Khoa học làm theo chỉ đạo sẽ không thành công

Khoa học làm theo chỉ đạo sẽ không thành công
TP - Giải thích về sự tự do tuyệt đối trong khoa học, Giáo sư Ngô Bảo Châu cho rằng nếu khoa học được làm theo chỉ đạo sẽ không thành công. Trao đổi với báo giới bên lề cuộc gặp gỡ với các nhà khoa học Viện Toán, GS Ngô Bảo Châu nói:

>> Chủ tịch nước tiếp Giáo sư Ngô Bảo Châu

GS Ngô Bảo Châu
GS Ngô Bảo Châu.

Khoa học cơ bản được sự đầu tư của Nhà nước, tức là tiền của nhân dân, Nhà nước cũng có định hướng cho khoa học. Nhưng là định hướng. Nhà nước mà chỉ định rõ ràng anh làm công việc cụ thể nào, tôi không tin sự chỉ đạo đó có thể tạo ra một nền khoa học phát triển.

Tự do có nghĩa là bản thân nhà khoa học thấy việc họ làm là lựa chọn của họ chứ không phải người khác bảo làm cái gì. Điểm lại trong các thế kỷ vừa qua, những nơi khoa học phát triển chẳng hạn Pháp đầu thế kỷ 19, Đức cuối thế kỷ 19 và Mỹ gần đây đều là những nơi tinh thần tự do học thuật đạt đến đỉnh cao.

Nhiều người cho rằng với điều kiện kinh tế xã hội Việt Nam hiện tại, Toán ứng dụng cần được ưu tiên phát triển. Vấn đề này được quan tâm như thế nào trong kế hoạch hoạt động dự kiến của Viện?

Công chúng cần có một thay đổi nhận thức về Toán học. Toán học là một khối thống nhất. Động lực phát triển Toán học chính là sự thống nhất của nó. Nếu anh cắt Toán học ra thành từng mẩu như Toán học với Vật lý, Toán học với Kinh tế, Toán học với Sinh học... thì bản thân Toán học sẽ tự hủy hoại.

Chẳng hạn chúng ta ra một nghị quyết chỉ làm Toán ứng dụng thôi, chỉ làm một bài toán liên quan đến đê điều, đến thời tiết, theo tôi mãi mãi chúng ta không bao giờ có một công trình khoa học có giá trị.

Nếu chúng ta làm theo chỉ đạo thì chỉ sản xuất ra một báo cáo, thậm chí không ra được bài. Nếu khoa học được làm theo chỉ đạo sẽ không thành công. Khoa học phải phát triển bằng nội lực của khoa học.

Viện nghiên cứu cao cấp về Toán có khác gì so với Viện Toán hiện nay, thưa giáo sư?

Viện Toán học là một bộ phận của Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam, làm các đề tài nghiên cứu khoa học do Nhà nước chỉ định, cơ cấu biên chế cố định. Còn Viện nghiên cứu cao cấp toán học sau này sẽ có một vai trò rất khác, nó hướng tới chấn hưng việc giảng dạy Toán học trong tất cả trường đại học trên cả nước.

Mô hình của Viện tuy mới mẻ với Việt Nam nhưng quen thuộc với thế giới. Khởi thủy cho mô hình này là viện Princeton, Mỹ. Viện Princeton ra đời năm 1930, sau 70 năm hoạt động viện đó đã đóng góp vào việc đưa nền toán học Mỹ trở thành nền toán học hàng đầu thế giới.

Tương lai chưa thể phán đoán thế nào nhưng nếu Viện làm tốt thì có thể mở rộng ra nghiên cứu cả các ngành khoa học lý thuyết khác. Ngay trong tinh thần hiện tại, ngành Toán ủng hộ việc hợp tác Toán học với các ngành khác.

Viện sẽ hoạt động thế nào, thưa giáo sư?

Người ta tưởng nhà toán học ngồi trong phòng làm việc một mình. Điều này đúng và quan trọng. Nhưng động lực chính cho sự phát triển khoa học nói chung và Toán học nói riêng chính là sự kết hợp giữa các nhà Toán học ở các ngành khác nhau, nhà toán học với nhà khoa học các ngành khác như Vật lý, Khoa học Máy tính, Sinh học, Kinh tế...

Một trong những điều then chốt trong tư tưởng hoạt động của Viện là sự kết hợp không chỉ giữa các nhà khoa học có khả năng, có điểm trội khác nhau, các ngành khác nhau mà còn giữa các nhà khoa học làm việc trong nước với các nhà khoa học trẻ đã được đào tạo ở nước ngoài.

Chúng tôi hy vọng khi Viện được thành lập, đây là cơ sở tốt để thu hút các nhà khoa học Việt Nam ở nước ngoài về làm việc trong nước, không phải là vĩnh viễn, mà có thể chỉ 6 tháng.

Còn giáo sư sẽ cộng tác với Viện ra sao?

Cá nhân tôi công việc chính vẫn là làm giáo sư ở trường ĐH Chicago nhưng nếu Viện được thành lập, hàng năm tôi có thể về Việt Nam từ tháng 6 đến tháng 8 để trực tiếp tham gia tổ chức khoa học, làm khoa học ở Việt Nam, làm việc với các nhà khoa học trẻ. Ngoài ra, trong năm học tôi cũng sẽ thường xuyên về hơn.

Việc hợp tác với người khác được khuyến khích. Những khi có việc quan trọng về tổ chức Viện, tôi sẽ đi về nhiều hơn.

Cần bao nhiêu thời gian để thấy được hiệu quả của Viện nghiên cứu này, thưa Giáo sư?

Tôi nghĩ Nhà nước rất dũng cảm khi quyết định phê duyệt chương trình trọng điểm này. Khi đã có quyết định rồi thì trái bóng thuộc về chúng tôi. Chúng tôi phải làm việc cho tốt để tạo ra những nhóm nghiên cứu – nhà toán học mới.

Nếu những nhà toán học đó quay về trường đại học, giúp các trường đại học có giảng viên nghiên cứu khoa học thực sự thì đó là thành công của chương trình. Tôi cho rằng 10 năm đủ dài để chúng ta có thể thấy sự thay đổi đó.

Khi điều thay đổi xảy ra, nhất là sau một vài năm các ngành khác như vật lý, sinh vật cảm thấy đó là mô hình tốt và mô hình được nhân ra thì tôi tin rằng chương trình có sức thuyết phục cao. Tôi tin rằng không có chuyện nó chết yểu.

Chủ tịch nước tiếp GS Ngô Bảo Châu

Chiều 1-9, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã thân mật tiếp GS Ngô Bảo Châu, nhân dịp GS mới được nhận huy chương Fields- Giải thưởng cao nhất về Toán học.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc mừng thành công mà GS Ngô Bảo Châu đã đạt được và khẳng định, với thành công đó, GS Ngô Bảo Châu đã làm rạng danh cho dân tộc Việt Nam, đưa trí tuệ Việt Nam vươn lên đỉnh cao của trí tuệ nhân loại.  

Lê Quý
Ghi

MỚI - NÓNG
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
Dải công viên ven sông Sài Gòn sắp có 'áo mới' đón tết Ất tỵ 2025
TPO - Công viên chạy dọc từ cầu Ba Son đến cầu Thủ Thiêm với chiều dài hơn 1 km, tổng diện tích 10ha được đề xuất thực hiện để nối dài tổ hợp công viên ven sông Sài Gòn tạo nên sân chơi công cộng có sức chứa lớn, nhiều hoạt động mới lạ, thu hút người dân và du khách đến tham quan, giải trí, tận hưởng dòng sông.