Khi Trung, Mỹ khoe 'sức mạnh mềm' tại châu Á

Khi Trung, Mỹ khoe 'sức mạnh mềm' tại châu Á
TP - Vừa tái đắc cử, Tổng thống Mỹ Barack Obama lập tức lên đường công du châu Á mà ba điểm dừng chân chính là Thái Lan, Myanmar và Campuchia. Vì sao lại là ba quốc gia này?

> Trung Quốc không còn nhiều 'bài' trên Biển Đông
> Đối phó chủ nghĩa đế quốc 'mềm' của Trung Quốc

Mặc dù khẳng định từ giờ tới năm 2020, 60% hải quân Mỹ sẽ tập trung ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Tổng thống Obama đang nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh kinh tế của chiến lược đặt châu Á làm trọng tâm
Mặc dù khẳng định từ giờ tới năm 2020, 60% hải quân Mỹ sẽ tập trung ở châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Tổng thống Obama đang nhấn mạnh nhiều hơn tới khía cạnh kinh tế của chiến lược đặt châu Á làm trọng tâm.

Nếu xét trên góc độ của sức mạnh mềm, người ta có thể thấy rõ một cuộc đua tranh giữa hai siêu cường tại những quốc gia đã và đang là đối tác hoặc đồng minh quan trọng của Trung Quốc.

Việc cán cân sẽ nghiêng về bên nào còn chờ đánh giá toàn diện sau chuyến công du của ông Obama, nhưng ngay lúc này thì không thể phủ nhận cái gọi là 'sức mạnh ngôi sao' của Tổng thống Mỹ tại những 'sân chơi' này.

Sức mạnh mềm là một thuật ngữ do giáo sư Josheph Nye định nghĩa, đó là khả năng giành được những điều mình muốn thông qua việc thu hút, hấp dẫn để khiến người khác làm theo những gì mình muốn mà không phải ép buộc.

Nhìn vào những gì vừa diễn ra tại các quốc gia Đông Nam Á này, rõ ràng người ta đang thấy một sự thắng thế của sức mạnh mềm Mỹ.

Bangkok và Bắc Kinh vừa qua có những ngày tháng 'mật ngọt' khi quan hệ kinh tế song phương liên tục được củng cố. Tuy vậy, chỉ ngay khi Obama đặt chân tới Thái Lan, tờ The Nation đăng tải thông tin Tổng thống Mỹ đang là nhân vật 'hot' nhất đất nước này, thậm chí còn nổi tiếng hơn cả Thủ tướng nước chủ nhà.

Những hoạt động của Thủ tướng Trung Quốc sắp mãn nhiệm Ôn Gia Bảo tại đây cũng trở nên mờ nhạt so với sức hấp dẫn của vị Tổng thống Mỹ vừa chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng một cách 'nghẹt thở'.

Mỹ đã đề xuất Thái Lan tham gia vào Đối tác xuyên Thái Bình Dương và hồi sinh lại quan hệ đồng minh quân sự, cùng với các hứa hẹn đầy triển vọng về hợp tác kinh tế. Thái Lan có vẻ vui vẻ khi đáp lại bằng cách ủng hộ Mỹ hiện diện tại châu Á. Một số người quan sát cho rằng cách Thái Lan đối đãi Mỹ khiến người ta có cảm giác Bangkok đang thiên vị cho siêu cường bên kia bờ Thái Bình Dương.

Còn tại Myanmar, Obama trở thành một ngôi sao thật sự, theo đúng phong cách 'thần tượng Mỹ" với hàng loạt áo phông in hình của ông bày bán khắp nơi. Obama xuất hiện như thể một 'ngôi sao nhạc rốc' với hình ảnh tràn ngập trên các trang nhất ở sạp báo. Người dân nơi đây không giấu khỏi vẻ háo hức mong chờ ông 'thổi hồn' vào làn gió dân chủ vừa đến với Myanmar.

Động thái tích cực nhất là ngay trước khi Tổng thống Mỹ đến, Tổng thống 'cải cách' Thein Sein đã quyết định thả hơn 400 tù nhân vô điều kiện, trong đó có nhiều tù nhân chính trị như một sự nghênh đón: 'chúng tôi đã sẵn sàng'.

Sự xuất hiện ồn ào tốn giấy mực của một Tổng thống Mỹ trái ngược hẳn so với phong cách âm thầm và lặng lẽ củng cố sức mạnh mềm của Bắc Kinh tại Myanmar nhiều thập kỷ qua. Câu hỏi đặt ra là, sau chuyến đi này, Washington sẽ làm gì để củng cố tầm ảnh hưởng của mình tại một sân chơi bao lâu nay vẫn được cho là độc quyền của Bắc Kinh?

Tuy nhiên, chuyến thăm được cho là trọng yếu nhất và cũng có thể tạo ra nhiều sóng gió nhất lại là ở Phnom Penh, Campuchia nơi ông Obama tham gia vào hội nghị Đông Á và Hội nghị Thượng đỉnh thường niên ASEAN. Và tại đây, phép thử đối với Tổng thống Mỹ là các tranh cãi về biển đảo chồng chéo tại biển Đông cũng như biển Hoa Đông...

