Khối văn hóa xã hội ít thí sinh

Khối văn hóa xã hội ít thí sinh
TP - Các trường THPT trên toàn quốc đã hoàn tất việc thu hồ sơ từ những ngày trước và đang nộp hồ sơ cho Sở GD&ĐT. Thí sinh tự do đang chạy đua với thời gian. Phân tích bước đầu cho thấy, xu hướng nộp hồ sơ của thí sinh năm nay rõ ràng hơn các năm trước.

Ngày cuối cùng nộp hồ sơ tuyển sinh:

Khối văn hóa xã hội ít thí sinh

>Trường đại học top trên “hút” thí sinh
>Tuyển thẳng học sinh giỏi vào 38 ngành học

Đầu mùa tuyển sinh, qua thăm dò nguyện vọng của học sinh lớp 12 trường THPT Việt-Đức, một trường nằm trong tốp đầu của thủ đô Hà Nội, số thí sinh có nguyện vọng đăng ký vào khối kinh tế, tài chính ở một số lớp rất cao (chiếm 60-70% số học sinh). Tuy nhiên, ở cuối đợt nộp hồ sơ, theo cô Đào Tuyết Hạnh, văn phòng trường THPT Việt-Đức, thì khác hẳn: Số thí sinh nộp hồ sơ dự thi vào trường ngoại thương, học viện ngân hàng, tài chính ít đi rất nhiều, chủ yếu hồ sơ của thí sinh nộp vào ĐH Công đoàn, ĐH Thương mại, ĐH Hà Nội, ĐH Mở; cao đẳng (CĐ) có rất ít hồ sơ. Cô Tuyết Hạnh dự đoán, hiện tượng đảo chiều này có lẽ là do thời gian vừa qua, dư luận xã hội nói nhiều về tình trạng ế thừa nhân lực các ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng trong tương lai nên các bậc cha mẹ đã hướng nghiệp cho con em mình sát với nhu cầu thực tế hơn.

THỨ TRƯỞNG BÙI VĂN GA:

Không gây tâm lý hoang mang cho thí sinh

Trả lời về “hiện tượng” Vĩnh Phúc, Thứ trưởng GD&ĐT Bùi Văn Ga nói: “Phân luồng là việc làm tốt nhằm giúp học sinh chọn đúng ngành nghề, trình độ học tập để đào tạo có hiệu quả. Nhưng phân luồng chỉ có thể thực hiện bằng tư vấn, định hướng, vận động chứ không thể thực hiện bằng biện pháp hành chính. Hiện nay chưa có văn bản nào quy định học sinh tốt nghiệp THPT yếu không được thi ĐH, CĐ, vì vậy, chúng ta phải tôn trọng sự lựa chọn của các em để đảm bảo quyền lợi, không gây tâm lý hoang mang cho thí sinh. Tất cả các trường cần làm thủ tục để các em nộp hồ sơ đúng hạn.

Ở khu vực trường THPT dân lập (DL), có xu hướng phân luồng tự nhiên rất rõ rệt. Trường THPT Trần Phú (Ba Vì, Hà Nội) có 205 học sinh lớp 12 nhưng chỉ có 158 hồ sơ dự thi với số lượng thí sinh vào ĐH Công nghiệp và CĐ Sư phạm Hà Nội là chủ yếu, còn lại có nhiều thí sinh thi trung cấp và nhiều thí sinh không thi vào ĐH. THPT DL Huỳnh Thúc Kháng (Hà Nội) có 114 học sinh thi tốt nghiệp và chỉ có 129 hồ sơ dự thi ĐH, CĐ, trong đó có những thí sinh nộp 1-2 bộ hồ sơ, nghĩa là có nhiều học sinh không nộp hồ sơ thi tuyển sinh. Ở trường này, trường ĐH cao nhất mà các em học sinh nộp hồ sơ vào là ĐH Mỏ địa chất; những trường như ĐH Sư phạm, ĐH Thương mại chỉ có 1-2 hồ sơ; còn lại các thí sinh thường nộp vào trường CĐ.

