Không ai có thể đăng ký độc quyền nhãn hiệu gạo ST25

0:00 / 0:00
0:00
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ việc bảo hộ gạo ST25 chiều nay (23/4). Ảnh: Nguyễn Hoài.
Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ chia sẻ việc bảo hộ gạo ST25 chiều nay (23/4). Ảnh: Nguyễn Hoài.
TPO - Theo ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, ngay cả ông Hồ Quang Cua và nhóm tác giả giống lúa ST25 cũng không thể đăng ký độc quyền nhãn hiệu gạo ST25 tại Mỹ hay bất cứ đâu.

Theo ông Bảy cần phân biệt rõ giữa giống lúa ST25 và gạo ST25. Giống lúa ST25 đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo hộ cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí và tác giả giống lúa là các ông/bà Hồ Quang Cua, Trần Tấn Phương và Nguyễn Thị Thu Hương.

Chủ sở hữu giống lúa ST25 có quyền sử dụng hoặc cho phép người khác sử dụng sản xuất và nhân giống, chế biến nhằm mục đích nhân giống, xuất khẩu…Chủ sở hữu giống lúa này cũng có quyền ngăn cấm các hành vi bị coi là xâm phạm quyền của chủ bằng bảo hộ.

Theo ông Bảy, đây là việc bảo hộ Nhà nước đối với lúa giống, chứ không phải gạo được tạo ra từ giống lúa, và chỉ có hiệu lực ở Việt Nam.

Ông Bảy cho biết, khi công ty Hồ Quang Trí bán giống lúa ST25 cho nông dân hoặc một công ty sản xuất để trồng thì tất cả gạo được tạo ra phải sử dụng chung tên gọi gạo ST25. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, tên gọi chung của sản phẩm dịch vụ đã biết đến đầu ra sẽ không được đăng ký làm nhãn hiệu. Vì vậy, kể cả doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị bảo hộ giống lúa ST25, cũng không được bảo hộ độc quyền nhãn hiệu gạo ST25.

Không ai có thể đăng ký độc quyền nhãn hiệu gạo ST25 ảnh 1

Theo Cục Sở hữu trí tuệ, không ai có thể đăng ký bảo hộ độc quyền thương hiệu gạo ST25. Ảnh: internet.

Ông Bảy cho biết, quy định của pháp luật Hoa Kỳ còn rõ ràng hơn, trong đó quy định tên gọi chung của sản phẩm/dịch vụ sẽ không được bảo hộ làm nhãn hiệu. “Vì vậy, dấu hiệu ST25 không thể được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu độc quyền tại Việt Nam cũng như Hoa Kỳ cho bất cứ cá nhân, tổ chức nào”, ông Bảy nói.

Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ lấy dẫn chứng, ngày 1/9/2020, Công ty Transworld Foods của Hoa Kỳ đã nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu “VIETNAM’S ST25 RICE, DAC SAN SOC TRANG” lên Cơ quan sáng chế và nhãn hiệu Hoa Kỳ. Cơ quan này sau đó có thông báo từ chối đơn đăng ký với lý do, ST25 là tên gọi chung của một loại giống cây trồng, không thể đăng ký dưới danh nghĩa một nhãn hiệu.

Trước câu hỏi vậy nhiều doanh nghiệp cùng đưa ra thị trường sản phẩm gạo ST25 thì đâu là dấu hiệu phân biệt để người tiêu dùng nhận biết được nguồn gốc thương mại của sản phẩm gạo mà mình mua? Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cho biết: Các doanh nghiệp phải đưa sản phẩm gạo ST25 ra thị trường với nhãn hiệu riêng của mình, chẳng hạn như ST25 Bảo Minh…

Tuy nhiên, theo ông Bảy, về mặt lý thuyết, giống lúa ST25 có thể đăng ký bảo hộ độc quyền tại Mỹ. Việc có đăng ký bảo hộ hay không phụ thuộc vào chiến lược và tính toán của doanh nghiệp.

MỚI - NÓNG