Khi ôsin lộ nguyên hình là những tên trộm cắp, thậm chí sát hại gia chủ để cướp tài sản, hay bắt cóc trẻ em... thì gia chủ không kịp trở tay.
Ôsin Huỳnh Ngọc Duyên bị Công an quận Gò Vấp, TP HCM bắt giữ mới đây khi cuỗm đi lượng lớn tài sản của gia đình chủ tiệm vàng Nghĩa Tín. |
Bẫy của những ôsin
Cả gia đình vừa tỉnh dậy sau giấc ngủ trưa bất thường, ông Nguyễn Trọng Nghĩa (tạm trú phường 14, quận Gò Vấp, là chủ tiệm vàng Nghĩa Tín) tá hỏa khi thấy ngăn tủ đựng vàng mở toang.
Kiểm tra nhanh tài sản trong gia đình, ông Nghĩa phát hiện 50 cây vàng 9999 cùng 35 triệu đồng tiền mặt không cánh mà bay, bà giúp việc cũng đột ngột biến mất, nên ông vội trình báo công an địa phương. Ngay sau đó, cơ quan công an vào cuộc và nhận định hẳn sự ra đi đột ngột của bà giúp việc có liên quan đến việc mất số tài sản trên.
Theo lời ông Nghĩa thì ngày 17-4 vừa qua, vợ ông thuê bà Tiêu Kim Duyên (47 tuổi) - người thường xuyên gặp ở chợ, về giúp việc nhà. Bà Duyên tỏ ra nhanh nhẹn và siêng năng khiến vợ chồng ông Nghĩa chẳng chút nghi ngờ.
Như thường lệ, 12h ngày 23-4, vợ chồng ông đóng cửa tiệm vàng vào trong nhà ăn cơm. Sau đó cả gia đình lăn ra ngủ đến tận 16h chiều. Khi thức dậy chuẩn bị mở cửa tiệm để buôn bán, đi ngang qua phòng đựng tiền vàng, ông Nghĩa sửng sốt khi thấy một trong các ngăn tủ đang trong tình trạng mở, lượng lớn tài sản như nói trên đã biến mất cùng bà giúp việc. Vụ trộm tài sản trên nhanh chóng được chuyển cho cơ quan CSĐT Công an quận Gò Vấp thụ lý theo thẩm quyền.
Theo thông tin ban đầu, bà Duyên tên thật là Huỳnh Ngọc Duyên, hộ khẩu thường trú tại phường 7, quận Phú Nhuận. Tuy nhiên, bà Duyên đã không còn cư trú ở địa chỉ này từ nhiều năm trước.
Quyết liệt truy lùng mới đây, các trinh sát hình sự Công an quận Gò Vấp phát hiện, bắt giữ nữ tặc ôsin này đang hú hí cùng tình nhân trong một khách sạn ở phường Tân Thuận, quận 7.
Bước đầu Duyên khai nhận, tài sản trộm được, Duyên mua chiếc xe máy Yamaha cho người tình rồi sau đó cùng người đàn ông này đi du lịch ở nhiều tỉnh, thành. Bắt giữ ôsin Huỳnh Ngọc Duyên, cơ quan điều tra thu giữ 15 lắc đeo tay, 12 sợi dây chuyền, 1 kiềng cổ, 9 nhẫn vàng.
Chuyện tương tự xảy ra tại nhà chị Nguyễn Thị Huyền Châu ở thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi mà kẻ dàn dựng không ai khác chính là ả ôsin.
Theo thông tin điều tra của cơ quan Công an, được chị Châu nhận vào làm người giúp việc trong nhà, Phạm Thị Ngân (32 tuổi, ngụ huyện Madrắc, tỉnh Đắk Lắk) tỏ ra là người được việc nên gia đình tin tưởng.
Một hôm lợi dụng gia đình đi vắng, Ngân vào phòng ngủ chị Châu lấy 1 chiếc lắc, 1 sợi dây chuyền, 5 chiếc nhẫn, 2 đôi bông tai và gần 700 ngàn đồng giấu vào nơi “bí hiểm” trong người.
Để che giấu hành vi phạm tội, Ngân dùng kéo cắt áo thun tự bịt mặt, trói tay rồi kêu la cướp. Nhưng trò gian manh của ả ôsin tham lam đã bị các cán bộ Công an dày dạn kinh nghiệm lật tẩy. Chị Châu rất mừng khi nhận lại đầy đủ tài sản, nhưng điều quan trọng hơn là chị đã có một bài học thấm thía việc cả tin khi sử dụng người giúp việc.
