Khói bụi bức tử môi trường, 'tra tấn' dân

Khói bụi bức tử môi trường, 'tra tấn' dân
TP - Hơn một tháng nay, người dân xã Duy Tân (huyện Kinh Môn, Hải Dương) đã phong tỏa nhà máy hóa chất gây ô nhiễm. Với 4 nhà máy xi măng và 1 nhà máy hóa chất gây ô nhiễm, trong 10 năm qua, nơi đây đã có 70 người chết vì bệnh ung thư, hơn 20 người khác đang phải điều trị căn bệnh này không biết sẽ “ra đi” lúc nào.

> Nhà máy xi măng “tra tấn” dân
> Sống trong ô nhiễm, dài cổ chờ di dời

Từ khi có nhiều nhà máy xi măng mọc lên, các thôn xóm ở xã Duy Tân phải sống chung với khói bụi
Từ khi có nhiều nhà máy xi măng mọc lên, các thôn xóm ở xã Duy Tân phải sống chung với khói bụi.

Trong lúc người dân bức xúc cho rằng do môi trường bị “bức tử” nên bệnh nhân ung thư mới tăng đột biến thì cơ quan chức năng vẫn lặng như tờ, chưa có cuộc điều tra nào xác định nguyên nhân.

Nằm trong khu Nhị Chiểu vốn là “ốc đảo” bị chia cắt bởi hai con sông, nhưng nhờ giàu tài nguyên đá vôi mà từ hàng chục năm nay, xã Duy Tân đã trở thành vùng sản xuất vật liệu xây dựng hoành tráng tập trung nhiều nhà máy xi măng, lò nung vôi và xưởng nghiền đá.

Khói bụi trùm thôn xóm

Trên rẻo đất nằm dọc theo con đường trục của xã, bốn nhà máy xi măng Phú Tân, Thành Công, Trung Hải, Duyên Linh nối tiếp nhau kéo dài từ thôn Châu Xá tới thôn Trại Xanh. Thôn làng như chìm trong những lò nung, máy móc, dây chuyền bê tông, sắt thép sừng sững cùng những ống khói chọc thẳng lên trời tỏa ra những làn khói mù đặc, u ám.

Cách cổng nhà máy xi măng vài chục bước chân, căn nhà anh Nguyễn Văn Hanh lúc nào cũng đóng cửa im ỉm. Cửa kính trước nhà bụi bám thành lớp nhờ nhờ. “Ngày nào cũng phải lau nhà vài lần mà lau không xuể. Bụi luồn vào bếp ăn, len vào phòng ngủ”- anh Hanh nói. Tình cảnh này diễn ra cả chục năm nay, khi các nhà máy xi măng, lò nung vôi đua nhau mọc lên.

Nằm ở cuối rẻo đất với bốn nhà máy xi măng và một số lò vôi, từ lâu thôn Trại Xanh trở thành cái rốn hứng chịu nhiều khói bụi nhất.

Ông Ngô Văn Hứ, Trưởng thôn Trại Xanh, cho biết, các nhà máy xi măng này là công nghệ lò đứng lạc hậu nên rất ô nhiễm. Trước đây, khói bụi từ các nhà máy bốc lên ngùn ngụt theo gió tỏa ra như mây mù trùm lên thôn xóm. Bụi đọng trên mái nhà, đọt cây trắng xóa. Bụi len vào nhà, khiến người dân tức ngực khó thở, lúc nào cũng phải bịt khẩu trang.

Sau 2 lần dân Trại Xanh lập chốt phong tỏa lối vào nhà máy xi măng không cho ô tô, tàu thuyền vận chuyển vật tư, hàng hóa vào các năm 2005 và 2006, chính quyền mới chịu vào cuộc, buộc các doanh nghiệp sản xuất xi măng phải lắp đặt hệ thống lọc bụi. “Từ đó cũng có cải thiện đôi chút. Nhưng ban ngày thì đỡ chứ đêm khói bụi vẫn tỏa mịt mù”-ông Hứ nói.

Từ khi khói bụi từ các nhà máy xi măng tấn công vào khu dân cư, người dân trong thôn, xã càng trở nên khốn đốn hơn vì không có nguồn nước, phục vụ ăn uống sinh hoạt.

Trước đây, đa số các hộ dùng nước mưa nhưng rồi nước mưa hứng xuống lắng đầy bụi xám mờ, không ai dám ăn uống nữa. Phần lớn các hộ trong xã phải đi hàng cây số lấy nước từ chiếc giếng khơi ở chân núi Nhiễm (thôn Nhiễm Dương) về nấu nướng. Từ sáng tới khuya, lúc nào cũng có người vào giếng Nhiễm lấy nước.

Vào mùa đông, nước giếng cạn, người ta phải xếp hàng lấy từng chút nước, có người phải chờ đến nửa đêm mới lấy được. Những hộ có điều kiện thì khoan giếng, làm bể lọc hoặc bỏ tiền ra mua nước của một cơ sở sản xuất nước lọc ở chân núi Nhiễm với giá 50-60 nghìn/m3.

