Khi trâu làm trò

Những “nghệ sĩ” đặc biệt trên sân khấu xiếc Ảnh: Lê Kim
Những “nghệ sĩ” đặc biệt trên sân khấu xiếc Ảnh: Lê Kim
TP - Đến Rạp xiếc Trung ương sẽ thấy trâu nhảy chân sáo, vừa đi vừa quỳ, đi qua cầu nhỏ, đi vắt chéo chân kiểu trình diễn thời trang, hoặc vừa đánh trống vừa lắc lư đầu rất “phởn”…

Những “nghệ sĩ” đặc biệt

Sân khấu sáng đèn. Con Quyết và con Chí bước ra, theo sau nghệ sĩ Ðức Tài và Tuấn Ðại, cùng đi một vòng sân khấu. Rồi hai con tiến đến cái bục, đặt 2 chân trước lên, đứng bằng 2 chân sau. Lúc này, con Thành xuất hiện, vừa đi vừa quỳ từ trong cánh gà ra sân khấu, cho đến cái bục thì dừng lại, kết hợp với 2 bạn diễn, có màn chào khán giả vô cùng ấn tượng.

Sau đó, chúng tiếp tục làm “nóng” sân khấu trong tiếng reo hò của khán giả nhí, bằng các trò chạy chân sáo, đi bằng 2 chân sau trong khi 2 chân trước bám lên bục, đi “catwalk” vắt chéo chân như người mẫu, vừa đứng 2 chân sau vừa đá 2 chân trước theo nhịp, nối đuôi đi qua bậc thang và qua cầu, kéo cày theo hình số 8, có đoạn còn đứng đối đầu nhau tạo ra một trụ đỡ để nghệ sĩ Ðức Tài đứng lên biểu diễn…

Gần 10 phút biểu diễn trên sân khấu, các “diễn viên” đặc biệt Quyết, Chí, Thành đã khiến khán giả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Theo anh Nguyễn Ðức Tài, một trong hai người đang phụ trách tiết mục xiếc trâu tại Liên đoàn Xiếc Việt Nam, thì khoảng những năm 1985, Liên đoàn cũng từng có tiết mục xiếc trâu. Tuy nhiên, chỉ diễn được 1-2 tháng thì tiết mục bị hỏng. Ðến năm 2018, khi Liên đoàn có lộ trình chuyển dần xiếc thú từ thú hoang dã sang thú nuôi, anh Tài đã mạnh dạn đề xuất xiếc trâu và được lãnh đạo hưởng ứng. Sau 2 năm luyện tập, tiết mục xiếc trâu bắt đầu được công diễn 1 năm nay và dần trở thành “món ăn” gây thích thú bởi vừa quen vừa lạ với khán giả thủ đô.

Là một nghệ sĩ xiếc với 13 năm gắn bó với những tiết mục leo cột, đánh vòng, đu dây… nay quyết định gắn bó với xiếc thú, anh Tài chia sẻ:“Gia đình tôi làm nông nên ngay từ nhỏ, tôi đã gần gũi với con trâu, cũng hiểu đặc tính của nó nhiều phần. Ở Liên đoàn đã xây dựng thành công xiếc chó, xiếc mèo, xiếc lợn… nên tôi tin con trâu cũng sẽ làm được”.

Theo anh Tài, trâu được chọn biểu diễn xiếc phải là trâu đực vì nó khỏe và thời gian diễn được lâu hơn trâu cái. Những con trâu này được tuyển chọn rất kỹ càng từ cách chọn vóc dáng, lông, xoáy, mắt… “Cũng phải mất cả ngày để săm soi, ngắm nghía từng cái sừng, sờ lông, vắt đuôi, nắn chân… để chọn được con ưng ý”.

Ðể chọn được trâu, anh tìm về các trang trại ở Bắc Giang, lựa chọn giữa gần 1.000 con trâu để tuyển được 3 “diễn viên” đặc biệt này. Màn tuyển chọn cũng vô cùng gay cấn và gắt gao. Anh Tài bảo, nếu con trâu có cái sừng choãi quá thì sức khỏe tốt, nhưng lại dễ bị gãy sừng. Nếu sừng úp quá thì cũng không chọn vì dễ bị vướng mắc đồ vật xung quanh. Sừng ép về phía cổ quá thì trâu thường yếu và nhát. Nhưng con nào sừng bị đẩy xa phần cổ nhiều thì lại rất hung hăng. Con trâu có 2 vệt lông màu trắng ở dưới cổ thì độ thông minh thường cao hơn. Con nào ức càng to, càng nở thì sức khỏe càng tốt. Nếu phần mông bành ra chứng tỏ chân sau con trâu rất khỏe. Ngoài ra, phải chọn con có bụng thon để trâu nhanh nhẹn, hoạt bát. Bên cạnh đó, còn phải quan sát 5 xoáy của con trâu ở 2 bả vai trước, 2 bên mông chân sau và 1 xoáy trên đỉnh đầu. Nếu xoáy tròn, đều, cân đối thì con trâu mới đẹp về dáng vóc… 3 con trâu được anh Tài lựa chọn có tuổi đời từ 3-6 tuổi, đây là độ tuổi trâu bắt đầu vào giai đoạn hình thành tính cách, cá tính.

3 năm luyện tập cho 10 phút tỏa sáng

Ngay từ khi mới về, con Quyết đã tỏ rõ vị trí thủ lĩnh. Anh Tài thích thú cho biết, nếu như ở ngoài tự nhiên, con đầu đàn thường hung hăng, thích đánh nhau thì ở đây, con đầu đàn lại rất điềm tĩnh, nhưng vẫn uy nghiêm, cả đàn nghe theo răm rắp. Với vóc dáng to khỏe, cặp sừng vững chãi, Quyết thường dẫn đầu đoàn khi ra sân khấu và thường làm gương trong các tiết mục. Nhưng mỗi lần có bài tập mới, nó lại tỏ ra cẩn trọng, thăm dò từng hành động.