Những ngày cuối cùng của hạn nộp hồ sơ, khu vực thí sinh tự do thường sôi động hơn cả. Anh Vũ Thạch Khiêm, TT giáo dục thường xuyên quận Hoàn Kiếm - Hà Nội cho biết, tại điểm nộp hồ sơ này trong những ngày cuối cùng có khoảng hơn 10 bộ/ngày. Ngày cuối cùng 16-4, thu được khoảng 40-50 bộ. Số lượng thí sinh ít hơn năm trước và vẫn thi nhiều vào các ngành kinh tế. Anh Thạch Khiêm lý giải, các thí sinh đi thi chủ yếu là số sinh viên đang học các trường ĐH, CĐ thi lại để tìm cơ may, đa phần số thí sinh tự do còn lại đã an phận với nghề nghiệp hoặc ngành đang theo học.

Ông Nguyễn Văn Nghiệm, chuyên viên phụ trách tuyển sinh (Sở GD&ĐT Thừa Thiên-Huế) cho biết: Thừa Thiên-Huế nhận được 39.321 vào thời điểm 15 giờ 30 chiều 16-4 với khoảng 9.000 thí sinh tự do. Có tới 60% thí sinh của Thừa Thiên-Huế nộp hồ sơ dự thi vào ĐH Huế. Tuy nhiên, ông Nghiệm nhấn mạnh: Khối ngành văn hóa xã hội đang có rất ít thí sinh ĐKDT, thí sinh chủ yếu đăng ký thi vào khối A và khối A1, khối mới của năm nay.

Những ngày tới, các Sở GD&ĐT sẽ tập trung nhập hồ sơ và sửa lỗi hồ sơ của thí sinh. Bước đầu cho thấy các sai sót chủ yếu nằm ở mục mã ngành do đây là năm đầu tiên mã ngành gồm có 7 ô khiến thí sinh nhầm lẫn. Một lỗi phổ biến khác thí sinh thường mắc phải là phần ghi nguyện vọng thường nhầm lẫn giữa trường tổ chức thi với trường không tổ chức thi và điền vào cả 2 ô.

Sau khi nộp hồ sơ, nếu phát hiện có nhầm lẫn, sai sót, thí sinh phải thông báo cho trường ĐH, CĐ trong ngày làm thủ tục dự thi để kịp sửa chữa, bổ sung (ngoài ra, trước ngày thi, danh sách thí sinh của từng phòng sẽ được dán trước mỗi phòng thi. Thí sinh cần kiểm tra lại thông tin của mình một cách cẩn trọng và báo cáo với cán bộ coi thi để kịp điều chỉnh trước ngày thi).

Sau 17 giờ ngày 16-4, là hạn chót nộp hồ sơ ĐKDT ĐH, CĐ tại hệ thống tuyển sinh của Sở GD&ĐT, thí sinh tiếp tục được nộp hồ sơ tại các trường tổ chức thi từ ngày 17-4 đến 17 giờ ngày 23-4.

Tất cả học sinh ở Vĩnh Phúc có nguyện vọng đều được nộp hồ sơ

Theo ông Nguyễn Đức Trọng, trưởng phòng giáo dục (GD) Thường xuyên - GD Chuyên nghiệp, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, hầu hết các trường THPT ở Vĩnh Phúc đã nộp hồ sơ ĐKDT. Đặc biệt, 6 trường THPT ở huyện Vĩnh Tường - nơi từng bị phản ánh không nhận hồ sơ ĐKDT của những học sinh có kết quả thi khảo sát kém - cũng đều đã nộp hồ sơ ĐKDT của học sinh cho Sở GD&ĐT.

Ông Trọng khẳng định: “Qua trao đổi với một số hiệu trưởng trường THPT ở Vĩnh Tường, tôi được biết tất cả những học sinh có nguyện vọng nộp hồ sơ đều được thu. Không chỉ bây giờ mà từ khi tổ chức hội nghị triển khai công tác tuyển sinh cho đến các lần gửi công văn cho các trường hướng dẫn những nội dung liên quan, Sở đều yêu cầu không để xảy ra một trường hợp nào học sinh có nguyện vọng mà không được nộp hồ sơ”.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
Sương mù bao phủ khắp TPHCM
TPO - Sáng nay 12/12, người dân TPHCM đón ngày mới trong thời tiết mát mẻ, nắng yếu nhưng sương mù tiếp tục bao phủ nhiều nơi. Tham khảo trên ứng dụng quan trắc không khí Air Visual cho thấy, nhiều khu vực tại TPHCM có điểm đo chất lượng không khí không tốt cho sức khỏe.