Theo đó, ông Trương Quý Dương bị khởi tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Theo kết luận của Công an tỉnh Hòa Bình, với tư cách là Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh, ông Dương đã giao cho Phòng Vật tư phối hợp Khoa Hành chính thực hiện hợp đồng thay thế, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2.
Trong quá trình thực hiện, Phòng vật tư và Khoa hồi sức tích cực đã không báo cáo tiến độ, cách thức thực hiện cho lãnh đạo bệnh viện.
Kết luận điều tra cũng khẳng định việc ký hợp đồng giữa ông Dương và ông Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc công ty Thiên Sơn) đúng quy định pháp luật. CQĐT đã giám định các trang thiết bị, vật tư phục vụ chạy thận đều đảm bảo chất lượng.
Về trách nhiệm của người đứng đầu bệnh viện nơi xảy ra sự cố y khoa làm 9 bệnh nhân tử vong, Công an tỉnh Hòa Bình điều tra bổ sung, xác định ông Trương Quý Dương chưa sâu sát khi đảm đương vai trò giám đốc đơn vị này.
Kết luận điều tra bổ sung nêu, năm 2015-2017, ông Dương không có quyết định giao phụ trách Đơn nguyên thận cho cá nhân nào; Không có văn bản giao hệ thống RO cho ai đảm nhiệm; Không ban hành quy trình liên quan đến hệ thống lọc nước.
Ngày 9/1, Công an tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Sở Y tế xử lý hành chính cá nhân ông Dương. Đến nay, sau khi hoàn tất kết luận điều tra bổ sung, Cơ quan điều tra khởi tố bị can đối với ông Dương.
Cáo trạng xác định, ngày 20/4/2017, bị can Hoàng Công Lương thừa lệnh trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2 và biết rõ việc sửa chữa, khử trùng hệ thống nước RO số 2 vào ngày 28/5/2017.
Nhưng sáng 29/5/2017, khi mới chỉ nghe điều dưỡng viên nói về việc Trần Văn Sơn gọi điện thông báo hệ thống nước RO đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường thì bị can Lương đã chủ quan, không kiểm tra lại và cũng không báo cáo với trưởng khoa theo chức trách, nhiệm vụ được giao mà vẫn ra y lệnh điều trị cho các bệnh nhân và để cho hoạt động lọc máu diễn ra bình thường dẫn đến sự cố khiến 9 người tử vong.