Con Thành út ít trong nhóm, nhắng nhít, nhanh nhảu đoảng và ham ăn. Vì bản tính “trẻ con” nên nó cũng là đứa hay “phá bài” nhất, đang tập mà hứng lên lại chạy nhảy tùy hứng, bị mắng cũng nhơn nhơn như chả có chuyện gì. Con Chí thì hơi “ba phải”, không dè dặt cũng không nhiệt tình quá. Tuy nhiên, nó lại là đứa bướng nhất nhóm, nếu đã không thích thì nhất quyết không làm. “Nhiều người sẽ nghĩ con nào chả giống con nào, nhưng thật sự mỗi con có một tính cách riêng mà phải gần gũi và quan sát mới nhận thấy. Ví dụ, khi dắt cả 3 con vào phòng kín hạn chế ánh sáng, con Thành hớn hở chạy vào không chút lo lắng. Con Chí đi đủng đỉnh, còn con Quyết nhất định chỉ bước từng bước, vừa đi vừa quan sát”, anh Tài cho biết.

Cũng từ đó, anh và bạn diễn luôn chọn động tác phù hợp với bản tính từng con. Các màn vừa đi vừa quỳ hay bước thong thả lên cầu thang sẽ phù hợp với con Quyết. Ðiệu nhảy chân sao tung tăng như trẻ lên 2 trên sân khấu thì đích thị chỉ có con Thành phù hợp nhất. Những bài tập được thiết kế một cách gần gũi và mô phỏng theo hướng sản xuất nông nghiệp. Ví dụ tiết mục trâu đi cày hình số 8 mô phỏng lễ tịch điền, trâu đi quỳ mô phỏng cảnh gieo trồng, trâu đi trên ruộng bậc thang…

Ðể có các tiết mục đó, là sự nỗ lực vô cùng lớn của người và thú. “Ðặc tính của con trâu vốn to nặng nên không bao giờ chịu đi qua những cây cầu nhỏ, nhưng ở đây, Quyết- Chí- Thành vẫn vui vẻ bước lên bậc thang, đi qua cầu, và xuống bậc thang uyển chuyển. Ðể luyện tập màn này, chúng tôi mất nửa năm trời. Rồi trâu vốn quen đứng trên 4 chân, nay bắt nó đi bằng 2 chân cũng là một thách thức lớn. Hay bản tính của con trâu bao đời này là chỉ kéo cày theo đường thẳng, có rẽ thì cũng chỉ rẽ trái, rẽ phải được xem là chiều nghịch. Vì thế để tập cho trâu kéo cày theo hình số 8, đi vòng tròn, rẽ trái rẽ phải nhanh nhẹn, thuần thục... cũng mất rất nhiều thời gian.

Người ta hay bảo “đàn gảy tai trâu” để chỉ khả năng tập trung ghi nhớ âm thanh kém, nên các mệnh lệnh của anh Tài, anh Ðại đưa ra hầu như đều rất ngắn gọn như “Ðứng”, “Quỳ”, “Ði quỳ”,“Bước”… Nghe thì đơn giản nhưng để trâu hiểu và phân biệt được các mệnh lệnh lại phải đi kèm với hành động. Cứ thế tập đi tập lại mấy tháng trời. Thậm chí, để có được màn đứng trên đầu 2 con trâu đứng đối mặt vào nhau, nghệ sĩ Ðức Tài đã bị ngã không biết bao lần. Bởi, bản năng của trâu hễ cứ đối đầu là sẽ húc nhau.

Ở đây, 3 “nghệ sĩ” có khẩu phần đặc biệt, rất “con nhà giàu”: mỗi ngày sẽ được ăn 2 cây mía, 3 bắp ngô, 2 cân khoai lang, nửa cân cà rốt. Sáng 8h dậy, được tắm rửa, vệ sinh, ăn sáng với cỏ tươi. Sau đó là tập luyện, và lại ăn. Tóm lại, ở đây, không lo bị đói, chỉ lo bị… béo, ì.

 Ðể có một tiết mục xiếc thú, chúng tôi phải quên đi mình là người điều khiển con thú, và phải luôn coi chúng là bạn diễn, thậm chí yêu thương như người thân” - nghệ sĩ xiếc Nguyễn Ðức Tài chia sẻ.

"Xu thế bây giờ người ta hạn chế nuôi thú hoang dã để biểu diễn nên Ban giám đốc Liên đoàn Xiếc đã có định hướng cụ thể đưa các con vật nuôi vào thay thế các tiết mục xiếc thú hoang dã trước đây. Hiện nay, bên cạnh xiếc trâu, chúng tôi đã có các tiết mục xiếc lạc đà, xiếc dê, sắp tới sẽ xây dựng xiếc ngỗng", NSND Tống Toàn Thắng, Phó giám đốc chia sẻ thêm.

Khi trâu làm trò ảnh 1 Photo: ..
Gắn bó với “bố Tài”, “bố Ðại” mấy năm trời nên 3 nghệ sĩ nhí to con cũng nảy sinh tình cảm. Mỗi lần nhìn thấy “bố”, con Thành sẽ chạy ngay đến, lấy sừng cọ cọ vào người. Con Chí dùng lưỡi liếm từ chân đến mặt. Còn con Quyết thì chậm rãi tiến đến, đứng yên chờ được vuốt má, xoa đầu… 
MỚI - NÓNG