Khi nhà mạng chỉ chạy theo lợi nhuận

Các nhà mạng bán sim khuyến mãi với giá rẻ, không cần khai báo bất chấp rủi ro, thiệt hại cho khách hàng. Ảnh: HT
Các nhà mạng bán sim khuyến mãi với giá rẻ, không cần khai báo bất chấp rủi ro, thiệt hại cho khách hàng. Ảnh: HT
TP - Để tăng doanh số bán hàng và lợi nhuận, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ điện thoại di động (ĐTDĐ) không ngừng tung ra các chương trình khuyến mãi, phớt lờ các quy định của nhà nước về quản lý thuê bao di động trả trước, gây phiền hà, thiệt hại cho chính khách hàng.

> TPHCM: Thuê bao trả trước phải khai thông tin chính xác

Các nhà mạng bán sim khuyến mãi với giá rẻ, không cần khai báo bất chấp rủi ro, thiệt hại cho khách hàng. Ảnh: HT
Các nhà mạng bán sim khuyến mãi với giá rẻ, không cần khai báo bất chấp rủi ro, thiệt hại cho khách hàng. Ảnh: HT.
 

Lừa đảo quấy rối, đe dọa

Anh Toàn (ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) nhận được tin nhắn hiển thị số tổng đài 18001090 với nội dung “Mobifone xin thông báo! bạn vừa nhận được 200.000 khuyến mãi vào tài khoản trả trước, để kích hoạt tài khoản khuyến mãi soạn tin 52 gửi 674 2”. Anh Toàn làm theo nhưng không thấy tiền khuyến mãi đâu, chỉ thấy máy hồi báo anh vừa… bình chọn cho một thí sinh đang tham gia cuộc thi sắc đẹp.

Nhiều khách hàng của Vinaphone, MobiFone cho biết, mới đây nhận được tin nhắn từ số 18001090 với nội dung: “Chúc mừng quý khách đã trúng thưởng một xe SH trị giá 125 triệu đồng. Quý khách liên hệ tổng đài số 0466813503 để làm thủ tục nhận giải”.

Theo đại diện bộ phận chăm sóc khách hàng của Vinaphone, các tin nhắn trên là trò lừa trúng thưởng rởm, giả mạo. Để thực hiện tin nhắn này, kẻ xấu dùng phần mềm số giả, nhắn tin từ nước ngoài đến thuê bao di động trong nước nên khách hàng cần đề cao cảnh giác.

Một chuyên gia về an ninh mạng cho biết, các tin nhắn giả mạo còn có thể được gửi từ các phần mềm trên Internet, có khả năng thay thế Calling ID (số điện thoại của người gửi) bằng dòng chữ hay số điện thoại bất kì giống như hiện tượng FakeSMS đã từng xảy ra vào giữa năm 2010.

Riêng trường hợp mạo danh số tổng đài MobiFone và Vinaphone để lừa khách hàng nhắn tin bình chọn cho các thí sinh tham gia một cuộc thi sắc đẹp, vừa qua, chủ nhân đầu số 6742 là Công ty Phát triển kinh doanh và truyền thông Việt (Vipcom) đã có văn bản thông báo không chủ động cũng như hậu thuẫn cho việc phát tán tin nhắn lừa đảo tới khách hàng.

Tuy nhiên, đại diện MobiFone và Vinaphone thừa nhận dù đã ngừng kết nối và khóa khai báo đầu số 6742 để khách hàng không vô tình bị trừ cước khi gửi tin nhắn theo hướng dẫn lừa đảo nhưng hiện tượng spam tin nhắn lừa đảo khuyến mại (xuất hiện dưới nhiều đầu số gửi quốc tế như 0046730199100 hoặc 46730199100...) dẫn dụ khách hàng gửi về 6742 vẫn còn, gây bức xúc cho một số khách hàng.

Chị Hoa (quận Tân Phú, TPHCM) cho biết, gần đây liên tục nhận được tin nhắn quấy rối từ số thuê bao 016690xxxxx sau 12 giờ đêm. Ban đầu là những nội dung bỡn cợt. Do chị không trả lời nên kẻ quấy rối tức tối chửi bới, hăm dọa với lời lẽ thô tục.

Còn chị Linh (quận Gò Vấp, TPHCM) thì nhận được rất nhiều tin nhắn gợi tình trong thời gian dài từ hai thuê bao di động (sim khuyến mãi) khiến chồng chị nghi ngờ. Chị Linh ấm ức: “Tôi đã nhờ nhà mạng truy tìm, cắt thuê bao kẻ quấy rối nhưng nhân viên tổng đài cho biết phải có bằng chứng bị quấy rối trong 3 ngày thì phía nhà mạng mới… nhắn tin cảnh báo tới thuê bao quấy rối” - Chị Hoa nói.

