> Hàng trăm hộ dân Keangnam không thể về nhà
Méo mặt vì ở chung cư cao cấp
Tòa nhà Keangnam (huyện Từ Liêm) nổi tiếng là tòa nhà cao, hiện đại nhất Việt Nam, cũng là tòa nhà nổi tiếng vì các vụ kiện cáo giữa cư dân và chủ đầu tư. Nào là phí dịch vụ, gửi xe, người lạ vào tòa nhà đánh người... Đỉnh cao của vụ kiện khi chủ đầu tư không chịu nhún nhường đành cắt thang máy, điện sinh hoạt của cư dân khiến người dân phải mang bếp than, trải chiếu trước tòa nhà. Trước đó, cư dân chung cư CT3 Yên Hòa (quận Cầu Giấy), dấy lên phong trào treo băng rôn, khẩu ngữ tố cáo chủ đầu tư về chất lượng công trình sau cái chết của một người từ sự cố thang máy tòa nhà. Đại diện cư dân cho biết, chung cư được đưa vào sử dụng 5 năm do Cty TNHH Một thành viên Quản lý Bất động sản Constrexim làm chủ đầu tư nhưng nay đã xuống cấp nghiêm trọng, thang máy thường xuyên bị hỏng, kẹt, tầng hầm ngập nước mỗi khi mưa to...
Còn cư dân chung cư 93 Lò Đúc (quận Hai Bà Trưng), ngoài việc kiện chủ đầu tư xây trái phép tầng thượng của tòa nhà gây ảnh hưởng đến hệ thống thoát khí các khu kỹ thuật, các cư dân ở đây cũng bức xúc về mức phí do chủ đầu tư đưa ra. Tại chung cư Golden Westlake (quận Tây Hồ), cư dân nổi đóa khi chủ đầu tư đưa ra hai hình thức thuê bãi đỗ xe trả tiền ngắn hạn, và đóng một lần trong thời hạn 38 năm. Nếu tính theo tháng, khách hàng sẽ phải đóng 1 triệu đồng. Trường hợp thuê dài hạn, cư dân sẽ phải nộp khoảng 800 triệu đồng trong 38 năm.
Vì đâu nên nỗi?
Rõ ràng ngày càng nhiều các vụ kiện xảy ra giữa người dân và chủ đầu tư ở những khu chung cư cao cấp, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hà – Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho rằng, do người dân không đọc kỹ hợp đồng mua bán nhà mới xảy ra nhiều sự tranh chấp, kiện cáo với chủ đầu tư.
Còn ông Phạm Sỹ Liêm - Phó chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam cho hay: “Đa số chung cư hiện nay đều theo mô hình quản lý mà chủ đầu tư lập ra để nắm độc quyền, áp đặt người dân về giá dịch vụ. Họ thu phí cao nhưng chất lượng phục vụ không tương xứng”.
Theo ông Liêm, mô hình ban quản trị tòa nhà được xem là vũ khí bảo vệ quyền lợi của người dân dù đã được Luật Xây dựng quy định rõ phải thành lập khi có 80% số dân về ở, nhưng những ban quản trị như thế vẫn chưa có ở hầu hết các khu
chung cư.
Dù UBND TP Hà Nội đã ban hành mức phí trần dịch vụ, gửi xe tại chung cư nhưng nhìn chung các chủ đầu tư chung cư không hề thực hiện đúng theo quy định đó. Theo ông Nguyễn Đức Minh- Giám đốc Cty Kinh Đô (chủ đầu tư chung cư 93 Lò Đúc), nếu thực hiện như quy định thì các chủ đầu tư chung cư cao cấp không thể thực hiện nổi. “Nếu thu theo mức trần như quy định thì doanh nghiệp buộc phải bù lỗ và thực tế hiện nay chúng tôi phải bù lỗ từ 80 đến 120 triệu đồng/tháng để duy trì các hoạt động của tòa nhà. Dân cứ kiện tụng bảo chủ đầu tư thu phí cao nhưng thực tế phí trang trải cho các khu chung cư cao cấp khác với chung cư thường. Thực tế, chúng tôi có phải kinh doanh các loại phí dịch vụ này đâu, đây chỉ là việc hậu mãi sau khi bán nhà cho khách thôi”- ông Minh nói.
Theo các chuyên gia, mấu chốt của rắc rối, đồng thời cũng là mầm mống của xung đột giữa người dân và chủ đầu tư chính là việc chủ đầu tư giữ lại các hạng mục, công trình phụ gắn với nhu cầu thiết yếu hằng ngày của những người sống trong chung cư. “Các tầng trệt, tầng hầm khi chung cư được đưa vào khai thác, thì chủ đầu tư tổ chức việc sử dụng các công trình ấy để kinh doanh theo mức giá tự đề ra. Người dân khó chấp nhận điều đó”-một vị chuyên gia nói.
Tiến sỹ Mỹ học Thế Hùng (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói: Nếu cả cộng đồng lãnh đạo của tòa nhà như thế thì Keangnam trở thành nơi hội tụ của bọn côn đồ vô học. Trước đây, người dân kỳ vọng nhiều vào sự hiện đại và sang trọng của tòa nhà, nhưng giờ đây, sớm muộn gì, người dân cũng bỏ Keangnam ra đi. Minh Đức |