Ngay tại khu vực cổng tam quan trên đường dẫn vào khu du lịch, di tích lịch sử Tràng An, Ninh Bình, nơi diễn ra giải đấu lần thứ 58 hồi tháng 3/2017, ban tổ chức đã đón nhận những ý kiến đóng góp đầu tiên của giới chạy bộ phong trào cho công tác tổ chức. Những đóng góp của Cao Ngọc Hà, chân chạy được xem là một trong những huyền thoại của giới chạy bộ phong trào Việt Nam, của Kiên running, người đàn ông tứ tuần sau đó lập kỷ lục chạy xuyên Việt trong 26 ngày, của các admin hội LDR, Chạy vì mình, của “bách khoa toàn thư về chạy bộ” Bruce Vũ - nhà khoa học NASA gốc Việt... trên mạng xã hội đã gợi mở rất nhiều điều.
Đến tháng 10, khi Việt dã toàn quốc và marathon lần thứ 59-2018 xác định được địa điểm tổ chức tại thành phố Buôn Ma Thuột, ban tổ chức bắt tay nghiên cứu hướng tổ chức mới. Cũng phải nói thêm là việc tổ chức giải đấu chỉ là một trong nhiều hoạt động xã hội sau mặt báo của nhiều thành viên chủ chốt ban tổ chức, nên thời gian vật chất dành cho công tác tổ chức giải thực sự không có nhiều. Bên cạnh đó kinh nghiệm tổ chức một giải đấu thực sự cho phong trào rất ít ỏi. Những câu hỏi được liên tiếp đặt ra khi bàn về kế hoạch giải sắp tới: Tổ chức giải cho dân phong trào khác gì với cho dân chuyên nghiệp? Tại sao lại thu phí, thu phí thì ai đến chạy, năm ngoái còn tặng thưởng cơ mà? Các giải phong trào khác tổ chức thế nào?...
Đến lúc này, “kho tàng tri thức” từ cộng đồng đã phát huy tác dụng rất lớn. Những cuộc trò chuyện với Tùng Phạm, nhà tổ chức Long Biên Marathon, với Phạm Duy Cường, nhân vật đắt “sô” trên truyền hình trong năm 2017 và đang được cộng đồng chạy bộ bình chọn “runner of the year” vì những đóng góp tích cực cho cộng đồng, với Minh Nguyễn, nhóm SRC hay những câu hỏi “cắc cớ mà thú vị” của Lam Pham, Nguyễn Kiên Quốc đến từ LDR và nhiều cuộc trao đổi khác giúp ban tổ chức đi đến nhiều quyết định quan trọng.
Từ chuyện không có giải thưởng cho hệ marathon phong trào, không có chỗ cho runner gửi đồ trước khi vào giải, nay giải có hẳn 6 bộ giải thưởng theo nhóm tuổi, đưa vào sử dụng cổng đăng ký online, sử dụng chip điện tử để xác định thành tích, cung cấp cho runner những hỗ trợ cần thiết trên đường chạy, kéo dài thời gian thi đấu... Đến ngày mở cổng đăng ký chính thức, rất nhiều hội, CLB chạy bộ đã cập nhật thông tin, kêu gọi thành viên tổ chức thành nhóm, thành đội tham dự giải. Những vận động viên đến từ Đắk Lắk cũng nhanh chóng cung cấp thông tin về các loại phương tiện di chuyển đến và đi từ Buôn Ma Thuột, những khách sạn đẹp, giá mềm, gần địa điểm thi đấu, các quán ăn ngon, giàu dinh dưỡng cho dân chạy đến với cộng đồng.
Có thể nói, cộng đồng runner Việt Nam đang góp phần “kéo” một sân chơi có bề dày truyền thống đến gần hơn với phong trào. Và ngày hội chạy trên đất Tây Nguyên đang chờ đón những bước chân phong trào từ mọi miền đất nước.
Việt dã toàn quốc và marathon giải báo Tiền Phong lần thứ 59-2018 được tổ chức ngày 25/3 tại thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk. VĐV phong trào có thể đăng ký tham dự trên trang web đăng ký chính thức của giải: https://123go.vn/tien-phong-marathon-2018