Hay như vụ việc khác xảy ra tại nhà chị Nguyễn Thị Thanh Hà ở phường 11, quận 3, TP.HCM. Sau khi giao nhà cho Nguyễn Thị Kim Anh trông coi hai ngày, chị Hà về phát hiện mất số nữ trang trị giá trên 30 triệu đồng.
Mặc dù chị Hà đã động viên năn nỉ nhưng Anh vẫn khăng khăng không lấy số tài sản trên. Khi Công an vào cuộc thị Anh mới cúi đầu khai nhận hành vi tham lam của mình.
Đến những trường hợp ôsin manh động, táo bạo
Theo các cán bộ Công an các vụ trộm, vụ cướp do các ôsin gây ra cũng không khó trong quá trình điều tra. Bởi lẽ nếu ôsin gây án rồi bỏ trốn thì đồng nghĩa với việc Công an dễ dàng xác định kẻ nghi vấn để truy lùng; còn nếu trường hợp ôsin vẫn ở lại hiện trường, giả vờ không hề hay biết gì hay tạo dựng màn kịch thì tâm lý của tội phạm không chuyên nghiệp sẽ làm cho chúng tự lộ diện ra ánh sáng.
Hẳn nhiều người còn nhớ vụ “cướp” xảy ra tại gia đình bà Huỳnh Thị Ánh Mai ở phường 11, quận 6. Nghe tiếng la cướp, mọi người chạy đến thấy cô gái giúp việc Dương Thị Tuyết (ngụ tỉnh Đồng Tháp) bị trói chân tay ở cầu thang. Tuyết khai bị hai tên cướp khống chế, trói lại rồi lục soát lấy đi tài sản. Gia đình khai bị mất 3.300USD và một số nữ trang trị giá khoảng 10 triệu đồng.
Qua xem xét hiện trường và xác minh, trinh sát khẳng định Tuyết đã dựng hiện trường giả để chiếm đoạt tài sản. Sau 4 tiếng đồng hồ đấu tranh, trinh sát đã buộc Tuyết khai ra sự thật. Trước đó 3 ngày, trong lúc dọn dẹp, Tuyết thấy chùm chìa khóa của con gái chị Mai nên lấy mở tủ quần áo, thấy nhiều tiền đô và nữ trang nên nảy lòng tham.
Tuyết điện về Đồng Tháp bảo em gái lên và bàn kế hoạch hành động. Tuyết giấu em gái trong phòng ngủ của mình. Chiều, cả gia đình đi vắng, chị em Tuyết lấy tài sản rồi trói và nhét hờ găng tay vào miệng Tuyết để dàn dựng vở kịch.
Sau khi cô em đi khoảng một tiếng đồng hồ, Tuyết kêu la cướp. Sau khi thu giữ 1.200USD Tuyết giấu dưới nệm, ngay trong đêm, trinh sát đã về Đồng Tháp bắt em gái Tuyết, thu được 600USD, hơn 13 triệu đồng và một số nữ trang khác.
Không chỉ là những vụ trộm, dàn cảnh cướp giật để chiếm đoạt tài sản, ôsin còn gây ra những vụ án kinh hoàng làm khiếp đảm gia chủ. Mà có nhiều gia đình sau khi xảy ra vụ việc thì cũng thổ lộ rằng, chắc từ đây trở về sau không dám thuê ôsin giúp việc nhà nữa.
Tất nhiên không phải đa số các ôsin đều gây ra những vụ án tày trời mà một số khác vẫn là người giúp việc nghiêm túc, thật thà. Thế nhưng những vụ án đã xảy ra đã mang lại cho nhiều người những bài học quý báu trong việc tuyển chọn, xác định lý lịch người giúp việc trước khi nhận họ vào làm việc.
Cách đây không bao lâu, khi nhận được tin vụ án nghiêm trọng xảy ra tại nhà chị Đoàn Thị Nghĩa ở Bình Trị Đông, quận Bình Tân, lực lượng Công an đang bao vây căn nhà trên, trong khi có 1 nữ quái nguy hiểm đang cố thủ trên lầu cầm dao đòi tự sát.
Sau một hồi kêu gọi không kết quả, lực lượng Công an xông lên thì ả bất ngờ cắt dao vào tay mình máu chảy đầm đìa. Trong tích tắc, các chiến sĩ Công an đã bắt giữ đưa kẻ gian cùng mình đi cấp cứu, đó là Bạch Thị Thu Vân - người giúp việc cho gia đình chị Nghĩa.