Theo bộ phận chăm sóc khách hàng của Vinaphone và MobiFone, các khách hàng bị quấy rối phải cung cấp chứng cứ bị quấy rối. Trên cơ sở xem xét chứng cứ, đơn vị cung cấp dịch vụ sẽ nhắn tin cảnh báo đến số điện thoại vi phạm. Nếu tái phạm, hình thức xử phạt nặng nhất là cắt thuê bao (ngưng cung cấp dịch vụ).

Theo một số chuyên gia, biện pháp này chưa đảm bảo được quyền lợi chính đáng của các khách hàng bởi kẻ xấu có thể mua và sử dụng cùng lúc nhiều sim khuyến mãi mà không cần phải khai báo thông tin cá nhân.

Không thể “vô can”

Mới đây, làm việc với UBND TPHCM, ông Bùi Việt Dương, Trưởng phòng Bưu chính Viễn thông - Sở Thông tin Truyền thông (TT&TT) TPHCM cho biết, trên cả nước có 7 mạng di động đang hoạt động. Trong đó, thuê bao di động trả trước (DĐTT) chiếm tới 90% tổng số thuê bao.

Riêng tại địa bàn TPHCM, lượng thuê bao điện thoại di động (ĐTDĐ) ước đạt 16,785 triệu thuê bao, chiếm hơn 13,7% tổng số thuê bao di động cả nước. Thuê bao DĐTT đạt trên 15 triệu thuê bao. Doanh nghiệp thông tin di động (TTDĐ) đã ký hợp đồng ủy quyền thực hiện quy trình đăng ký thuê bao cho 10.786 điểm.

Đáng lưu ý, các DN cung cấp dịch vụ chưa thực hiện đầy đủ, nghiêm túc trách nhiệm trong quản lý, kiểm tra và xử lý thông tin thuê bao DĐTT. Nhiều nhà mạng vẫn chạy theo việc phát triển khách hàng, doanh thu, lợi nhuận... bằng cách áp dụng các chương trình khuyến mãi, kích hoạt trước SIM chưa đăng ký, duy trì hoạt động SIM đa năng, không thực hiện ngưng cung cấp dịch vụ với các thuê bao không đăng ký thông tin, hoặc đăng ký không đầy đủ, không chính xác,... dẫn đến hệ quả là cơ sở dữ liệu thông tin các thuê bao DĐTT có độ chính xác không cao, gây khó khăn trong công tác quản lý và xử lý vi phạm.

Cơ quan chức năng khó có thể ngăn chặn, phòng ngừa các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm tin nhắn mà khách hàng không mong muốn, với đủ các thể loại và tính chất như: khuyến mãi, lừa đảo, kích động, tống tiền, khủng bố... là thực trạng do thiếu thông tin hoặc thông tin thuê bao không chính xác.

Vừa qua, TPHCM đã tiến hành xử lý vi phạm đối với Trung tâm Thông tin di động Khu vực II (MobiFone), Chi nhánh Tổng công ty viễn thông Quân đội do không báo cáo về số liệu thuê bao đăng ký sử dụng trên 3 SIM tại địa bàn.

Mới đây, Sở TT&TT đã kiểm tra, yêu cầu các DN ngừng ký kết thỏa thuận ủy quyền đối với 17 chủ điểm giao dịch vi phạm do không lưu giữ bản khai thông tin thuê bao DĐTT, bán SIM đã kích hoạt sẵn, sử dụng chứng minh nhân dân của người khác để đăng ký thông tin…

Việc quản lý thông tin thuê bao DĐTT không hiệu quả, ảnh hưởng đến người sử dụng dịch vụ, như nạn ăn cắp, đầu cơ số đẹp, tranh chấp các số thuê bao DĐTT, với mức giá chuộc lại, mua bán lên tới hàng trăm triệu đồng. Khách hàng bức xúc hoặc thậm chí mất tiền, tài sản... do các hành vi lừa đảo, quảng cáo sử dụng thuê bao trả trước có thông tin không chính xác.

Theo Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà, sắp tới các nhà mạng ở TPHCM phải thực hiện việc phát triển thuê bao DĐTT theo quy trình quản lý thông tin thuê bao trả sau. Mặc dù tốc độ phát triển khách hàng chậm nhưng sẽ tốt hơn trong việc quản lý và đảm bảo an toàn thông tin.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
Tạo động lực, cảm hứng để thanh niên Huế khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo
TPO - Ngày hội “Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số” cấp Trung ương năm 2024 diễn ra tại Huế là dịp để những người trẻ có chung niềm đam mê khởi nghiệp tiếp cận, gặp gỡ với các doanh nhân khởi nghiệp tiêu biểu; qua đó, tạo cảm hứng, kết nối, huy động mọi nguồn lực thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cho giới trẻ địa phương.