Một thực tế là tranh cãi biển đảo tại châu Á hiện nay phần nhiều đều liên quan tới Trung Quốc. Và với chiến lược đặt châu Á làm trọng tâm của chính quyền Obama, Bắc Kinh vẫn coi đây là một dạng thức để Washington kiềm chế Trung Quốc.

Vấn đề là, ông Obama phải thuyết phục phía Trung Quốc rằng ông không có ý định làm khó cho Bắc Kinh và càng không muốn đẩy quan hệ Mỹ - Trung vào thế tiến thoái lưỡng nan bằng cách tuyên bố đứng bất kỳ phe nào trong các tranh chấp hiện nay.

Thay vào đó, ông sẽ phải 'hợp thức hóa' sức mạnh 'cứng' của Mỹ khi dùng 'sức mạnh mềm' mở đường cho sự hiện diện của 60% lực lượng Hải quân Mỹ từ giờ cho tới năm 2020 tại Thái Bình Dương.

Để xoa dịu các lo ngại của Bắc Kinh, lần này, Tổng thống Obama 'làm mờ' yếu tố quân sự trong sự chuyển hướng của Washington. Thay vào đó, ông làm nổi bật khía cạnh kinh tế của chiến lược 'hướng Á', mô tả chuyến công du châu Á lần này là nỗ lực để tìm cách tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân Mỹ thông qua xuất khẩu nhiều hơn tới 'khu vực phát triển năng động và nhanh nhất trên thế giới'.

Washington đang tìm cách 'tái cân bằng nền kinh tế toàn cầu để người Mỹ xuất khẩu nhiều hơn, châu Á nhập khẩu nhiều hơn, và chúng ta tránh được các cuộc khủng hoảng tài chính và xây dựng nên các tầng lớp trung lưu" - Ngoai trưởng Hillary Clinton giải thích, và cho biết mục tiêu 5 năm tới, Mỹ phải tăng xuất khẩu lên gấp ba lần.

Theo đó, ông Obama đề xuất các đối tác và đồng minh trong khu vực tham gia vào Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) nhằm xây dựng nên một nhóm tự do tương mại châu Á - Thái Bình Dương mà trong đó Trung Quốc không được gọi tên.

Quả thực, các đồng minh của Mỹ và các quốc gia nhỏ khác trong khu vực sẽ cảm thấy 'nhẹ nhõm' hơn với ý tưởng này vì họ sẽ không bị đẩy vào tình thế 'tiến thoái lưỡng nan' khi lựa chọn: Mỹ hay Trung Quốc.

Tất nhiên, Trung Quốc cũng nói rằng họ hiểu rõ chiến thuật này. Trên tờ Nhân dân Nhật Báo, Bắc Kinh nói thẳng ra rằng một số người coi việc Tổng thống Obama tới Myanmar là 'ván bài cuối' của Washington nhằm kiềm chế Trung Quốc.

Bài xã luận này cũng không úp mở khi 'cảnh báo' Mỹ rằng: "Trung Quốc đã không muốn lợi dụng các mâu thuẫn giữa Mỹ và các quốc gia khác và khu vực khác. Vậy nên đổi lại, Mỹ cũng đừng cố sử dụng ảnh hưởng của mình để chia rẽ châu Á. Mỹ không nên buộc các quốc gia châu Á phải lựa chọn giữa Trung Quốc và Mỹ".

Trong lý giải của mình, Giáo sư David Steinberg của Mỹ phân tích: "Đây [châu Á] là khu vực của sức mạnh mềm Trung Quốc từ rất lâu và điều này sẽ không thay đổi. Những thiểu số người Hoa ở Đông Nam Á đóng vai trò không nhỏ trong các nền kinh tế của các quốc gia này, và điều này cũng sẽ không thay đổi. Do đó, nếu bạn nghĩ rằng phải thay đổi những người đó theo quỹ đạo của Mỹ sẽ là một sai lầm".

Và trong cuộc chơi tại châu Á, Bắc Kinh 'khuyên' Tổng thống Mỹ nên theo đuổi mối quan hệ 'đôi bên cùng có lợi' với Trung Quốc vì họ cho rằng lâu nay, trở ngại lớn nhất giữa hai nước là thiếu sự tin tưởng về mặt chiến thuật. Do đó, với Bắc Kinh, chuyến đi của Obama nên giảm bớt sự nghi hoặc và xây dựng thêm niềm tin và họ gọi đó là 'sức mạnh thông minh'.

Theo Lê Thu
Vietnamnet/dantri.com.vn

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
Người Việt có đúng là hời hợt và thiếu thói quen đọc sách?
TPO - Nhiều chuyên gia đồng tính với ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) khi cho rằng người Việt Nam thông minh nhưng thường bỏ phí khả năng do tính hời hợt và thiếu thói quen đọc sách. Một số chuyên gia nhận định việc đọc sách của người Việt hiện nay rất đáng báo động. Có thể nói đến nay Việt Nam chưa thể coi là văn hóa đọc.