Rối loạn tiêu hóa có thể trở thành bệnh lý khi đã chuyển sang mãn tính, cũng có thể không khi những rối loạn bất thường nhanh chóng kết thúc. Mọi lứa tuổi đều có thể bị rối loạn tiêu hóa và tình trạng rối loạn tiêu hóa ở mỗi một người thường không giống nhau.
Có rất nhiều nguyên nhân gây rối loạn tiêu hóa như: dùng thuốc lâu ngày, chế độ ăn uống thiếu khoa học, hệ tiêu hóa kém (yếu tố gene) hoặc do ăn phải thức ăn nhiễm khuẩn...
Người bị rối loạn tiêu hóa rất dễ được nhận biết với các biểu hiện: ăn không tiêu, đầy hơi, trướng bụng, nôn, buồn nôn, đại tiện lỏng hoặc táo bón, đau bụng âm ỉ hoặc đau từng cơn…
Tuy nhiên, tùy theo từng loại rối loạn mà triệu chứng xuất hiện có sự khác nhau, không nhất thiết đầy đủ các triệu chứng, có khi chỉ có một hoặc hai triệu chứng cũng có thể gọi là rối loạn tiêu hóa.
Nếu người bị rối loạn tiêu hóa không được điều trị hợp lý và kịp thời thì dễ sinh ra biến chứng đi kèm như: sốt cao, đại tiện ra máu… thậm chí nó còn có thể dẫn tới viêm ruột thừa, viêm loét dạ dày, tá tràng lâu ngày sẽ làm người mệt mỏi, gầy yếu, nguy hiểm tới tính mạng.
Để không bị rối loạn tiêu hóa
BS. Vũ Đức Chung (Trưởng khoa Tiêu Hóa, Bệnh viện Quân y 354, Hà Nội) cho biết: Một trong những phương cách phòng chống rối loạn tiêu hóa hữu hiệu và ít tốn kém nhất hiện nay là mọi người nên chủ động trong:
Chế độ dinh dưỡng:
- Nên ăn chín uống sôi, không nên ăn tiết canh, gỏi thịt cá sống các loại, thức ăn quá hạn sử dụng, thức ăn có mùi lạ, lạm dụng hóa chất bảo quản... Đặc biệt, không ăn những đồ ăn có sử dụng hóa chất độc hại và bị cấm sử dụng như hàn the, các hóa chất tạo màu, mùi vị.
- Hạn chế ăn thức ăn chế biến sẵn ngoài đường phố, nhất là những quán vỉa hè, hàng rong khó đảm bảo vệ sinh.
- Nên mua các thực phẩm còn tươi mới, có màu sắc tự nhiên, không nên mua các loại thực phẩm có màu sắc quá khác biệt như rau quá xanh, thịt quá thẫm màu…
- Cần kiểm tra hạn sử dụng, cơ sở sản xuất của sản phẩm, nên mua thực phẩm ở những nơi có uy tín.
- Nên ăn uống điều độ, không nên bỏ bữa rồi sau đó lại ăn nhiều gấp đôi dễ gây rối loạn tiêu hóa và đau dạ dày.
- Ăn nhiều rau xanh, củ quả, hạn chế ăn thịt, không nên sử dụng thuốc kháng sinh, men tiêu hóa lâu ngày.
Chế độ luyện tập:
Nên dành ít nhất 30 phút/ngày để tập thể dục thể thao, phù hợp với từng lứa tuổi. Chỉ tập khi ăn xong 2 tiếng.
Sau khi ăn nên massage bụng khoảng 15 phút để thức ăn dễ tiêu hóa, ngăn ngừa các triệu chứng dẫn tới rối loạn tiêu hóa.
Thuốc:
Trong trường hợp người bệnh bị rối loạn tiêu hóa mãn tính cần đi thăm khám tại bệnh viện, dùng thuốc và men tiêu hóa có sự chỉ định của bác sĩ. Trong trường hợp đặc biệt có thể dùng các loại men tiêu hóa sống như Polysaccharide Matrix.