Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia vừa đề nghị Bộ Y tế, Bộ Thông tin và Truyền thông và các đơn vị liên quan tăng cường công tác quản lý, phòng chống hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng liên quan đến các sản phẩm dược, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền
Theo Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia, thời gian qua, công tác phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng đối với nhóm mặt hàng này đã có những chuyển biến rõ rệt. Số vụ vi phạm được phát hiện, xử lý đều giảm so với năm trước.
Trong năm 2022, lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, xử lý 3.527 vụ vi phạm về buôn bán kinh doanh hàng hoá, gian lận thương mại và hàng giả liên quan đến nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền (giảm 13% so với năm 2021).
Cụ thể, số vụ liên quan đến dược phẩm là 1.009 vụ, mỹ phẩm 1.618 vụ, thực phẩm chức năng 822 vụ và thuốc y học cổ truyền 79 vụ.
Qua xử lý, lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính 3.510 vụ, thu nộp ngân sách nhà nước gần 50 tỷ đồng, đồng thời khởi tố 17 vụ với 35 đối tượng.
Nhiều vụ việc buôn bán, kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng bị cơ quan chức năng phát hiện thời gian qua |
Cơ quan chức năng cũng áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề dược và đình chỉ hoạt động đối với 6 trường hợp vi phạm về xuất khẩu thuốc kiểm soát đặc biệt; ban hành 11 văn bản thu hồi thuốc vi phạm chất lượng.
Cùng đó đã đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc 41 sản phẩm mỹ phẩm không đạt tiêu chuẩn chất lượng; tạm ngừng hoạt động của 133 tên miền “.vn” và thu hồi 4 tên miền.
Theo đánh giá của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động quản lý trong lĩnh vực này cũng còn nhiều tồn tại như việc chấp hành chế độ thông tin báo cáo của một số bộ, ngành, địa phương còn chưa nghiêm túc, vẫn còn bộ ngành, địa phương không lập báo cáo định kỳ. Công tác phối hợp giữa các ngành, lực lượng chức năng, các địa phương chưa thường xuyên, liên tục nhất là trong việc chia sẻ trao đổi thông tin và xử lý vi phạm.
Đặc biệt, tình trạng vi phạm về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe vẫn diễn ra phổ biến trên môi trường mạng, các kênh youtube; facebook; zalo, trang thông tin điện tử có tên miền từ nước ngoài…
Để tiếp tục hạn chế tình trạng vi phạm, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia kiến nghị Chính phủ giao Bộ Y tế chủ trì phối hợp các bộ, ngành liên quan tiếp tục rà soát sửa đổi hoàn thiện chính sách pháp luật đảm bảo sự đồng bộ, toàn diện, thuận lợi cho công tác quản lý nhà nước đối với nhóm mặt hàng chăm sóc và nâng cao sức khỏe con người.
Bộ Y tế chủ động đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra, giám sát chất lượng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền; kịp thời phát hiện và xử lý các sai phạm.
Bộ Thông tin và Truyền thông cần nghiên cứu kiểm soát tổng đài điện thoại được thiết lập giả danh bác sỹ, dược sỹ để tư vấn bán các mặt hàng dược phẩm, thực phẩm chức năng giả, kém chất lượng trên không gian mạng; tăng cường công tác tuyên truyền và đề xuất giải pháp xử lý triệt để vi phạm của các trang thông tin điện tử, trang cá nhân trên mạng xã hội.