> Bụi mỏ đá trắng xóa nghĩa trang
> Nhà máy xi măng “tra tấn” dân
"Đã 10 năm nay, dù tỉ lệ sinh con thứ ba vẫn cao nhưng dân số xã chúng tôi không thể tăng lên được mà đang giảm dần. Khói bụi của ba nhà máy xi măng đã khiến tỉ lệ sinh không kịp bù cho tỉ lệ chết” - Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, huyện Quảng Ninh (Quảng Bình) nói về vấn nạn ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
Một thôn có ba nhà máy xi măng
Ông Nguyễn Văn Thế cho biết, ông làm Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh gần 10 năm. Ngày ấy dân số của xã có 7.700 người thì nay vẫn vậy, đặc biệt như hai năm trở lại đây, dân số bị âm. Mỗi năm bình quân trong xã có đến năm, sáu chục người chết do mắc các bệnh hiểm nghèo, đa số là ung thư phổi, vòm họng và các bệnh về hô hấp.
Ô nhiễm ngày càng trầm trọng. Thế hệ bọn tui coi như vứt, nhưng thương lũ trẻ, đứa nào cũng còi cọc, bụng ỏng, da vàng. Lãnh đạo khi nghe dân chúng tôi phản ánh thì ai cũng hứa sẽ giải quyết, hứa hay lắm nhưng rồi chẳng ai đoái hoài. Dân chúng tôi chỉ mong lãnh đạo về sống ở đây một ngày thôi, thì sẽ hiểu tất cả Bà Phạm Thị Kê 68 tuổi |
Tại thôn Áng Sơn của xã, hiện có 3 nhà máy xi măng, công suất hơn 2 triệu tấn/năm. Trong đó, hai nhà máy của Cty CP Cosevco 6, nhà máy còn lại của Cty Vicem Hải Vân (Đà Nẵng). “Tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra đã hơn chục năm nay, chủ yếu do khói bụi và tiếng ồn từ các nhà máy xi măng, các mỏ khai thác đá và xe cộ vận chuyển vật liệu. Đại diện UBND xã đã nhiều lần làm việc với các nhà máy, rồi kiến nghị lên cấp trên, tuy nhiên tình trạng vẫn không được cải thiện, có chăng là các biện pháp mang tính đối phó mà không mang tính bền vững lâu dài” - ông Thế nói.
Bà Phạm Thị Kê (68 tuổi) ở thôn Áng Sơn, có nhà sát hàng rào nhà máy đưa chúng tôi đi khắp làng để giới thiệu về sự thống khổ của người dân nơi đây. Bà cho biết, đã 10 năm nay không có cuộc tiếp xúc cử tri nào, từ xã lên đến Quốc hội mà bà không có mặt để phản ánh tình trạng ô nhiễm ở đây. Chồng bà chết vì ung thư phổi được mấy năm, thì đến đứa cháu cũng chết do ung thư phổi.
Xóm nhà bà Kê có khoảng 20 ngôi nhà, thì hầu như gia đình nào cũng có người chết vì ung thư trong độ tuổi lao động, đặc biệt những năm gần đây, số trẻ em chết vì ung thư gia tăng đột biến. Ông Nguyễn Tý (73 tuổi, cùng xóm) cho biết: Ông có đứa cháu mới 3 tuổi đã bị chết vì ung thư cách đây mấy năm. Còn lại hai đứa thì còi cọc, không lớn được. Ông Tý khẳng định, nguyên nhân là ô nhiễm gây nên. “PV lên đây vào sáng sớm thì mới thấy hết mức độ ô nhiễm mà người dân chúng tôi phải gánh chịu. Ngày cứ phải quét nhà cả chục lần, còn sáng sớm ra, sân vườn phủ một lớp bụi dày, bạc trắng. Đến cá nuôi trong hồ cũng không sống nổi, huống chi người” - ông Tý nói.
Đá văng vào cả giường ngủ
Theo người dân thôn Áng Sơn, do làm ăn bết bát, nay hai nhà máy của Cty CP Cosevco một cái đóng cửa, cái còn lại thì nghiền Clinker cho Nhà máy xi măng Sông Gianh nên ô nhiễm có bớt. Riêng nhà máy của Cty Vicem Hải Vân thì vẫn hoạt động bình thường. Để đối phó với người dân, ban ngày nhà máy này vẫn cho hệ thống lọc bụi tĩnh điện hoạt động, nhưng đến khoảng 10 giờ đêm đến gần sáng thì bắt đầu xả bụi.
Nhiều người dân xã Vạn Ninh đang chống chọi với bệnh hiểm nghèo. |
Ông Nguyễn Văn Quang (60 tuổi), nhà sát tường rào của nhà máy cho biết: “Không biết bụi chi mà lạ lắm. Một lần họ xả là bầu trời vàng khè, đặc quánh. Những lúc như thế là dân chúng tôi không tài nào ngủ được, vì khó thở. Khổ lắm PV ơi, muốn ngủ là phải đeo khẩu trang, nếu không là tắc thở. Tui có hồ cá trước nhà mà không tài nào nuôi được. Bụi đóng thành váng trên mặt nước, sáng ra cá cứ trôi lên ngáp ngáp rồi chết trắng hồ. Dân chúng tôi muốn bỏ làng đi lắm, nhưng không biết đi đâu, vì không có tiền. Trong làng có vài hộ đã phải bỏ xứ mà đi rồi”.
Người dân thôn Áng Sơn ngày đêm còn phải chịu tra tấn bởi tiếng ồn từ búa đập, máy nghiền trong nhà máy, tiếng mìn khai thác đá. Thậm chí đá còn văng vào cả nhà người dân làm vỡ ngói. Ban ngày, nhà nào cũng cửa đóng then cài kín mít để tránh khói bụi và đá văng. “Tui đang nằm ngủ trưa, nghe sạt một tiếng như ai đánh vào người đau điếng. Ngồi dậy thì thấy cục đá to bằng cái bát lăn lóc trên giường. May không mất mạng” - vợ ông Quang cho biết.
Phóng viên đã cố gắng tiếp xúc với lãnh đạo các nhà máy xi măng nói trên nhưng đều bị thoái thác. Ai cũng nói nhà máy mình đã xử lí tốt môi trường.