Trải nghiệm đặc biệt
Trong chương trình nghệ thuật tại lễ khai mạc Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vừa được tổ chức tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, Nghệ An), chàng trai người Nigeria Cee Jay nổi bật với nước da ngăm đen cùng bộ vest lịch thiệp. Những ca từ “Ai ơi cà xứ Nghệ, càng mặn lại càng giòn, nước chè xanh xứ Nghệ, càng chát lại càng ngon”… được Cee Jay cất lên liên tục nhận được những tràng vỗ tay từ khán giả. Phía dưới sân khấu, mọi người cũng ngân nga theo những giai điệu ngọt ngào ấy.
“Khi được mời biểu diễn tại Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tôi rất bất ngờ nhưng cũng cực kỳ thích thú. Nói về dân ca ví, giặm gần như tôi không biết gì. Tại chương trình, tôi cùng hai ca sĩ Việt Nam là Phương Thanh và Lê Thanh Phong thể hiện ca khúc “Ai vô xứ Nghệ”. Đây là một bài hát với sắc thái hoàn toàn mới so với những bài hát tiếng Việt tôi đã từng hát, với những nốt luyến láy rất phức tạp, trong khi tôi chưa từng học hát bao giờ”, Cee Jay chia sẻ.
Công việc chính của Cee Jay là giáo viên tiếng Anh và Youtuber. Năm 2012, trường đại học mà anh theo học liên kết với một trường đại học ở Hà Nội. Anh đã có dịp tới Việt Nam với tư cách là du học sinh. Lần đầu tiên đến Việt Nam, mọi thứ với Cee Jay đều quá lạ lẫm, đặc biệt là về ngôn ngữ và ẩm thực. Thời điểm ấy, anh chỉ nghĩ cố học cho xong rồi về nước. Nhưng tình yêu với một cô gái Việt Nam đã khiến anh quyết định ở lại, lập gia đình và gắn bó lâu dài.
“Tuy là lần đầu tiên đến với Nghệ An nhưng tôi cực kỳ ấn tượng. Người dân ở đây rất dễ mến, dễ thương, dễ gần và luôn sẵn sàng hỗ trợ khi họ có thể. Nói về cơ duyên đến với Festival dân ca ví, giặm, tôi còn nhớ năm 2019, tôi có trình diễn một bài hát ở Nhà hát lớn Hà Nội về Bác Hồ. Ê-kíp chương trình có lẽ ấn tượng về cách làm việc chuyên nghiệp, sự hiểu biết về phong tục tập quán Việt Nam, tình yêu tôi dành cho đất nước hình chữ S này nên họ đã mời tôi tham dự chương trình lần này”, Cee Jay tâm sự.
Ca sĩ Kyo York thể hiện liên khúc “Giận thì giận mà thương thì thương” - “Giận mà thương” |
Những năm gần đây, ngoài dạy tiếng Anh cho trẻ em, Cee Jay trở thành một cái tên đình đám trong giới Youtuber. Với khả năng nói tiếng Việt thành thạo, Cee Jay liên tục cho ra các video chia sẻ về những trải nghiệm văn hóa, ẩm thực, khám phá cuộc sống ở Việt Nam. Bên cạnh đó người xem khá thích thú khi anh cover những bài hát tiếng Việt. Tuy vậy, biểu diễn tại một chương trình nghệ thuật mang đậm chất dân ca ví, giặm, với Cee Jay là một trải nghiệm hoàn toàn mới lạ. Suốt gần một tháng, ban ngày Cee Jay tập ở nhà hát, tối về nhà cũng liên tục lẩm nhẩm từng ca từ, giai điệu.
“Tôi không phải là ca sĩ chuyên nghiệp, cũng chưa bao giờ học hát hay tập hát. Việc hát cùng 2 ca sĩ rất đỉnh khiến tôi cảm thấy khá áp lực. Lời bài hát đã vô cùng khó rồi, giọng hát cũng không theo cách hát thông thường. Cái khó nhất có lẽ là giai điệu đặc biệt của thể loại nhạc này. Tuy nhiên, tôi rất vinh dự khi có rất nhiều người giỏi và giàu kinh nghiệm dẫn dắt tôi suốt quá trình tập luyện. Được hát tại Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh đã giúp tôi có thêm một trải nghiệm vô cùng đặc biệt”, Youtuber Cee Jay nói.
