Khi trái bóng trở thành 'nợ xấu'

Khi trái bóng trở thành 'nợ xấu'
Ngày mai 6-10, liên đoàn Bóng đá Việt Nam và VPF sẽ tổ chức họp tổng kết mùa giải 2012, và người ta tự hỏi tại hội nghị này những người điều hành nền bóng đá Việt Nam sẽ nói gì khi nguy cơ bóng đá Việt trở về con số 0 tròn trĩnh, ngay ở mùa giải chuyên nghiệp chính thức đầu tiên rõ hơn bao giờ hết.

Khi trái bóng trở thành 'nợ xấu'

> Dễ như... 'làm quan bóng đá'
> Nhạt như….VPF

Ngày mai 6-10, liên đoàn Bóng đá Việt Nam và VPF sẽ tổ chức họp tổng kết mùa giải 2012, và người ta tự hỏi tại hội nghị này những người điều hành nền bóng đá Việt Nam sẽ nói gì khi nguy cơ bóng đá Việt trở về con số 0 tròn trĩnh, ngay ở mùa giải chuyên nghiệp chính thức đầu tiên rõ hơn bao giờ hết.

Bầu Kiên và ông Lê Hùng Dũng (bên phải), những người đã từng được coi là giúp bóng đá Việt lên đỉnh cao. Giờ thì... Ảnh: Quang Minh
Bầu Kiên và ông Lê Hùng Dũng (bên phải), những người đã từng được coi là giúp bóng đá Việt lên đỉnh cao. Giờ thì... Ảnh: Quang Minh.

Sau 11 năm thử nghiệm, đầu mùa giải năm 2012 VFF tuyên bố hào hứng rằng, đây sẽ là mùa giải chuyên nghiệp chính thức đầu tiên của bóng đá Việt.

Và như một sự hứng khởi thái quá, thậm chí người ta còn thấy cả chuyện tranh nhau quyền điều hành giải đấu với sự ra đời của VPF. Hồi đầu mùa bóng, V-League vẫn còn là mảnh đất màu mỡ với sự tham dự của hàng loạt các ngân hàng, thậm chí chẳng hiểu dựa vào đâu mà người ta cũng có thể định giá bản quyền truyền hình của giải đấu này lên đến 50 tỉ đồng.

Nhưng, cùng với sự kiện bầu Kiên và hàng loạt các vị trí chủ chốt ở nhiều ngân hàng bị khởi tố, những mảng tối về dòng tiền ở các ngân hàng lộ dần ra, và một cuộc tháo chạy của những nhà hảo tâm mang tên ngân hàng trước đây đã diễn với bóng đá Việt Nam.

Eximbank đã từng được coi là đơn vị đưa bóng đá Việt lên hàng đỉnh cao, trừ đi các khoản “chi phí khác” như đã từng được thừa nhận, con số 90 tỉ đồng cho ba mùa bóng từ 2011 – 2013 đã biến V-League thành giải đấu thu hút tài trợ đỉnh cao nhất từ trước tới nay, gấp đôi số tiền mà Petro Vietnam đã tài trợ trước đó.

Nhắc đến việc Eximbank tài trợ V-League, người ta không thể quên sự hiện diện của ông Lê Hùng Dũng, chủ tịch hội đồng quản trị của ngân hàng này, và ông cũng là phó chủ tịch phụ trách tài chính và vận động tài trợ của VFF.

Giờ thì VFF chính thức xác nhận đang phải giao cho ông tổng thư ký đi tìm nhà tài trợ mới, khi Eximbank thối lui ở mùa giải cuối cùng 2013.

VFF mất trắng 30 tỉ đồng nhưng quan trọng hơn, người ta e ngại rằng sau khi tận dụng mối quan hệ thân thiết để tìm tài trợ với giá ngất ngưởng, lờ đi các đối tác trước đó, công ty nào sẽ chấp nhận chi số tiền lớn để VFF tổ chức giải.

Sau Eximbank, Navibank Sài Gòn cũng đã xác nhận họ không muốn chơi bóng đá nữa, nếu không chuyển giao được thì giải thể luôn. Nhắc đến Navibank Sài Gòn, tất nhiên người ta cũng không quên sự hiện diện của ông Lê Hùng Dũng.

Chính ông đã công khai việc mình “mai mối” để bóng đá Sài Gòn có thêm một đội bóng khi giúp Navibank Sài Gòn mua nguyên đội bóng Quân khu 4 với giá hàng chục tỉ đồng.

Giờ thì tiền mua đội bóng không thể thu hồi được, tiền đã chi cho các bản hợp đồng, nuôi đội bóng lên đến hàng trăm tỉ đồng cũng xem ra khó mà hoàn vốn, đội bóng trở thành “nợ xấu”, nhất là khi chuyện được lãnh đạo TP.HCM giao đất cho Navibank như một sự “trả lễ” cho việc nuôi đội bóng cũng đang gặp trục trặc.

Bầu Hiển sau khi hay tin bộ Văn hoá – thể thao và du lịch lập đoàn thanh tra về chuyện tài chính của công ty của ông ở hai đội bóng SHB Đà Nẵng và Hà Nội T&T, đã gần như ngay lập tức tuyên bố thoái vốn hoàn toàn khỏi bóng đá.

Đây có thể là bước đi chiến lược để tránh thanh tra rắc rối nhưng cũng có thể, là bước rút lui có lý do mà bầu Hiển đang chờ bấy lâu.

Tương tự như bầu Hiển, ngân hàng Bắc Á đã nhanh chóng bàn tới việc thôi tài trợ khi nhận được thông tin Huy Hoàng “say rượu” gây tai nạn giao thông. Nhiều cầu thủ xứ Nghệ bàng hoàng bởi họ nghĩ, đây chỉ là cái cớ bởi trước đó chính bà Thái Hương khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Nghệ An, đã nói rất nhiều về chuyện gắn kết dài lâu với đội bóng này kia mà.

Không tuyên bố nghỉ chơi bóng đá nhưng, Kiên Long Bank Kiên Giang, đang khiến các cầu thủ lao đao lo lắng, khi nợ tiền lương cầu thủ, nợ luôn tiền thưởng, điều cầu thủ nhận được chỉ là những lời hẹn vu vơ.

Và cho đến thời điểm này VFF cũng chưa biết được hai đội bóng Hà Nội, một chơi ở V-League và một chơi ở hạng nhất của bầu Kiên, có tiếp tục tồn tại hay không khi trên màu áo của hai đội bóng này chính là ngân hàng ACB, trong khi suốt thời gian qua phía ACB đang cố gắng chứng minh rằng mình chẳng liên quan gì đến bầu Kiên.

Sau một thời gian sân bóng được coi như nơi mà tiền nuôi đội bóng như một thứ trang sức của các ông bầu, doanh nghiệp; giờ bóng đá Việt đang đứng trước thời điểm phải trả giá.

Ngân hàng, hai từ giờ bỗng là nỗi ám ảnh. Vì đâu? Vì ai?

Theo Tất Đạt
Sài Gòn tiếp thị

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG