Eleanor Claphan: Sau tuồng, chèo sẽ là cải lương

Eleanor Claphan: Sau tuồng, chèo sẽ là cải lương
TPO - Có thể diễn xuất xuất thần trích đoạn tuồng, chèo kinh điển và sẽ có một đêm liveshow tuồng, chèo vào tối 22/12 tới, nhưng Eleanor Claphan cho biết cô sẽ phải tiếp tục học nâng cao và trở lại Việt Nam học nghệ thuật cải lương.
Eleanor Claphan: Sau tuồng, chèo sẽ là cải lương ảnh 1
Thị Mầu Cleanor. Ảnh: Cát Duy Cương

Trong đêm diễn tối 22/12 tới, Eleanor sẽ biểu diễn hai trích đoạn  tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Dư Hồng hạ sơn và hai trích đoạn chèo Thị Mầu lên chùaSúy Vân giả dại.

Bên cạnh đó, cô sẽ biểu diễn một số bài dân ca Úc cùng những nhạc cụ truyền thống VN với mục đích giao lưu văn hóa Việt Nam - Australia.

Muốn quảng bá tuồng, chèo Việt Nam ra thế giới

Eleanor nói về đêm diễn sắp tới của mình: “Tôi muốn quảng bá tuồng, chèo, một loại hình nghệ thuật độc đáo của Việt Nam tới khán giả Úc và thế giới. Tôi cũng hy vọng rằng buổi biểu diễn của tôi sẽ góp phần khơi gợi lại niềm đam mê nghệ thuật truyền thống trong giới trẻ Việt Nam”.

Sau buổi ra mắt đầu tiên, Eleanor sẽ trở về Úc. Cô cho biết, cô vẫn muốn nghiên cứu sâu hơn về tuồng, chèo vì trình độ hiện tại của cô mới chỉ hiểu được cái bề ngoài của tuồng, chèo mà thôi.

Và sau khi đã hiểu kỹ về tuồng, chèo, Eleanor sẽ trở lại Việt Nam và vào thành phố Hồ Chí Minh để học về nghệ thuật cải lương. Sau khi học xong cải lương, cô có tham vọng đi khắp thế giới biểu diễn nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Trước mắt, Eleanor muốn kiếm thật nhiều tiền để có thể thực hiện ước mơ: sáng tác vở diễn theo ý tưởng của riêng mình.

Nhân duyên

22 tuổi, cô gái “mắt xanh” Eleanor Claphan “đùng đùng” xách ba lô sang Việt Nam học diễn tuồng, hát chèo. Trò Úc, thày Việt, nhiều lúc tưởng chừng bất lực, vậy mà sau một năm “tầm sư học đạo”, niềm đam mê cháy bỏng nghệ thuật truyền thống của Việt Nam đã giúp Eleanor vượt qua rào cản ngôn ngữ, nhập vai xuât sắc các trích đoạn tuồng, chèo khó nhất.

Eleanor Claphan: Sau tuồng, chèo sẽ là cải lương ảnh 2
Eleanor Claphan đang hoá thân trong Hồ Nguyệt Cô hoá cáo. Ảnh: Cát Duy Cương

Sinh tại Canberra, Australia, năm 1983, Eleanor đã sớm hình thành niềm đam mê nghệ thuật ngay từ nhỏ. Được truyền cảm hứng từ người cha đam mê âm nhạc và mẹ đam mê kịch nghệ, Eleanor đã tự thành lập một nhà hát kịch với những con rối và tổ chức biểu diễn tại các trường học địa phương khi mới 10 tuổi.

Eleanor theo học bằng cử nhân nghệ thuật biểu diễn tại trường Đại học Wollong. Tại đây, cô đã gặp một người đã thay đổi cuộc đời của cô- viện sỹ Nguyễn Đình Thi của Đại học sân khấu và điện ảnh tại Việt Nam. Khi đó ông đang bảo vệ văn bằng tiến sỹ tại đại học Wollongong. Cô đã tình cờ được xem trích đoạn Từ Thức gặp tiên qua băng video của ông Thi khi ông giới thiệu về nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Lần đầu tiên được tiếp xúc với nghệ thuật truyền thống Việt Nam đã khiến cô tò mò.

Sau này, cô lại có may mắn gặp gỡ nghệ sỹ Tạ Duy Bình và được  xem cuốn băng diễn tuồng của anh. Tới lúc này, cô đã thực sự bị mê hoặc bởi nghệ thuật truyền thống của Việt Nam.

Cô còn được nghệ sỹ Bình giới thiệu với nghệ sỹ Đăng Lan, ngôi sao nổi tiếng một thời tại Việt Nam đã sang Úc sinh sống hơn 30 năm và được bà dạy hát những bài hát dân ca Việt Nam tại buổi  hòa nhạc từ thiện Việt- Úc mang tên “Mười một vùng cảm xúc’'.

Sau buổi diễn đó, Eleanor mạnh dạn ngỏ ý muốn sang Việt Nam học nghệ thuật tuồng trước sự ngạc nhiên của nghệ sỹ Tạ Duy Bình. Sau khi biết được ý định nghiêm túc của cô, nghệ sỹ Tạ Duy Bình hứa sẽ giúp đỡ tìm thầy.

Vượt qua rào cản ngôn ngữ

Với lưng vốn 2 tháng học tiếng Việt tại Úc và một chút kiến thức về nghệ thuật truyền thống của Việt Nam, Eleanor đã không quản “thân gái dặm trường” tới Việt Nam để học nghệ thuật tuồng. Để hiểu được “thày”, việc đầu tiên cô phải bắt tay vào không phải là học nghệ thuật, mà là học ... tiếng Việt.

