Theo ông, nguyên nhân nào khiến những “quả đấm thép tan chảy” như một vị đại biểu Quốc hội trước đây đã từng ví von?
Có lẽ, nguyên nhân đầu tiên liên quan đến vai trò của DNNN nói riêng và vai trò của nhà nước trong nền kinh tế nói chung, chưa được xác định một cách rõ ràng. Chính vì thế tiến trình đổi mới, sắp xếp DNNN diễn ra rất chậm và gần như không hiệu quả.
Thứ nữa, DNNN một mặt hoạt động kinh doanh, nhưng mặt khác lại thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nên tạo ra một số xung đột trong việc vận hành.
Nguyên nhân khác phải nhắc đến là việc quản lý các DNNN không rõ ràng. Trong một thời gian dài, một số tập đoàn, tổng công ty lại chuyển lên cho một cấp cao hơn quản lý. Trong khi đó sự quản lý của các bộ ngành chủ quản bị buông lỏng, và xảy ra tình trạng chồng chéo, kém hiệu lực trong quản lý.
Một nguyên nhân khác là ngay bản thân việc lựa chọn người đứng đầu các DNNN cũng không lựa chọn những người thực sự có khả năng, lại chủ yếu dựa trên quan hệ hay lợi ích nhóm. Chính vì thế, một số lãnh đạo DNNN vừa hạn chế về trình độ năng lực, và đặc biệt là hạn chế về mặt đạo đức, dẫn đến xảy ra các sai phạm.
Thứ nữa là hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với DNNN, mặc dù có làm nhưng trong một thời gian dài, có thể nói hiệu quả của hoạt động này rất thấp. Chính vì thế sai phạm của DNNN mới kéo dài và gây ra hậu quả nghiêm trọng như vậy.
Là một chuyên gia về kinh tế, theo ông vì sao căn bệnh của các tập đoàn - tổng công ty nhà nước cứ lần lượt bùng phát như vậy?
Có thể nói, chúng ta đang tạo ra một khoảng “chân không trong quản lý”. Với khoảng chân không đó, quyền thì vô hạn, còn trách nhiệm thì bằng không.
Tiếp đó, một loạt các phong trào thành lập tập đoàn, đẩy các tổng công ty 91 lên thành các tập đoàn, gắn với đó là đầu tư ngoài ngành, không cần sự quản lý hay cho phép của ai cả, họ cứ thích thì làm. Người ta tập trung tài chính, tập trung nguồn lực và tập trung quyền lực vào một vài cá nhân, từ đó xảy ra tình trạng làm bừa, làm ẩu.
Về nguyên tắc khi thẩm định và quyết định các dự án lớn do các tập đoàn nhà nước đầu tư thì đều có sự tham gia, chỉ đạo của các cơ quan chủ quản. Tuy nhiên dường như trách nhiệm của các cơ quan, bộ ngành chủ quản lại không được đặt ra sau hàng loạt sai phạm , thưa ông?
Về nguyên tắc, sai phạm của cơ quan nhà nước thì cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm. Đó là chưa kể họ còn góp phần tiếp tay cho những sai phạm đó.
Thế nhưng sự quản lý lại không rõ ràng, và tạo ra sự chồng chéo, đặc biệt quyền quản lý lại không gắn với trách nhiệm quản lý, nên người ta lại càng có cơ hội để làm bừa. Trách nhiệm ở đây gần như không có. Một loại sai phạm xảy ra không ai chịu trách nhiệm cả.
Đây là một vấn đề lớn và cực kỳ quan trọng.
Nhiều người cho rằng, đã đến lúc cần tách khối DNNN ra khỏi các bộ, ngành. Ông thấy sao về phương án này?
Điều này đã được đề xuất từ lâu rồi. Bộ, ngành chỉ nên quản lý nhà nước và không quản lý doanh nghiệp, và chỉ có như thế mới tạo ra sân chơi bình đẳng cho các DNNN và các DN ngoài nhà nước. Khi đó bản thân các DNNN sẽ phải cạnh tranh, phải tự khẳng định mình.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là nếu làm như thế thì sẽ phải thiết lập một cơ chế để quản lý DNNN, nếu không thì sẽ tạo ra một khoảng trống. Ông bộ chủ quản buông, chẳng lẽ lại để DNNN tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm?
Bây giờ chúng ta đang tắc là không biết quản lý cái gì. Bởi vì việc quản lý hiện nay đang bàn mới là quản lý tài chính, như việc nâng cấp Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) chẳng hạn. Nhưng như thế cũng chỉ quản lý về tài chính, còn đối với DNNN, vấn đề không chỉ là quản lý tài chính, mà có vô số những vấn đề liên quan khác. Đặc biệt, những sai phạm vừa rồi cho thấy, vấn đề con người mới là nghiêm trọng nhất.
Thứ nữa là hoạt động sản xuất kinh doanh, rồi quyết định đầu tư được phân cấp trong DN, thậm chí kể cả quyết định tự đầu tư ở nước ngoài… Như vậy, ở đây sẽ nảy sinh ra vấn đề, quản lý khối DNNN, nếu không phải là bộ ngành thì ai quản lý? Và liệu thể chế quản lý đó có đủ sức mạnh, đủ khả năng để quản lý nổi không?
Nói gì thì nói, chúng ta đã tiến hành sắp xếp cổ phần hóa nhiều rồi, nhưng đến giờ mới chỉ có được khoảng 10% vốn, vẫn còn rất nhiều. Tuy nhiên, điều đáng phải lưu ý là nếu chỉ tính riêng đến quản lý tài chính không thôi thì cũng chẳng ăn thua gì.
Vậy theo ông, liệu pháp đặc trị nào quan trọng nhất để khắc phục tình trạng nêu trên?
Điều quan trọng đầu tiên vẫn phải đẩy mạnh đổi mới, sắp xếp lại DNNN, thực hiện nguyên tắc nhà nước sẽ rút hết vốn khỏi những DN mà nhà nước không cần làm. Trong trường hợp còn giữ thì phải có lộ trình để thoái vốn toàn bộ, chỉ giữ lại DNNN 100% vốn, cơ bản là DN công ích, thuộc nguyên tắc các DN khác họ không muốn, hoặc không được phép làm. Tránh tình trạng như hiện nay là DNNN ôm quá nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Những lĩnh vực đó có lẽ để cho DN ngoài nhà nước làm thì tốt hơn.
Thứ hai, với DNNN còn lại phải thiết kế một thể chế để quản lý nó. Và chắc chắn không thể để cho các bộ, ngành quản lý được, còn thể chế đó như thế nào thì phải cân nhắc. Nhưng có điều cần phải nhấn mạnh rằng, ở đây không chỉ là vấn đề về quản lý tài chính, vì nếu vậy nó chỉ hướng đến một công ty thiên về tài chính. Đối với DN tư nhân họ có thể làm vậy, còn với DNNN thì không thể đơn giản như vậy, vì còn liên quan đến tổ chức bộ máy, liên quan đến con người, rồi vấn đề trách nhiệm…
Cảm ơn ông.