Nếu như cuối tuần trước, chính quyền ông Trump tuyên bố sẽ áp thuế 25% đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 200 tỷ USD vào Mỹ, thì ngay đầu tuần này, Trung Quốc cũng tuyên bố sẽ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Mỹ vào Trung Quốc trị giá 60 tỷ USD.
Các nhà phân tích cho rằng, cả hai đang phải đối mặt với các áp lực ngày càng gia tăng trong nước và làm giảm cơ hội cho một thỏa thuận chung cũng như làm gia tăng sự không chắc chắn đối với nông dân và công nhân.
Việc đưa ra các mức thuế quan mới giữa Mỹ và Trung Quốc đã càng như đổ thêm dầu vào lửa và hai bên khó có cơ hội lùi bước khi mà hàng loạt ngành công nghiệp và nền kinh tế toàn cầu bước vào khu vực nguy hiểm.
Ông Bonnie Glaser, cố vấn cấp cao về châu Á tại Trung tâm chiến lược có trụ sở tại Washington nhận định, hiện nay cả hai bên đang phân tích nền kinh tế, áp lực trong nước, tình hình toàn cầu. Việc cả Mỹ và Trung Quốc đều cho mình là “ cửa trên” thì cơ hội đạt được một thỏa thuận chung càng ít. Tiến trình này càng kéo dài, tác động toàn cầu sẽ càng lớn, không chỉ ảnh hưởng đến mỗi nền kinh tế Mỹ.
Theo một quan chức chính quyền của Trump, người đã cáo buộc Bắc Kinh rút lại thỏa thuận, dường như Trung Quốc gần tiến tới một thỏa thuận hồi tuần trước bao gồm các luật về kiểm kê hàng hóa tồn kho và các quy định mà Bắc Kinh phải sửa đổi trước khi đảo ngược tình thế và thay đổi các điều khoản.
Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ( ngoài cùng bên trái) tới Mỹ tham dự vòng đàm phán mới nhất và trở về trắng tay khi không đạt được thỏa thuận nào.
Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, người dẫn đầu đoàn đàm phán Trung Quốc, trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài truyền hình Phoenix có trụ sở tại Hồng Kông, đã bác bỏ mọi động thái không thiện chí. Ông cho biết, việc điều chỉnh là hết sức bình thường của các cuộc đàm phán khi tiến tới một thỏa thuận cuối cùng.
“Chúng tôi không nghĩ rằng Trung Quốc đã quay lưng lại hoặc từ bỏ. Nó chỉ là một số bất đồng về việc một số vấn đề cần phải ghi lại bằng văn bản như thế nào”, ông Lưu Hạc cho biết.
Tuy nhiên, một nhà phân tích cho rằng, sự đảo ngược đột ngột của Trung Quốc cho thấy chính quyền của Chủ tịch Tập Cận Bình đang ngày càng lo lắng rằng họ sẽ trở nên yếu thế hơn nếu đáp ứng các yêu cầu của Mỹ.
Ông Mitch Glaser trích dẫn các cuộc trò chuyện với các quan chức chính quyền và cho biết rằng, Trung Quốc có khả năng cao chấp nhận một thỏa thuận có lợi nhiều hơn cho Mỹ vì ở Trung Quốc, việc thay đổi các quy định dễ dàng hơn thay đổi luật. Trong khi đó, chính quyền ông Trump đang phải đối mặt với giới chính trị trong nước và sẽ gặp làn sóng chống đối của họ nếu chấp nhận một thỏa thuận thiệt hơn cho nước Mỹ.
Bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng lo ngại rằng người Mỹ sẽ đổ lỗi cho chính quyền của ông về tổn thất kinh tế do thuế quan cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc. Điều này sẽ bất lợi cho ông trong cuộc bầu cử năm 2020. Do đó, Mỹ không thể xuống thang trước Trung Quốc.