Thêm yêu âm nhạc Việt
Khác với Cee Jay, cái tên Kyo York đã không còn xa lạ với khán giả Việt. Tại Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, Kyo York đã thể hiện liên khúc “Giận mà thương”- “Giận thì giận mà thương thì thương”. Những giai điệu mang đậm âm hưởng dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh như “Em cứ nhủ rằng anh không thương, anh đo lường thì rất cặn kẽ…”, “Anh xa em nghe câu dân ca, giận mà thương sao mà da diết thế. Ơi câu ca nặng tình nặng nghĩa, có lúc nào em đợi anh không…”, được chàng ca sỹ người Mỹ thể hiện khá tròn trịa.
Đây là lần đầu tiên, Cee Jay hát dòng nhạc dân ca ví, giặm |
Kyo York cho biết, anh từng vài lần đến Nghệ An để tham gia các sự kiện văn hóa cũng như các chương trình tình nguyện, thiện nguyện. Và dù đã từng hát dân ca Quan họ Bắc Ninh, dân ca Nam bộ nhưng đây là lần đầu tiên anh thử sức với dân ca ví, giặm. “Tôi không nhớ rõ cụ thể mình đã từng đến Nghệ An bao nhiêu lần nhưng tôi khá quen thuộc với mảnh đất này. Con người Nghệ An luôn đầy nghị lực và sự đoàn kết vượt khó. Vì vậy, khi được đạo diễn Trường Bắc ở Nhà hát ca múa nhạc Việt Nam mời tham gia chương trình Festival dân ca ví, giặm, tôi đã hào hứng nhận lời”, Kyo York chia sẻ.
Khi được cho phép tự chọn một bài hát có chất dân ca ví, giặm, Kyo York đã nghĩ ngay đến bài “Giận mà thương”. “Trong một lần đến Nghệ An, tôi đã nghe một số người dân địa phương hát bài này và dạy tôi hát vài câu. Sau đó, ca sĩ Huyền Trang - người được chọn song ca cùng tôi đề xuất thêm bài “Giận thì giận mà thương thì thương” để hát liên khúc. Lúc chọn bài thì rất háo hức, nhưng đến khi bước vào tập luyện, tôi đã gặp không ít khó khăn về cách luyến láy của hai bài hát này. Tôi phải tự tập trong thời gian khá lâu, cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của ca sĩ Huyền Trang mới có thể hát được cả hai bài”, Kyo York chia sẻ.
“Hồi mới sang Việt Nam, tôi rất thích bài “Về đâu mái tóc người thương” và tưởng đó là bài khó hát nhất ở Việt Nam cho đến khi vào studio, đọc lời bài và nghe bản demo “Ai vô xứ Nghệ”. Câu hỏi đầu tiên tôi bật ra là: “Tại sao rõ là dấu sắc mà ca sĩ lại hát thành dấu nặng vậy?”, khiến cả ê-kíp cười, giải thích rằng đó là cách nói của người miền Trung, đặc biệt là người Nghệ An”. Cee Jay bộc bạch
Kyo York từng học ở Đại học Marymount Manhattan, tốt nghiệp và làm việc tại Công ty Apple tại thành phố New York. Cuối năm 2007, trong chuyến đào tạo kỹ năng giao tiếp trên tàu biển dành cho những sinh viên cuối khóa, Kyo đã đến Việt Nam. Hai năm sau, Kyo York trở lại Việt Nam trong một dự án dạy tiếng Anh tình nguyện tại tỉnh Hậu Giang. Trong thời gian làm việc, chàng trai người Mỹ thích thú với văn hóa cũng như con người Việt Nam. Sau khi chương trình kết thúc, anh chọn ở lại TPHCM để sinh sống.
Quá trình tìm hiểu văn hóa, con người và tiếng Việt, Kyo York quyết định trở thành ca sĩ chuyên nghiệp. Ngoài ca hát, anh còn viết lời tiếng Anh cho các ca khúc Việt Nam, góp phần đưa âm nhạc Việt Nam đến gần hơn với thế giới. Kyo York tâm sự: “Việt Nam là một đất nước có nhiều thể loại âm nhạc theo từng vùng miền. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một trong những thể loại âm nhạc thú vị để hát giao duyên, đã được UNESCO công nhận là một di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại. Được thể hiện các ca khúc dân ca ví, giặm, bản thân tôi cảm thấy rất tự hào, nó giúp tôi thêm yêu âm nhạc Việt”.