Chị Nghĩa kinh hãi kể lại, sáng sớm, một cô gái đến nhà mẹ chồng là bà Diệp Thị Hoa tự xưng tên là Thạch Thị Thu Vân, xin phụ giúp việc nhà theo lời đăng trên báo.
Sau khi hỏi qua loa vài câu, mẹ chị cho người đưa cô gái xuống nhận việc chăm sóc em bé và phụ giúp việc nhà cho chị Nghĩa với mức lương 400 nghìn đồng/tháng.
Ăn trưa xong, chị Nghĩa ôm con ngủ. Bỗng nghe người bị đè nặng, chị choàng tỉnh thấy thị Vân đang ngồi trên người, một tay đè cổ, một tay đưa dao lên đe dọa buộc đưa tiền vàng, nếu không sẽ giết đứa bé. Vừa nói, ả nhét khăn vào miệng chị Nghĩa.
Hai bên giằng co con dao gây thương tích cho chị Nghĩa. Chị Nghĩa đưa tay có lắc vàng cho ả lột nhưng ả kéo chị Nghĩa vào buồng tắm. Lợi dụng sơ hở, chị Nghĩa chạy ra ngoài kêu cứu. Bà con chung quanh đã kịp thời khóa cổng nhốt thị Vân trong nhà.
Khi lực lượng Công an đến thị Vân đã lên lầu, dùng dao tự cắt mạch máu để tự sát, nhưng các trinh sát Công an đã kịp thời ra tay. Điều đáng nói là khi Công an hỏi về nhân thân lai lịch thị Vân thì gia đình chị Nghĩa không biết bởi mới nhận cô ta làm việc được… 4 tiếng đồng hồ.
Mất tài sản rồi có thể làm ra được nhưng mất con thì có lẽ không còn nỗi đau nào hơn, đặc biệt khi kẻ gây án là “nội gián”, tức ôsin trong nhà. Đó là trường hợp gia đình chị Nguyễn Thị Thanh T. ở quận 10 bị ả giúp việc bắt cóc đứa con trai 6 tháng tuổi.
Chị T. kể với các anh Công an trong nước mắt, một chiều đi chợ, chị thấy một cô gái lang thang khóc lóc, cô cho biết đang bán phở bị đuổi việc. Đang cần người trông coi con và thương tình cô gái, chị T. đưa cô về.
Cô gái tỏ ra là người lễ phép, chăm làm đã tạo cho chị T. yên tâm công việc. Nhưng rồi buổi chiều khi đi chợ về không thấy cô gái và đứa con đâu chị hốt hoảng tìm kiếm vẫn không thấy nên đến Công an trình báo.
Cũng may là trong vòng 24 tiếng đồng hồ sau, các chiến sĩ Công an quận 10 đã truy ra tung tích cô gái tại quận 9 khi thị đang gạ bán đứa trẻ. Nhận lại con, chị T. không cầm được nước mắt.
Khi Công an hỏi về cô gái, chị T. chỉ biết cô nói tên là Nguyễn Thị Thúy, còn không rõ lai lịch cô ta ở đâu. Mất cảnh giác, thương người, nhẹ dạ, chị T. suýt mất đứa con trai duy nhất của mình.
Qua tìm hiểu của chúng tôi thì các gia đình tuyển người giúp việc bằng nhiều cách, như qua trung tâm giới thiệu việc làm, do người quen giới thiệu hoặc tự tìm. Nhưng dù bằng cách nào thì việc xem xét tư cách đạo đức của họ cũng cần phải được kiểm chứng cẩn thận.
Ngoài những kẻ có âm mưu đội lốt ôsin chờ thời cơ hoạt động phạm tội, đôi khi lòng tham của họ được nảy sinh từ những sơ hở trong việc bảo quản tài sản của các gia chủ.
Để ngăn ngừa những hậu quả đáng tiếc do người giúp việc gây ra có cách nào hơn là tìm hiểu kỹ về nhân thân lai lịch của họ, chấp hành nghiêm việc đăng ký tạm trú cho người giúp việc tại chính quyền địa phương.
Điều quan trọng là gia chủ phải có cách quản lý, giám sát, kịp thời phát hiện những biểu hiện nghi vấn để phòng ngừa những bất trắc xảy ra đối với những ôsin làm việc ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Theo CSTC