Thể dục dụng cụ đã tạo dấu ấn đặc biệt trong những năm gần đây |
Giai đoạn dịch COVID-19 đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội, các khoản chi phí cho hoạt động TDTT càng bị hạn hẹp, chế độ ưu đãi đối với đội ngũ VĐV, HLV hạn chế, khiến mọi hoạt động không đồng bộ, thiếu cân bằng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác đào tạo, đặc biệt ở các địa phương còn rất khó khăn. Nhưng với tinh thần quyết tâm cao, các VĐV ở các môn Thể dục và Khiêu vũ thể thao vẫn hăng say tập luyện và tận dụng các phương tiện tại chỗ, tiếp cận những bài tập hiện đại trên video phù hợp với yêu cầu của từng bộ môn, tạo được những hiệu ứng tích cực và đạt được những kết quả tốt. Tại SEA Games 31, các môn thể dục dụng cụ, thể dục nghệ thuật, Khiêu vũ thể thao, Thể dục Aerobic đã đạt tổng cộng 12 HCV, 8 HCB và 13 HCĐ.
Thể thao phong trào phát triển đa dạng
Hoạt động TDTT phong trào vẫn phát triển tốt và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Hoạt động TDTT được tổ chức đa dạng về hình thức lẫn nội dung thi đấu, thu hút đông đảo các CLB và người dân khắp nơi tham gia, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Điều này đã có tác động thúc đẩy mạnh mẽ phong trào tập luyện và thi đấu các môn thể dục trên cả nước.
Các giải đấu Thể dục Aerobic phong trào đã được đưa vào thi đấu thường niên ở các tỉnh, thành, ngành cũng như hệ thống thi đấu của các nhà văn hóa, cung thiếu nhi trên toàn quốc; nhiều phòng tập, CLB được thành lập mới, thu hút rất nhiều thanh niên nam, nữ và cả người cao tuổi đến sinh hoạt.
Thể dục Dưỡng sinh đã được phát triển tốt và đúng hướng, đem lại sân chơi bổ ích cho lớp người cao tuổi trong cả nước. Về cơ bản 100% đơn vị Thể dục dưỡng sinh khu vực phía nam (từ Khánh Hòa trở vào) đã xây dựng Hội/Chi hội Thể dục Dưỡng sinh.
Đầu tư trọng điểm, lấy công tác đào tạo VĐV trẻ làm then chốt
Trên cơ sở thành tích thi đấu của VĐV tại các giải thi đấu toàn quốc, LĐTDVN phối hợp với bộ môn Thể dục và Khiêu vũ thể thao (Tổng cục TDTT) và các Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia lựa chọn những VĐV có triển vọng nâng cao trình độ chuyên môn tham gia chương trình tập huấn bảo đảm lực lượng trẻ kế cận chuẩn bị cho các kỳ Đại hội thể thao lớn trong khu vực, đặc biệt là Olympic, ASIAD và SEA Games.
Từ đó, các VĐV kế cận cũng đã không ngừng nỗ lực để nâng cao hơn nữa vai trò của mình tại những đấu trường thể thao danh tiếng của khu vực và châu lục. Trong hai kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á gần đây, nhiều tên tuổi VĐV đã tạo dấu ấn đặc biệt như: Đinh Phương Thành, Lê Thanh Tùng, Xuân Thiện, Trần Đoàn Quỳnh Nam, Phạm Như Phương, Hải Yến, Khánh Vân (Thể dục dụng cụ); Lê Hoàng Phong, Nguyễn Chế Thanh và Trần Ngọc Thúy Vy ( Thể dục Aerobic) ; Nguyễn Hà My, Hải Yến (Thể dục nghệ thuật); Nguyễn Đoàn Minh Trường ( Khiêu vũ thể thao)…
Qua quá trình tập huấn, BHL cùng Liên đoàn sàng lọc những VĐV tập luyện không có hiệu quả và bổ sung bằng những người có khả năng chuyên môn tốt hơn.
Chuyển mình để bay cao
Phương án thực hiện ngay lúc này là cần phải đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút các nguồn lực để tổ chức nhiều hơn các giải đấu cho các đối tượng khác nhau, qua đó phát hiện các VĐV có năng khiếu để có chế độ đãi ngộ tương xứng, tạo niềm tin và sự yên tâm cho các VĐV theo nghiệp thể thao lâu dài. Đồng thời cần đẩy mạnh phát triển thể thao học đường để tạo nền tảng vững chắc.
Thực tế, các môn thể dục nghệ thuật, thể dục dụng cụ còn quá ít VĐV tham dự do đặc thù riêng, VĐV phải được đào tạo tập trung từ 7-8 tuổi và điều quan trọng là cơ sở vật chất, dụng cụ để tập luyện phải được trang bị đầy đủ hiện đại, trong khi hầu hết các Trung tâm chưa đáp ứng được, nên công tác đào tạo VĐV cũng gặp khó khăn, giảm sút về số lượng. Đây là những vấn đề nhiệm kỳ mới của Liên đoàn thể dục Việt Nam cần giải quyết.