Một buổi tối của tháng 11, khác hẳn với những buổi tối trước đây của cư dân tập thể B2 ngõ Văn Chương, phố Khâm Thiên (Hà Nội). Lũ trẻ con háo hức, chờ đợi khi được biết tối nay sẽ có một sân khấu ngay tại khu sân chơi hàng ngày, biểu diễn “một chương trình gì đó gọi là tuồng”. Có lẽ, chúng chưa hiểu được “tuồng” là gì, nhưng việc nhìn thấy những nghệ sĩ mặc đồ và hoá trang thành các nhân vật trông rất “ngầu”, cũng đủ kích thích sự tò mò, trông ngóng. Những người lớn cũng quyết định ăn cơm sớm hơn, rồi mang ghế nhựa ra sân ngồi đợi sẵn.
Rồi giữa khoảng sân không rộng lắm của toà tập thể cũ, trên đầu là nhằng nhịt dây điện, sau lưng là những bức tường loang lổ vài vết nứt, “Sơn hậu- Beyond the mountain” đã diễn ra và đưa khán giả đi từ bất ngờ đến bất ngờ khác. Có người thấy vở diễn quen quen, có người thì hoàn toàn lạ lẫm bởi xưa nay cứ mở tivi thấy diễn tuồng là… tắt. Lần này thì khác. Các nghệ sĩ chuyên nghiệp chỉ đứng cách họ gần chục mét. Không chỉ có diễn xuất đậm chất tuồng mà xen giữa là 2 phần trình diễn hiphop lạ mắt, thú vị trên nền âm thanh nhạc điện tử vừa tạo nên sự kỳ bí, lại mới mẻ, hiện đại. Một bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống, tưởng rằng nhàm chán, xa lạ, khó hiểu, nay lại xuất hiện đầy ấn tượng, lôi cuốn ngay tại sân khu chung cư mà họ sinh sống.
“Sơn hậu- Beyond the mountain” do Nguyễn Quốc Hoàng Anh làm đạo diễn kiêm nhạc sỹ trình diễn nhạc điện tử và Hà Nguyên Long làm đạo diễn nghệ thuật, lấy cảm hứng từ vở tuồng truyền thống cùng tên - “Sơn hậu”, một tác phẩm nói về chuyện phản nghịch, bất trung hay những giá trị tốt đẹp về tinh thần trung quân ái quốc, tình nghĩa con người.
Tham gia đêm diễn đặc biệt này là đoàn diễn viên tuồng kỳ cựu của khu vực miền Bắc gồm nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Ánh Dương, Hồng Khiêm, Đặng Văn Thủy, nghệ sỹ ưu tú, đạo diễn, diễn viên tuồng kỳ cựu Đặng Bá Tài... Đặc biệt là sự xuất hiện của hai vũ công hip hop Nguyễn Trung Hiếu, Đặng Quang Đông.
Vở diễn mất 1 năm nghiên cứu và 6 tháng chuẩn bị, tập luyện. “Dự án này không chỉ được lấy cảm hứng từ vở tuồng cổ cùng tên mà còn có sự tiếp biến câu chuyện mang hơi thở của hiện tại, là điểm kết nối giữa nghệ thuật Tuồng truyền thống và các nghệ sĩ đương đại. Sân chơi khu tập thể trở thành nơi va chạm của không gian và thời gian thực và ảo, những bi kịch quá khứ và tương lai. Qua đó, chúng tôi mong muốn thúc đẩy thấu hiểu, kết nối giữa các thế hệ nhằm mang tới sự thay đổi về cách tiếp nhận những giá trị từ quá khứ cũng như truyền cảm hứng cho những hy vọng phát triển nghệ thuật truyền thống trong tương lai”, đạo diễn Nguyễn Quốc Hoàng Anh chia sẻ về thông điệp của dự án.
Nói về việc diễn tuồng ở sân tập thể khu dân cư, nghệ sỹ ưu tú Đặng Bá Tài (vai Khương Linh Tá trong “Sơn Hậu - Beyond the mountain”) cho biết điều này không hề xa lạ với nghệ thuật tuồng. Bởi vốn từ xưa, các vở tuồng đều diễn ra tại sân đình, bãi đất trống… chứ không có sự sắp đặt, dàn dựng phông, nền trên sân khấu. “Yếu tố không gian và thời gian trong tuồng rất linh động, ở cảnh này, các nhân vật có thể đang bàn mưu trong thành, ở cảnh tiếp theo, các nhân vật có thể đang chạy trốn trong rừng, tất cả chỉ trong cùng một không gian biểu diễn ban đầu”, nghệ sỹ tuồng kỳ cựu nói thêm.
Nhờ tính chất linh động đó của nghệ thuật tuồng, đạo diễn Hoàng Anh đã mạnh dạn đưa vào vở diễn hai nhân vật đến từ tương lai, hai kiếp sau đến từ chiều không gian khác của các nhân vật trong vở diễn (thủ vai bởi hai vũ công hiphop). Chính họ là người mang đến những ngôn ngữ chuyển động mới từ hip hop vào vở diễn và tạo nên sự phấn khích cho khán giả. “Thú thật là trước giờ mở truyền hình mà thấy tuồng là mình lại chuyển kênh, nhưng hôm nay xem vở diễn xong, mình rất bất ngờ vì hoá ra tuồng không “đáng sợ” đến vậy. Sự kết hợp giữa tuồng và hip hop, tưởng không hay mà lại thành hay không tưởng”, khán giả Khánh An, 20 tuổi, chia sẻ tại đêm diễn.
Theo chia sẻ của êkip, trước đây, nhóm đã có dự định mang vở “Sơn hậu” đi biểu diễn tại Pháp, tuy nhiên, do dịch COVID-19 bùng phát, kế hoạch này đã phải tạm dừng. Để không “lãng phí”, mọi người quyết định rút gọn thời gian biểu diễn, chuyển hướng triển khai thành sân khấu tuồng với cộng đồng, để kéo nghệ thuật tuồng đến gần hơn với khán giả. Trong tương lai, khi dịch bệnh được kiểm soát, êkip sẽ tiếp tục mang “Sơn hậu” và tuồng Việt chu du sang Pháp.
Có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn của nghệ thuật truyền thống, vẫn còn không ít người trẻ, nghệ sĩ trẻ tìm về với văn hóa truyền thống dân tộc theo cách của riêng họ. Bằng sự sáng tạo không ngừng nghỉ trong nghệ thuật, các nghệ sỹ của “Sơn Hậu - Beyond the mountain” đã đem đến cho công chúng cái nhìn mới mẻ về tuồng cổ, giúp công chúng trẻ tiếp cận môn nghệ thuật truyền thống một cách dễ dàng hơn.