Eleanor Claphan: Sau tuồng, chèo sẽ là cải lương ảnh 3
Eleanor tại buổi họp báo về đêm diễn tối 22/12 của mình. Ảnh: Lan Anh

Cô Mẫn Thị Thu, người dạy Eleanor các trích đoạn tuồng, nhớ lại những buổi đầu học chật vật của hai cô, trò. Có lần để giúp Eleanor hóa thân vào nhân vật, cô đã phải giảng giải và phân tích diễn biến tâm lý và cốt cách của nhân vật, giải thích một thôi một hồi, cuối cùng Eleanor thú nhận: “Em... không hiểu”.

Vậy mà chỉ trong hai tháng vừa học tuồng, vừa học tiếng Việt, Eleanor đã nắm được 4 trích đoạn tuồng kinh điển như Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, Dư Hồng hạ sơn, Ngũ biến, Xuân Đào cắt thịt. Từ ý định học để biết, dần dà Eleanor đã bị hút hồn bởi nghệ thuật này và quyết học đến cùng.

Cho đến giờ, khi nói về cô trò ngoại quốc của mình, cô Thu chỉ có thể nói hai từ: khâm phục. Cô nói: “Đến người Việt học luyến láy, nhấn nhá còn khó, thế mà Eleanor chưa bao giờ nản lòng. Em bảo, càng thấy  khó, càng thích, càng say mê.”

Cô Thanh Tuyết, giáo viên dạy chèo nhận xét, Eleanor rất ham học tiếng Việt, nói đến đâu, thuộc đến đấy. Khi mới tới Việt Nam, Eleanor ăn và học ngay tại nhà cô. Tối đầu tiên cách đây 1 năm, khi  ăn cơm tối xong, cô chào Eleanor một câu tiếng Việt: Chúc ngủ ngon.

Nói xong, cô lên phòng đi ngủ, nhưng thấy Eleanor cứ lên lên, xuống xuống cầu thang với vẻ mặt đầy lo lắng, băn khoăn, rồi mạnh dạn xông vào hỏi cô cái từ cô vừa nói có ý nghĩa gì. Lúc đó, cô Tuyết giải thích câu đó bằng một câu tiếng Anh, tương đương với good night. Thế là Eleanor sướng quá vì không phải là cô giáo trách cứ gì mình và rồi cứ "lảm nhảm" mãi mấy từ đó.

Ngôn ngữ chèo toàn âm Hán nên tương đối khó đối với người phương Tây nói chung và Eleanor nói riêng. Lại thêm, vốn tốt nghiệp opera, nên mới đầu Eleanor hát chèo chẳng khác gì... hát opera. Cô Tuyết đã phải nhắc nhở: “Đừng hát chèo như hát opera thế!”.

Có lần học mệt và khó quá, Eleanor đã nản và chỉ xin cô học âm nhạc thôi, không học từ nữa. Tuy nhiên, với sự an ủi động viên của cô Tuyết, Eleanor đã vượt qua mọi mặc cảm về ngôn ngữ và trong thời gian ngắn đã có thể biểu diễn được ba nhân vật điển hình, đại diện cho ba tính cách trong chèo là: Thị Mầu, Thị Kính và Súy Vân.

Riêng nhân vật Thị Mầu là sở trường của Eleanor. Cô Tuyết khen: “Thị Mầu Eleanor đã đạt được cái gọi là "thục tinh khí thần”".

Đam mê cháy bỏng

Chắc hẳn nhiều người dân khu tập thể sân khấu điện ảnh quen thuộc với hình ảnh ngày ngày có một cô gái người nước ngoài đạp xe lọc cọc tới nhà cô Mẫn Thu học tuồng. Nhà chật, đôi khi, hai cô trò phải lên sân thượng tập diễn.

Với vốn tuồng kha khá, Eleanor trở lại Úc đi làm tại các nhà hàng, khách sạn để kiếm tiền với mục đích sẽ quay lại Việt Nam học tiếp.Trong thời gian này, cô còn tranh thủ đi biểu diễn tuồng tại nhiều nơi trên nước Úc.

Eleanor nói: “Tôi đã biểu diễn một số buổi cho người Úc và cả người Việt. Khán giả rất thích thú. Nhiều người tò mò không biết tôi đang biểu diễn cái gì. Buổi biểu diễn đầu tiên của tôi là cho người Việt ở Úc với trích đoạn Hồ Nguyệt Cô hoá cáo.

Gần như tất cả khán giả đều là người Việt. Nhiều người đến nói với tôi rằng họ chưa bao giờ được trực tiếp xem loại hình nghệ thuật này. Họ cũng rất thích thú khi trao đổi với tôi bằng tiếng Việt. Nhiều người muốn giúp đỡ tôi trở lại Việt Nam học tiếp để có thể quay lại biểu diễn cho họ xem.”

NSUT Hoàng Khiềm, Giám đốc nhà hát Tuồng Trung ương, khi xem Eleanor biểu diễn tại buổi họp báo đã không giấu được sự khâm phục. Ông nói: “Đây là một sự bất ngờ đến kinh ngạc. Tôi đánh giá cao sự thông minh của Eleanor. Cô ấy đã thể hiện được cái thần của nhân vật, đặc biệt, nhân vật Dư Hồng là vai nam rất khó trong nghệ thuật tuồng, không phải diễn viên nam nào cũng  thể hiện được, huống chi Eleanor là con gái. Phải có sự đam mê cộng với năng khiếu nghệ thuật thì mới có thể làm được.”

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".