Khốn khổ sống cùng quy hoạch 'treo'

0:00 / 0:00
0:00
Khu dân cư Định Công nằm trong dự án quy hoạch “treo” gần 2 thập kỷ
Khu dân cư Định Công nằm trong dự án quy hoạch “treo” gần 2 thập kỷ
TP - Giữa Thủ đô, những quy hoạch “treo” 10 đến 20 năm vẫn đang “trói” người dân trong đó có gia đình 3 thế hệ.

Nằm giữa khu đô thị đang phát triển tại phường Định Công (quận Hoàng Mai) có khu đất khoảng 7ha với hàng nghìn hộ dân sinh sống, ở đây đã có tổ dân cư, thành lập chi bộ Đảng, cấp biển số nhà, hộ khẩu và một số gia đình còn có cả giấy phép xây dựng… Tháng 6/2003, khu đất trên được quy hoạch với mục tiêu đầu tư xây dựng khu công viên cây xanh, nhà vườn sinh thái vui chơi.

Anh Cường (tổ 1, phường Định Công) cho biết, nhà anh được cấp giấy phép xây dựng hơn chục năm trước. Xung quanh, nhiều nhà dân đã sinh sống đến thế hệ thứ 3 nhưng vẫn phải ở trong căn nhà lụp xụp 2 tầng không được sửa chữa, xây dựng. “Người dân liên tục làm đơn kêu cứu gửi các cơ quan chức năng, mong điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với thực tế”, anh Cường nói. Nguyên nhân là gia đình anh ở trong khu đất đã quy hoạch “treo” gần 20 năm qua.

Tại dự án Khu nhà ở Ao Mơ (thuộc tổ 30 phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai) cũng đang có hơn 200 hộ dân sinh sống. Theo quy hoạch ô quy hoạch IX có diện tích 6.500m2 này, 200 hộ dân phải di dời để phục vụ bãi đỗ xe. Người dân đã nhiều lần gửi đơn thư đến cơ quan chức năng kiến nghị điều chỉnh, xem xét hiệu quả khi giải phóng 200 hộ dân để làm bãi đỗ xe.

Dự án Công viên Văn hóa - Thể thao - Vui chơi Đống Đa nằm giữa khu vực sầm uất nhất 2 quận Đống Đa và Ba Đình, cũng trải qua một thời gian dài không được triển khai, khiến việc xây dựng, lấn chiếm diễn ra phức tạp. Kết quả sau 20 năm quy hoạch, đã có hơn 600 công trình ở phần đất quy hoạch công viên cây xanh, gần như không thể di dời…

Điều chỉnh quy hoạch “cởi trói” cho người dân

Ông Đặng Xuân Chiến, Phó Chủ tịch UBND phường Định Công (quận Hoàng Mai) cho biết, dự án Công viên cây xanh phủ lên toàn bộ diện tích đất nông nghiệp. Gần 20 năm trước, quá trình đô thị hóa diễn ra, trong khi đất nông nghiệp không thể canh tác nên xuất hiện nhà cửa xây dựng tại đây. Đến nay, đã có hơn 1.000 nhà dân với hơn 4.000 nhân khẩu ở đây nên việc thực hiện dự án là rất khó. Phường đã báo cáo quận, quận đang báo cáo thành phố đề xuất xem xét điều chỉnh quy hoạch. “Không thể xóa xổ 1.000 nhà dân với quy hoạch cũ, cũng như không thể để người dân tiếp tục sống khổ như vậy”, ông Chiến khẳng định.

Luật Xây dựng sửa đổi năm 2020 có hiệu lực từ 1/1/2021 quy định: Trường hợp sau 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất hằng năm của cấp huyện, cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa có quyết định thu hồi đất hoặc chưa cho phép chuyển mục đích sử dụng đất mà không điều chỉnh, hủy bỏ hoặc có điều chỉnh, hủy bỏ nhưng không công bố, thì người sử dụng đất được quyền đề nghị cấp giấy phép xây dựng có thời hạn.

Đại diện UBND quận Hoàng Mai cho biết thêm, hiện tại, dân số trên địa bàn quận hiện khoảng gần 70 vạn người, là một trong những quận đông dân nhất của thành phố. Dân số cơ học tăng nhanh do tốc độ đô thị hóa gây quá tải về hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Nhu cầu về xây dựng nhà ở của người dân tăng cao trong khi nhiều quy hoạch được duyệt nhưng chưa thực hiện dẫn đến khó khăn trong quản lý đất đai, trật tự xây dựng theo quy hoạch.

