Khó dự báo số vốn ODA cho Việt Nam năm 2013

Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc WB tại Việt Nam Ảnh: Phong Cầm
Bà Victoria Kwakwa- Giám đốc WB tại Việt Nam Ảnh: Phong Cầm
TP - Ngày 5-12, bà Victoria Kwakwa - Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho biết, rất khó dự báo số vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho Việt Nam trong năm 2013 tại Hội nghị nhóm tư vấn các nhà tài trợ (CG) cho Việt Nam diễn ra vào ngày 10 tới.

> Ngân hàng đang mua bán nợ xấu lẫn nhau
> Vay 800 triệu USD để phân phối điện hiệu quả
> Ngại bị gọi tên tham nhũng

Theo bà Victoria Kwakwa, trọng tâm CG 2012 là đối thoại về những vấn đề căn cơ của tăng trưởng kinh tế Việt Nam, trong đó tập trung chủ yếu là vấn đề tái cơ cấu ngân hàng.

“Việt Nam không nên trông đợi quá nhiều vào số vốn ODA mà các nhà tài trợ cam kết vì CG giờ không phải là diễn đàn để huy động tiền hỗ trợ nữa mà là nơi để Chính phủ Việt Nam đối thoại với các nhà tài trợ về các vấn đề quan trọng của nền kinh tế Việt Nam” - bà Victoria Kwakwa nói.

Trước những lo lắng kinh tế toàn cầu khó khăn, nguồn vốn ODA cho Việt Nam trong năm 2013 sẽ giảm, bà Victoria Kwakwa khẳng định, Việt Nam không lệ thuộc vào nguồn viện trợ mà có thể tự chủ động nguồn tài chính.

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu khó khăn, trọng tâm đối thoại giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ không phải là con số viện trợ ODA bao nhiêu mà là Việt Nam sẽ nhận được sự hỗ trợ về kỹ thuật, nâng cao năng lực, được chia sẻ kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển khác.

“Không thể dự báo trước được con số ODA mà Việt Nam có thể nhận được là bao nhiêu. Tuy nhiên, các nước sẽ vẫn cam kết ủng hộ, giúp đỡ Việt Nam. Kết thúc CG, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Việt Nam sẽ họp báo và công bố số ODA cho Việt Nam trong năm 2013” - bà Victoria Kwakwa nói.

Tại buổi họp báo, ông Deepak Misha - Chuyên gia kinh tế trưởng của WB công bố báo cáo cập nhật tình hình phát triển kinh tế Việt Nam, với cảnh báo kinh tế Việt Nam hiện vẫn còn tiềm ẩn 5 rủi ro lớn, gồm: lạm phát cơ bản vẫn cao; mức dự trữ ngoại tệ thấp so với quốc tế; việc nới lỏng các chính sách tài khoá hoặc tiền tệ có thể làm lạm phát tăng trở lại; chất lượng tài sản của các tổ chức tín dụng xấu đi, nợ công tăng nếu tính cả nợ dự phòng của các ngân hàng và DNNN; triển khai chậm trễ và kém hiệu quả quá trình cải cách cơ cấu kể cả giải quyết nợ xấu trong ngân hàng và các DNNN đang là những vật cản tới tiềm năng tăng trong dài hạn của Việt Nam.

Ông Deepak Misha phân tích, các thách thức và tồn tại mang tính truyền thống của Việt Nam vẫn còn. Nợ nước ngoài ngày càng cao và càng trở nên xấu hơn. Tổng nợ nước ngoài ước tính đã lên tới 42% so với cuối năm 2010 và tăng 10 điểm phần trăm so với cuối 2007.

Phần lớn khoản nợ là tăng từ nguồn không có bảo lãnh Chính phủ, từ tư nhân và khu vực doanh nghiệp Nhà nước vay.

Trong khi đó, dự trữ ngoại tệ (tháng nhập khẩu) của Việt Nam dù tăng nhưng so với các nước trong khu vực vẫn rất thấp, chỉ ở mức 2,3 trong khi đó một số nước rất cao như Trung Quốc (22,4), Philippines (13,0), Thái Lan (8,7).

Cũng theo ông Deepak Misha, chất lượng tài sản đang xấu đi trong hệ thống ngân hàng. Tỷ lệ nợ xấu chính thức là 4,93%.

Tuy nhiên, một con số khác theo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng (NHNN Việt Nam) là ở mức 8,82%. “Đây chưa phải là mức nợ xấu cao nhất vì theo giới phân tích độc lập và nghiên cứu thì ước tính nợ xấu của Việt Nam còn cao hơn nhiều các mức trên” - ông Deepak Misha cho biết.

Ông Deepak Misha cho rằng, dù sự ổn định kinh tế vĩ mô nhờ Nghị quyết 11 còn mong manh, nhưng nếu tái cơ cấu lĩnh vực tài chính tốt, sẽ giúp Việt Nam khôi phục lại một môi trường kinh tế vĩ mô bền vững và đặt nền móng cho hiệu quả cao hơn để tăng trưởng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG