Bước vào Khoa Kế hoạch hóa gia đình Bệnh viện (BV) Phụ sản Từ Dũ, TP HCM, một phụ nữ có vẻ muốn hỏi gì đó nhưng cứ ngần ngại khi thấy một anh bảo vệ trẻ. Quay qua quay lại, cuối cùng, bà quyết định tiến lại hàng ghế đợi, ngồi xuống cạnh một phụ nữ khác cũng tầm 50 tuổi như mình.
Tiến thoái lưỡng nan
Người kia tận tình chỉ dẫn cho bà các bước làm thủ tục bỏ thai và không quên hỏi thăm: “Chắc người nhà sợ lắm hả?”. Bà bối rối, cười trừ rồi lặng lẽ lui vào khu vực đăng ký. “Tôi đâu ngờ đến tuổi này mà còn “dính”…, 51 tuổi rồi” - bà phân trần với người điều dưỡng. Bà cho biết đã có cháu, vừa ngại người khác dị nghị vừa sợ lớn tuổi rồi, đẻ không nổi mà nuôi cũng không nổi nên đành phải bỏ.
Tư vấn chấm dứt thai kỳ cho một phụ nữ tại Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ. |
Tại các đơn vị sản khoa, số phụ nữ U50, U60 tìm đến vì “vỡ kế hoạch” không hiếm. Hầu hết họ đều rơi vào tình huống phá thai không đành mà để sinh thì sợ nguy cho cả mẹ lẫn con.
Theo BS Dương Phương Mai, Phó Giám đốc Y khoa BV Phụ sản Quốc tế Sài Gòn, thủ thuật phá thai, cũng như mọi loại phẫu thuật khác, luôn có những rủi ro. Với người lớn tuổi, phẫu thuật có thể khó thực hiện hơn do tử cung, cổ tử cung bị teo lại…
Nhiều người lớn tuổi còn đến BV khi thai đã to (trên 12 tuần tuổi) cũng vì tâm lý “không mang bầu được nữa” và nhầm lẫn trễ kinh do mang thai với rối loạn kinh nguyệt tuổi tiền mãn kinh. Thai to đương nhiên thủ thuật phức tạp hơn, nguy cơ cao hơn. Nếu thai còn nhỏ và lựa chọn biện pháp phá thai nội khoa thì người lớn tuổi lại đối mặt với nguy cơ đến từ các căn bệnh mạn tính sẵn có như bệnh lý tim mạch, cao huyết áp, tiểu đường…
Thể chất và tinh thần của những bà bầu U50, U60 cũng khó hồi phục hơn sau thủ thuật. Sự căng thẳng, ngại ngùng, bối rối lẫn buồn bã vì mang bầu rồi sau đó bỏ thai có thể gây cho họ những rối loạn tâm lý kéo dài, có thể cả rối loạn tình dục, ảnh hưởng đến đời sống tình dục tuổi xế chiều vốn rất cần tâm lý thoải mái để “bù đắp” những trục trặc về mặt thể chất.
BS Nguyễn Ngọc Thông, Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản TP HCM, cho biết thai kỳ có thể còn nguy hiểm hơn đối với phụ nữ trung niên nếu họ đã có vết mổ lấy thai cũ, dẫn đến nhau tiền đạo, nhau bám vết mổ… Các biến chứng này rất nguy hiểm cả khi phá thai lẫn lúc sinh nở, cho dù đó là người trẻ chứ đừng nói gì phụ nữ trung niên.
“Còn nếu lựa chọn giữ lại con, họ phải đối mặt với nguy cơ của một bà mẹ lớn tuổi: Con có nguy cơ bị dị tật, mang bệnh lý, chết lưu; mẹ sinh khó, tỉ lệ tai biến sản khoa cho cả mẹ lẫn con cao hơn...” - BS Thông cảnh báo.
BS Mai lưu ý một số tai biến sản khoa vào loại nguy hiểm nhất, như tiền sản giật, có thể rơi vào các bà mẹ tuổi cao. Ở lứa tuổi trên 40, nhiều phụ nữ đã mang sẵn các bệnh lý nội khoa nên dễ dẫn đến các bệnh lý thai kỳ như tiểu đường thai kỳ, cao huyết áp thai kỳ…
Mãn kinh 2 năm mới an toàn
BS Mai nhấn mạnh rằng cách suy nghĩ “già rồi, khó có con” là không đúng. Phụ nữ chỉ thật sự không mang thai được nữa khi mãn kinh - được xác định khi kinh nguyệt đã chấm dứt hoàn toàn 2 năm. “Nhiều người thấy đã 3 tháng, 6 tháng không có kinh, thế là nghĩ “xong rồi”, ai ngờ một vài tháng sau lại xuất hiện. Thực tế, trước khi mãn kinh thật sự, phụ nữ có một giai đoạn khá dài bị rối loạn, khi có khi không. Khả năng có thai lúc ấy tuy rất thấp nhưng không phải là không có. Những trường hợp “vỡ kế hoạch” đã xảy ra ngay trong giai đoạn này” - BS Mai phân tích.
Theo BS Thông, kiểu suy nghĩ “chồng mình già rồi, chắc không có con được đâu” cũng không đúng! Bởi lẽ, người đàn ông luôn còn khả năng làm cha khi họ còn quan hệ tình dục. Có nghĩa là phụ nữ luôn cần đến biện pháp tránh thai khi vẫn còn chuyện chăn gối.
BS Mai cũng khuyến cáo với những phụ nữ luống tuổi, thường họ được tư vấn triệt sản hoặc tránh thai bằng vòng nội tiết, que cấy, vòng tránh thai thông thường… Vòng tránh thai có tác dụng khoảng 8-10 năm, vòng nội tiết khoảng 5 năm, que cấy chừng 3 năm. Quá “đát” mà chưa thay, các dụng cụ này cũng mất luôn tác dụng và có nguy cơ “vỡ kế hoạch”.