Đối với Dự án xây dựng công viên Đống Đa, hàng trăm hộ dân ở đây vừa có tin vui sau hơn 20 năm chờ đợi khi UBND thành phố Hà Nội phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu đô thị H1-3 thuộc địa giới hành chính quận Đống Đa và một phần phường Nguyễn Du, quận Hai Bà Trưng. Theo đó, trong các khu vực công viên Đống Đa, khu công viên văn hóa - thể thao - vui chơi Đống Đa... có các hộ dân đang sinh sống và một số công trình hiện trạng tạm thời được tồn tại và có biện pháp quản lý chặt chẽ chống lấn chiếm và được thực hiện dự án riêng theo quy hoạch. Đây là cơ sở để UBND quận Đống Đa thực hiện các quy hoạch chi tiết, đảm bảo quyền lợi của người dân.

Theo các chuyên gia, quy hoạch “treo” không chỉ là bức xúc của người dân mà còn là sự lãng phí về tài nguyên đất đai.

Ðừng để quy hoạch đi sau thực tế

Ðể tránh tình trạng quy hoạch treo, các địa phương cần đẩy mạnh lộ trình rà soát, thực hiện quy hoạch để có sự điều chỉnh đúng đắn, kịp thời. Ðồng thời, thực hiện đầy đủ việc lấy ý kiến người dân, cộng đồng và các chuyên gia thông tin về quy hoạch để người dân có điều kiện giám sát quy hoạch.

TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết, công tác xây dựng quy hoạch đóng vai trò định hướng phát triển, có tầm nhìn dài hạn, là khoa học dự báo. Mặc dù đóng vai trò dẫn dắt, xác định là “đi trước một bước”, nhưng nhiều quy hoạch lại đang “chậm một bước” so với thực tế, đây chính là bất cập.

Mới đây, thành phố Hà Nội đã công bố quy hoạch phân khu đô thị H1-1 (A,B,C), H1-2, H1-3 và H1-4, tỷ lệ 1/2000, thuộc khu vực nội đô lịch sử (các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) giải quyết được phần nào những vướng mắc cho người dân sống ở các dự án treo. “Để tiếp tục tháo gỡ cho người dân, cần tiếp tục sớm đưa ra các quy hoạch phân khu, đó là phương án duy nhất”, KTS Nghiêm khẳng định.

Được biết, trong quy hoạch phân khu đô thị 4 quận nội đô vừa công bố, nhiều khu dân cư tồn tại trong các dự án treo đã được cho phép tồn tại trong lúc chờ điều chỉnh quy hoạch chi tiết dự án. Hiện nay, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội đang tiếp tục phối hợp với các quận, huyện để thực hiện điều chỉnh theo chỉ đạo của thành phố. Trong năm 2021, cơ quan chức năng sẽ tiến hành công bố điều chỉnh quy hoạch một số “quy hoạch treo” nhiều năm. Đáng chú ý, trong đó có dự án Công viên Tuổi trẻ Thủ đô “treo” hàng chục năm, dự án đã khiến hơn 800 hộ dân ở phía Đông của công viên bị “treo quyền lợi” cùng dự án.

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, quy hoạch treo gây lãng phí và ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân là vấn đề được các đại biểu quan tâm.

Lãnh đạo Bộ Xây dựng cho biết, để tránh tình trạng quy hoạch treo, các địa phương cần tích cực rà soát, thực hiện quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết và tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Theo tính toán sơ bộ, TPHCM đã rà soát trên 250 đồ án tiểu phân khu, quy hoạch chi tiết và thu hồi 176 dự án treo; Hà Nội đã rà soát 78 quy hoạch phân khu, 67 quy hoạch chi tiết…

Bên cạnh đó, các địa phương cần đẩy mạnh lộ trình rà soát, thực hiện quy hoạch cụ thể để có sự điều chỉnh đúng đắn, kịp thời, tránh việc điều chỉnh quy hoạch tuỳ tiện, quy hoạch treo; lập kế hoạch đầu tư trung hạn và hàng năm bố trí đủ nguồn lực để đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội theo quy hoạch xây dựng; điều chỉnh, bổ sung kịp thời và triển khai tích cực các kế hoạch, quy hoạch sau khi công bố quy hoạch.

Một vấn đề quan trọng nữa là thực hiện đầy đủ, thực chất việc lấy ý kiến người dân, cộng đồng và các nhà khoa học, chuyên gia trong việc lập và điều chỉnh quy hoạch; công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch để người dân có điều kiện giám sát quy hoạch.

MỚI - NÓNG
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
Hà Nội chuẩn bị đón thêm mưa lớn dịp cuối tuần
TPO - Theo dự báo từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong 24h qua khu vực Miền Bắc, Thủ đô Hà Nội có diễn biến giảm mưa gián đoạn. Mưa lớn xuất hiện chủ yếu về đêm, trời mát mẻ với nhiệt độ thấp nhất từ 23-26 độ C. Dự báo khoảng từ 11/5 khu vực lại đón một đợt không khí lạnh yếu gây mưa diện rộng.