Không bó hẹp với “cử tri chuyên nghiệp”

Một buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội Ảnh: P.V
Một buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội Ảnh: P.V
TP - Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, Ủy viên Hội đồng bầu cử, Trưởng tiểu ban tuyên truyền bầu cử trả lời Tiền Phong xung quanh việc giới thiệu nhân sự ứng cử và bầu cử Quốc hội, Hội đồng nhân dân.

>> Đảm bảo an toàn công tác bầu cử đại biểu QH, HĐND

Một buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng tại Hà Nội Ảnh: P.V
Một buổi tiếp xúc cử tri của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng
tại Hà Nội. Ảnh: P.V.

Lâu nay có tình trạng đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về địa phương tiếp xúc cử tri rất khó gặp được dân, thay vào đó ĐB chỉ gặp “cử tri chuyên nghiệp” - những người địa phương lựa chọn, gửi giấy mời từ trước, ông nghĩ sao ?

Thực ra tiếp xúc cử tri ở tầm trung ương rất cởi mở, nhưng ở dưới địa phương thì cũng chưa thực hiện tốt. Cái này có nhiều nguyên nhân, có thể địa phương muốn thành tích một chút, nên không mở rộng đối tượng tiếp xúc cử tri.

Thứ hai, trong một thời gian tiếp xúc rất ngắn, người ta không muốn có gì phát sinh thêm, làm rối rắm thêm ra, làm mất công mất sức vào đấy. Thứ ba, địa điểm cũng quan trọng, cử tri đến mà không có chỗ ngồi phải đứng thì không được, người trong hội trường người ngoài hành lang, ngoài sân thì người ta không hài lòng, có rất nhiều vấn đề ở đây!

Như vậy kết quả tiếp xúc cử tri sẽ không đảm bảo, nếu không nói là rất hình thức. ĐBQH rất cần nghe được nhiều tiếng nói khác nhau từ nhân dân nhưng việc tiếp xúc cử tri qui định mỗi năm chỉ đôi ba lần, như thế có ít không?

Vẫn phải hô hào thôi, lần sau lưu ý là đừng có bó hẹp quá. Cử tri thì chuyên nghiệp còn ĐBQH thì mang tính… (Cười)!

Lưu ý chọn những người ngang sức ngang tài, để ai trúng cũng được. Tránh tình trạng nơi này nơi kia chọn những người ứng cử có trình độ chênh lệch quá lớn, người ta nói là “quân xanh quân đỏ” không hay. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên
"Lưu ý chọn những người ngang sức ngang tài, để ai trúng
cũng được. Tránh tình trạng nơi này nơi kia chọn những
người ứng cử có trình độ chênh lệch quá lớn, người ta nói là
“quân xanh quân đỏ” không hay." -  Phó Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Đức Kiên.

“Quân xanh quân đỏ” không hay

Công tác nhân sự bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND đang sắp hoàn tất, việc giới thiệu người tự ứng cử cần lưu ý những gì, thưa ông?

Lưu ý chọn những người ngang sức ngang tài, để ai trúng cũng được. Tránh tình trạng nơi này nơi kia chọn những người ứng cử có trình độ chênh lệch quá lớn, người ta nói là “quân xanh quân đỏ” không hay. Yêu cầu lựa chọn số một để bầu ĐBQH, HĐND các cấp kỳ này phải là tiêu chuẩn. Đương nhiên cố gắng kết hợp cơ cấu, nhưng trong cơ cấu phải đảm bảo, coi trọng chất lượng.

Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất vừa qua, có nhiều ý kiến đề nghị nên quy định một tỷ lệ ĐB tự ứng cử nhất định?

Trong định hướng đã có chủ trương tạo điều kiện cho những người ứng cử đủ tiêu chuẩn tham gia QH. Nhưng tôi phải nhấn mạnh những người tự ứng cử phải đủ tiêu chuẩn và đương nhiên phải theo một qui trình: Phải có ý kiến đồng tình ít nhất là của nhân dân nơi mình cư trú hoặc nơi công tác. Sau đó, cơ quan chức năng mới xem xét đưa vào danh sách.

Có ý kiến cho rằng, chúng ta nên mời những nhân sỹ, trí thức tham gia ĐBQH, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài (mời vào QH chứ không phải đưa vào danh sách tự ứng cử, vì có những người tài, đức không tự ứng cử)?

Đây cũng là một góc tiếp cận, nhưng theo một góc tiếp cận khác nhân sỹ, trí thức cũng là một công dân nên hoàn toàn có thể ra ứng cử. Tự trọng của mình phải gắn với trách nhiệm công dân. Trong qui định nói rất rõ là tạo điều kiện cho những người đủ tiêu chuẩn tham gia tự ứng cử.

