông tin và truyền thông (TT&TT) sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và cũng sẽ không có một bộ, ngành nào làm việc này. Sẽ không có một bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nêu.
Không bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số ảnh 1

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng

Mở rộng nhiều nội dung liên quan đời sống xã hội

Ngày 19/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi). Báo cáo tóm tắt tờ trình, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc xây dựng và ban hành Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) trong thời điểm này là rất cần thiết, khắc phục những vướng mắc, bất cập trong thực tiễn 17 năm thi hành của Luật Giao dịch điện tử (GDĐT) 2005.

Việc sửa đổi, thay thế Luật năm 2005 để tạo hành lang pháp lý hoàn thiện, đầy đủ, thuận lợi cho việc chuyển đổi các hoạt động từ môi trường thực sang môi trường số trong tất cả các ngành, lĩnh vực, nhằm chủ động, tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Chủ nhiệm Uỷ ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng lưu ý, khi chuyển đổi những giao dịch bằng văn bản giấy sang môi trường số thì vẫn phải chú ý đảm bảo đầy đủ tính toàn vẹn của các giao dịch đó. “Chuyển sang hình thức số cũng phải đảm bảo đầy đủ các công đoạn của một hợp đồng. Tôi nói ví dụ người ta đã ký kết nhưng người ta muốn thay đổi hoặc người ta muốn hủy bỏ hợp đồng đó thì hợp đồng điện tử này, các quy định liên quan cũng phải đảm bảo đầy đủ, toàn diện các công đoạn như vậy”, ông Tùng cho hay.

“Luật GDĐT không làm thay đổi về trách nhiệm quản lý của các bộ, ngành trong các lĩnh vực. Các bộ, ngành thực hiện quản lý nhà nước về nội dung giao dịch trong các lĩnh vực trên môi trường thực ra sao thì lên môi trường điện tử vẫn sẽ chịu trách nhiệm quản lý đúng theo lĩnh vực đó”, Bộ trưởng cho hay.

Thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban KHCN&MT Lê Quang Huy cho biết, hồ sơ và thời hạn gửi hồ sơ dự án đã tuân thủ theo quy định.

Tuy nhiên, qua rà soát, Thường trực Ủy ban nhận thấy Tờ trình dự án Luật chưa phân tích đầy đủ, chưa làm rõ những nội dung của Luật hiện hành còn phù hợp, cần kế thừa; những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Bên cạnh đó, dự thảo Luật có mối quan hệ với rất nhiều pháp luật khác có liên quan. Do đó, cần hết sức chú trọng đến tính đồng bộ, thống nhất; GDĐT phải dựa trên cơ sở bảo đảm tin cậy; vì vậy, các nội dung có liên quan đến an ninh, an toàn mạng và thông tin mạng cần quy định đầy đủ, chặt chẽ nhưng bảo đảm nguyên tắc không làm phát sinh thêm các thủ tục hành chính, gây khó khăn, cản trở các GDĐT.

Thảo luận, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, đây là lần đầu tiên mở rộng rất nhiều nội dung liên quan đến đời sống xã hội, nên cần đánh giá kỹ tác động.

“Hầu hết các lĩnh vực mở rộng lại trải dài, phân cấp thẩm quyền và lại có nhiều lĩnh vực được thực hiện từ cơ sở, như là kết hôn, khai sinh, khai tử theo pháp luật về tư pháp; chứng nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo pháp luật về đất đai, nhà ở, việc triển khai này có khó khăn, vướng mắc gì không”, bà Thanh nêu.

Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị Ban soạn thảo cho biết, luật này liên quan đến những luật nào như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin, Bộ luật Dân sự, Luật Các tổ chức tín dụng…

“Chúng tôi đề nghị khi ban hành luật này đảm bảo sự thống nhất của hệ thống pháp luật thì cần có một phụ lục là luật này liên quan đến những luật nào và có sự không thống nhất thì giải quyết như thế nào. Nếu chúng ta chỉ nói sơ sơ là luật này đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật thì sẽ chưa đầy đủ”, bà Nga nêu.

Không bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số ảnh 2

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại phiên họp

Không thay đổi nội dung các luật đã có

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới, Bộ Công an đã có một đề án rất thành công về thông tin cá nhân là tích hợp vào căn cước công dân có gắn chip, phục vụ Chính phủ điện tử, các bộ, ngành cũng đang tích hợp và sử dụng thông tin này. Ông đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu các quy định có tính liên thông với các nội dung trên vào trong Luật Giao dịch điện tử để đảm bảo tiện lợi và an toàn thông tin trong giao dịch.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá cao công tác chuẩn bị của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, với tài liệu rất đồ sộ và có nhiều tài liệu gửi bổ sung, rất cần thiết.

Tuy nhiên, vì đây là luật đi sâu vào kỹ thuật và công nghệ, lĩnh vực rất đặc thù. Vì vậy cần soát xét lại, làm sao cho dễ hiểu, dễ nhớ.

“Ngay cả chữ ký số với chữ ký điện tử nhiều người cũng không hiểu lắm đâu. Khác nhau giữa chữ ký điện tử với chữ ký số như thế nào?”, Chủ tịch Quốc hội nêu.

Liên quan đến sự thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ tịch Quốc hội đề nghị rà soát, nên có thống kê, phân tích, đánh giá rất rõ liên quan đến bao nhiêu luật, liên quan cái gì.

“Nguyên tắc là không thay đổi nội dung các luật đã có, không được dùng luật này để sửa đổi, bổ sung về các nội hàm, các luật về nội dung mà những luật khác đã quy định, đó là một nguyên tắc bất di, bất dịch”, ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh.

Tiếp thu các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, Luật Giao dịch điện tử có ý nghĩa rất quan trọng đến việc xây dựng một Việt Nam số.

“Nếu làm không tốt, đặc biệt nếu vi phạm những nguyên tắc căn bản của môi trường số hoặc không khả thi, không đủ nguồn lực để thực thi và không tính đến bối cảnh Việt Nam thì nó có thể là vật cản cho sự phát triển số ở Việt Nam. Vậy nên chúng ta cần cân nhắc hết sức thấu đáo trong quá trình xây dựng luật”, ông Hùng khẳng định.

Về quản lý, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhấn mạnh, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ không quản lý lấn sân sang các ngành khác trên môi trường số và cũng sẽ không có một bộ, ngành nào làm việc này. Sẽ không có một bộ, ngành nào độc quyền trên môi trường số, ví dụ như các hoạt động về báo cáo giám sát các giao dịch điện tử thì cũng do các bộ, ngành quy định. Luật chỉ nhấn mạnh, nếu báo cáo thì báo cáo online.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu ý kiến, Ủy ban KHCN&MT hoàn chỉnh các báo cáo thẩm tra để trình Quốc hội xem xét tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV.

MỚI - NÓNG