Khoá tình yêu ở xứ sở Bạch Dương

Khóa tình yêu. (Ảnh minh họa)
Khóa tình yêu. (Ảnh minh họa)
TP - Khoá to khoá nhỏ, khoá vuông khoá tròn, khoá hình quả chuông, quả trứng... Nhiều nhất là khoá hình trái tim.
Đôi uyên ương trên cầu dẫn vào Nhà thờ Đấng Cứu thế
Đôi uyên ương trên cầu dẫn vào Nhà thờ Đấng Cứu thế.

Nhà thờ Đấng Cứu thế tọa lạc trên một triền đất thoai thoải sát cạnh bờ sông Matxcơva. Một cây cầu rất đẹp bắc qua sông dẫn vào cửa chính nhà thờ. Tôi đến thăm vào khoảng 6-7 giờ chiều thứ 7, khi đó rất đông giáo dân đến nhà thờ cầu lễ.

Chiếc khóa hai tâm hồn

Đang chơi tha thẩn trên cầu, chụp ảnh sông Matxcơva lúc chiều tà, người bạn tôi chỉ cho tôi xem những chùm khoá sắt khoá đồng đủ loại được khoá lúc lỉu hai bên thành cầu như những chùm quả. Thành cầu được đan theo hình hoa văn bằng sắt, tựa như giàn dây leo. Các chiếc khoá thôi thì đủ kiểu, đủ màu sắc. Khoá to khoá nhỏ. Khoá vuông khoá tròn, khoá hình quả chuông, quả trứng... Nhiều nhất là khoá hình trái tim.

Trên mỗi chiếc khoá đều ghi những dòng chữ tiếng Nga, tiếng Anh với những nội dung như: “Yêu em mãi mãi”, “Chúng mình bên nhau ngay cả khi sang thế giới bên kia”, “I love you” ... Chúng tôi được nhà thơ Nguyễn Huy Hoàng, tiến sĩ văn học Nga, người sống lâu năm ở Nga cho hay đó là những chiếc khoá tình yêu.

Nơ tình yêu trên đồi Matruc
Nơ tình yêu trên đồi Matruc.

Các đôi trai gái người Nga, khi làm đám cưới, họ thường chọn mua một chiếc khoá đẹp, sau khi làm lễ cưới trong nhà thờ xong, cô dâu chú rể rủ nhau ra một cây cầu nào đó, chú rể đem chiếc khoá khoá lại vào một chỗ chắc chắn trên thành cầu, rồi trao chùm chìa khoá cho cô dâu ném xuống sông, với một niềm tin thiêng liêng: chiếc khoá ấy đã khoá tâm hồn hai người lại với nhau để trọn đời bên nhau chung thuỷ. Vứt chìa xong, đứng trên cây cầu lộng gió, họ hôn nhau đắm đuối. Một phong tục đẹp.

Tôi là người may mắn. Ngay khi vừa nghe xong câu chuyện, một đôi trai gái ăn mặc đẹp đẽ trong trang phục lễ cưới cùng với dăm bẩy người đi cùng từ trong nhà thờ bước ra. Và họ đã thực hiện nghi lễ khoá tình yêu một cách thật hoàn hảo, giữa khung cảnh hoàng hôn trên sông, bên cạnh nhà thờ uy nghi với ba vòm tháp ánh vàng chói lọi.

Khóa tình yêu. (Ảnh minh họa)
Khóa tình yêu. (Ảnh minh họa).


Khóa và phá khóa

Tôi tò mò đi ngắm các chùm khoá hai bên thành cầu. Thấy không ít chỗ những thanh sắt bị tróc sơn, lên màu han gỉ. Tôi ngờ ngợ. Hỏi ra mới biết do số lượng khoá mỗi ngày một nhiều, nên thỉnh thoảng những người bảo vệ cầu đêm đêm lại đi... phá khoá. Nếu mà không làm thế thì khoá chắc chất đống lên hai bên thành cầu mất.

Cây cầu chỉ có thể đẹp lên khi được điểm xuyết đôi chiếc khoá tình yêu. Chứ bảo cứ chất đống lên như... đống phế liệu thì còn ra thể thống gì nữa. Nhưng mà người ta ý tứ lắm. Khi phá khoá, người ta làm ban đêm để người dân không một ai phải chứng kiến, sợ lỡ ai đó nhìn thấy chiếc khoá của mình bị phá sẽ dễ bị tổn thương.

“Người Nga ý tứ lắm. Khi phá khoá, người ta làm ban đêm để người dân không một ai phải chứng kiến, sợ lỡ ai đó nhìn thấy chiếc khoá của mình bị phá sẽ dễ bị tổn thương.”

Người Việt mình ở đâu cũng có tính hay đùa, nhiều khi tự trào bản thân mình rất... quái. Họ tán ra thế này: Có một đôi trai gái người Việt sống ở Matxcơva cũng làm đám cưới theo kiểu Nga, cũng làm nghi thức “chiếc khoá tình yêu” như thế. Nhưng, trước khi đem chiếc khoá và chùm chìa khoá ra cây cầu, trước đó anh chàng đã nhanh chân mang chùm chìa khoá đi... đánh thêm một chùm chìa khác.

Nguyễn Huy Hoàng cho hay, tục này đã có lâu đời trên khắp nước Nga. Thường thì các đôi lần đầu tiên cưới nhau, họ chọn làm nghi thức “chiếc khoá tình yêu” vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Còn riêng thứ sáu, nghi thức này dành cho những đôi - theo cách nói của người Việt ta là - “rổ rá cạp lại”. Ấy là chuyện trước kia, chứ còn bây giờ thì tiện khi nào người ta khoá lúc ấy, chẳng câu nệ ngày nào. Thôi thì cũng phải thích nghi với nhịp sống thời hiện đại, chứ biết tính sao!

Tục này đã có lâu đời trên khắp nước Nga. Thường thì các đôi lần đầu tiên cưới nhau, họ chọn làm nghi thức “chiếc khoá tình yêu” vào hai ngày thứ bảy và chủ nhật. Còn riêng thứ sáu, nghi thức này dành cho những đôi - theo cách nói của người Việt ta là - “rổ rá cạp lại”.

Tôi lại hỏi, thế ở những nơi không có sông có cầu thì sao? Nguyễn Huy Hoàng cho biết, các đôi cô dâu chú rể sẽ lên trên những ngọn đồi (núi) cao nhất, và làm những chiếc nơ bằng vải nhiều màu sắc rồi buộc lên những cành cây. Đó cũng là cách thề nguyền, với một ý niệm: buộc chặt tình yêu lại để cho đôi lứa không bao giờ có thể lìa xa. Những ngọn đồi, nhất là ngọn đồi nào có gắn liền với một hình ảnh danh nhân nào đó thì được xem là những nơi thiêng liêng nhất.

Trên ngọn đồi Matruc, ở Piachigorxk, nơi nhà thơ Lermontov đã đấu súng (1841) và gục ngã vì tình yêu và danh dự, cũng là nơi từng chứng kiến rất nhiều đôi trai gái Nga lên đó và buộc chiếc nơ tình yêu lên những cây cao. Vào mùa cưới, nhìn trên đồi, bạt ngàn những cây nơ khổng lồ thật lộng lẫy và cảm động.

MỚI - NÓNG
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
Cảnh tượng khác lạ ở Vũng Tàu
TPO - Sự tham gia của 60 nam vương quốc tế cùng loạt hoa hậu, á hậu Việt tại giải chạy quốc tế góp phần kích cầu du lịch, quảng bá văn hóa, ẩm thực thành phố Vũng Tàu đến bạn bè quốc tế.