Chúng ta công khai bằng văn bản như vậy, chứ không phải chỉ nói miệng. Như vậy công dân trong nước có thể tham gia tự ứng cử, bầu theo qui định. Nhưng bây giờ Luật chưa mở rộng ra, nên chưa đặt vấn đề đối với người VN ở nước ngoài.

Theo ông, cần có những qui định như thế nào để khuyến khích và tăng được số lượng người tự ứng cử ĐB QH, HĐND ?

Vấn đề này có thể còn phải nghiên cứu sâu hơn, nhưng quyết định việc trúng cử hay không là do nhân dân. Nhân dân là người gửi gắm, giới thiệu ĐB, nếu họ chưa tin tưởng thì sẽ không bầu. Ứng viên là đảng viên cũng thế, cũng phải theo qui trình xin ý kiến tại khu dân cư, đơn vị, không được đa số tán thành thì không đưa vào danh sách.

Tỷ lệ người tự ứng cử trúng cử lâu nay rất thấp (Khóa XII chỉ có 1 ĐB trúng cử) vì sao thưa ông?

Những người tự ứng cử không trúng chủ yếu là do chưa đủ tiêu chuẩn.

Chưa chú trọng chương trình hành động

Cử tri mong muốn mỗi ứng viên phải có chương trình hành động rõ ràng để nhân dân giám sát sau khi trúng cử ĐB có thực hiện điều đã hứa không. Nhưng có vẻ lâu nay chúng ta chưa chú trọng điều này?

Quả thật việc chuẩn bị chương trình hành động trong quá trình vận động bầu cử trong nhiều khóa làm chưa tốt. Có lẽ vì mình chưa thật sự coi trọng vấn đề này. Ngoài ra, mỗi đại biểu ở một cương vị khác nhau nhưng lại được bầu ở một đơn vị bầu cử trong một phạm vi rộng hơn, nên rất khó nói một cái gì đó sát sườn với cử tri nơi đó.

Ví dụ cử tri trung ương nói về chính sách vĩ mô, cái đó có thể không thiết thực với đơn vị ứng cử ở cơ sở. Nhưng ĐB làm DN có thể hứa hẹn trúng cử sẽ làm công trình này, công trình kia, có thể lại thiết thực. Có khi người đó trúng cử chứ không phải là ứng viên ở Trung ương.

Vậy sau hết có nên qui định cụ thể ứng viên phải có chương trình hành động cụ thể, thậm chí qui định giám sát việc ĐB thực hiện chương trình đó thế nào sau khi trúng cử?

Chúng ta đã có qui định rồi, các ĐB đều phải có chương trình hành động cụ thể. Tuy nhiên, ứng viên có thể chỉ nói về chương trình của mình đến một mức độ nào đó thôi. Ứng viên ở trung ương mà nói những vấn đề ở tầm vĩ mô, có khi người dân nghe lung bung xa lắm.

Ứng viên ở địa phương có thể nói những vấn đề cụ thể hơn: Chủ DN có thể hứa dành lợi nhuận sau thuế đóng góp cho dân, một vị chủ tịch huyện cũng có thể hứa hẹn này nọ, nhưng ứng viên ở trên này (Trung ương) thì không hứa thế được.

Số đại biểu Quốc hội khóa XIII không quá 500 người

Ngày 9- 3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về số đơn vị bầu cử, số đại biểu Quốc hội được bầu, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử của các tỉnh, thành phố.

Theo đó, tổng số đại biểu Quốc hội khóa XIII sẽ không quá 500 người. Tổng số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIII trong cả nước là 183. Hai địa phương có số đại biểu Quốc hội được bầu và số đơn vị bầu cử nhiều nhất là Hà Nội và TPHCM, mỗi thành phố có 10 đơn vị bầu cử, bầu ra 30 đại biểu.

* Ngày 10-3, Hội đồng bầu cử đã khai trương và đưa vào hoạt động trang web về bầu cử ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Phó Chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên bấm nút khởi động trang web.

Đây là trang thông tin điện tử chính thức của Hội đồng bầu cử ĐBQH khóa XIII và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2011-2016. Là đầu mối đăng tải, phổ biến các tài liệu, thông tin chính thức từ tổ chức phụ trách bầu cử và các tổ chức khác liên quan đến cuộc bầu cử.

Trang web về bầu cử: http://www.baucukhoa13.quochoi.vn, và cũng được đặt chính thức trên Website của Quốc hội: http://www.na.gov.vn

Nguyễn Tuấn (thực hiện)

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
Ninh Bình có tân Giám đốc Công an
TPO - Chiều 4/11, Cục Tổ chức cán bộ, Bộ Công an đã công bố quyết định điều động, bổ nhiệm Đại tá Đinh Việt Dũng, Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an làm Giám đốc Công an tỉnh Ninh Bình, kể từ ngày 6/11.