Ông Nguyễn Văn An, Phó chủ tịch UBND xã Duy Tân, cho biết từ năm 2007, huyện Kinh Môn đã thành lập tổ giám sát môi trường tại khu vực. Ông An cùng các trưởng thôn là thành viên. Tổ giám sát thường xuyên nhận được phản ánh của người dân “tố” những nhà máy xi măng xả bụi. Mỗi lần như thế, tổ giám sát đều yêu cầu nhà máy chấn chỉnh, không để ảnh hưởng tới dân. Tuy nhiên, theo ông An, trước nay, tổ giám sát chưa lần nào lập biên bản xử lý đối với các nhà máy xi măng bị tố gây ô nhiễm.

Xã có gần 100 người ung thư

Nằm giữa cánh đồng, nghĩa trang thôn Châu Xã như lọt thỏm giữa những ống khói nhà máy cao vút trên nền trời. Tại đây, có vài ngôi mộ mới đắp chưa xanh cỏ. “Mấy cái mộ ấy toàn người chết vì ung thư đấy. Nhưng ung thư ở Châu Xá chả thấm gì so với thôn Trại Xanh”-anh Hanh, thôn Châu Xá nói.

 Từ đầu năm đến giờ có 4 người chết vì ung thư rồi. Trong vòng 10 năm, cả thôn có hàng chục người chết vì bệnh này, có nhà 2-3 người chết vì ung thư.

Ông Hoàng Văn Khang

Ông Hoàng Văn Khang (61 tuổi) là một trong số gần chục người trong thôn Trại Xanh đang phải điều trị căn bệnh ung thư. Nhà ông Khang nằm sát bờ sông Kinh Thầy, trên cùng dải đất với những nhà máy xi măng nên thường xuyên phải hứng khói bụi.

Hơn năm trước, bên kia sông lại xuất hiện cơ sở sản xuất hóa chất, khói và mùi hóa chất từ đó bốc sang càng thêm khó chịu. Vợ ông Khang bị bệnh viêm phế quản, viêm họng mãn tính thường xuyên nghẹt thở, ho hắng. Đầu năm nay, ông Khang bị phát hiện ung thư đại tràng.

Ông mới trải qua phẫu thuật và truyền 3 đợt hóa chất, sức vóc ông giờ như ngọn đèn đã cạn dầu. “Từ đầu năm đến giờ có 4 người chết vì ung thư rồi. Trong vòng 10 năm, cả thôn có hàng chục người chết vì bệnh này, có nhà 2-3 người chết vì ung thư”-ông Khang nói.

Thống kê của cơ quan y tế, từ năm 2003 đến nay, xã Duy Tân có tới 70 người chết vì bệnh ung thư, trong đó số đông là người thôn Trại Xanh. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, xã đã có 9 người chết vì ung thư.

Hiện, cả xã còn chừng 20 người mắc bệnh nan y này. Họ đang truyền hóa chất tại bệnh viện ở Hà Nội hoặc chỉ còn nước nằm nhà. Bác sĩ Nguyễn Văn Đậu, Trạm trưởng Trạm y tế xã ba năm trước cũng phải điều trị bệnh ung thư phổi ở Hà Nội một thời gian dài, giờ vẫn đang điều trị tại nhà.

Theo bác sĩ Đậu, trong số 5.500 lượt người đến khám và điều trị tại trạm y tế xã hằng năm, có tới 70% bị mắc bệnh về đường hô hấp như viêm phế quản, viêm họng mãn tính.

Ông Nguyễn Văn Đông, Trưởng phòng Nông nghiệp - Tài nguyên - Môi trường thuộc Văn phòng UBND tỉnh Hải Dương, cho biết, 4 nhà máy xi măng Phú Tân, Thành Công, Trung Hải, Duyên Linh ở xã Duy Tân đều thực hiện quan trắc môi trường xung quanh 6 tháng/lần và môi trường trong nhà máy 3 tháng/lần theo quy định. Các chỉ số cơ bản vẫn đảm bảo, chỉ có chỉ số bụi là vượt cao. Tuy nhiên, ông Đông cũng thừa nhận, các nhà máy xi măng lò đứng này vẫn nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường vì vẫn tiềm ẩn nguy cơ cao.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
Đại sứ Pháp mặc áo dài, nói về Tết cổ truyền Việt Nam
TPO - Đại sứ Pháp tại Việt Nam Olivier Brochet chia sẻ về những dấu ấn ngoại giao giữa hai nước trong năm 2024, những lĩnh vực hợp tác tiềm năng, những cảm nhận của cá nhân ông về văn hóa Việt Nam. Ông bày tỏ sự ấn tượng khi thấy nhiều người Việt Nam có thể vận chuyển những cây đào, cây quất rất to bằng xe máy mỗi dịp Tết cổ truyền về.