Ngày 13/5, ông Trump đã viết trên Twitter của mình rằng: “ Không có lý do nào để người dân Mỹ phải trả mức thuế quan sẽ có hiệu lực đối với Trung Quốc ngày hôm nay. Ngoài ra, thuế quan có thể hoàn toàn tránh được nếu bạn đến từ nước phi thuế quan hoặc bạn mua sản phẩm được sản xuất tại Mỹ ( ý tưởng tuyệt vời nhất) vì mức thuế quan sẽ là 0%.”
Mỹ và Trung Quốc đều thiệt hại nếu tăng thuế nhập khẩu
Theo tư vấn của Trade Partnership Worldwide, trung bình một gia đình có bốn người ở Mỹ sẽ phải trả thêm 767 USD hàng năm đối với hàng gia dụng nếu Mỹ áp mức thuế quan 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ trị giá 200 tỷ USD.
Tuy nhiên, nếu ông Trump dọa sẽ áp mức thuế quan đó với tất cả các mặt hàng nhập khẩu còn lại của Trung Quốc và Trung Quốc sẽ trả đũa lại, mỗi gia đình Mỹ phải trả thêm 2.294 USD mỗi năm.
Một số người ủng hộ ông Trump tại quốc hội đã cố gắng làm dịu tình hình bằng cách cho rằng, đó là cái giá mà người yêu nước phải trả cho cuộc chiến thương mại này. Trong một cuộc phỏng vấn trên kênh CBS ngày 13/5, Thượng nghị sỹ Tom Cotton, đảng Cộng hòa ở Arkansas cho rằng, cái giá mà người nông dân phải trả cho cuộc chiến thương mại này là nhỏ bé nếu so với những người lính ngoài chiến trường.
Đòn trả đũa mới nhất của Trung Quốc đã tạo ra nhiều thị trường bất ổn hơn nữa và cuộc chiến thương mại này đã bị đẩy ra ngoài chiến tuyến. Trong số các khu vực bị ảnh hưởng bởi mức thuế quan mới này của Bắc Kinh bao gồm sữa đậu nành, dầu ăn, các sản phẩm công nghệ và kim loại.
Mike Appert,một nông dân trồng đậu tương ở Hazelton, phía bắc Dakota, cho biết, tương lai của anh khá ảm đạm khi hai bên vẫn không bên nào chịu bên nào. Anh nói: “ Trung Quốc là bạn hàng tốt nhất của chúng tôi và chúng tôi sẽ mất tất cả. Nhiều ngành công nghiệp khác cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại này, họ có thể vực dậy được, nhưng chắc phải mất hàng thập kỷ nữa”.
Appert đưa ra bài học từ khi Mỹ áp dụng lệnh cấm vận với Liên Xô vào năm 1979 vì cáo buộc nước này đã xâm lược Afghanistan. Điều này đã khiến cho người nông dân Mỹ phải mất một thế hệ để hồi phục khi người mua tìm được nhà cung cấp mới, thị trường toàn cầu chuyển đổi và các quyết định trồng trọt được thay thế.
Báo cáo của Quỹ Tiền tệ quốc tế hồi tháng 4 cho thấy, nền kinh tế Mỹ có thể sụt giảm 0,3 đến 0,6 điểm phần trăm và nền kinh tế Trung Quốc sụt giảm 0,5 đến 1,5 điểm phần trăm nếu hai bên đều tăng mức thuế quan lên 25% đối với tất cả hàng hóa thương mại của hai nước.
Trong khi hầu hết những người tham gia vào ngành công nghiệp nông nghiệp thích thị trường mở và ủng hộ cuộc chơi công bằng, một số nhà sản xuất đồng, nhôm, thiếc và các mặt hàng kim loại khác cho rằng, tác động của các mức thuế quan mới của Mỹ và Trung Quốc đều tác động trực tiếp hoặc gián tiếp tới công việc làm ăn của họ. Bởi lẽ, kim loại màu được sử dụng trong phần lớn các sản phẩm.
Một nhà sản xuất Mỹ cho biết, việc tăng mức thuế quan sẽ làm cho giá cả hàng hóa nhập khẩu của Mỹ tăng lên, còn phần còn lại của thế giới sẽ không phải trả, điều này sẽ gây bất lợi cho Mỹ.