Sỹ Mạnh, trở thành ngôi sao của làng bóng đá Việt Nam nhờ công nghệ lăngxê của... showbiz. Sỹ Mạnh là tay chơi, điều này không phải bàn bởi bằng chứng rành rành là Mạnh đã từng bị công an TP.HCM bắt vì tham gia “bay, lắc” và bị đội kỷ luật. Nhưng cái giỏi của Mạnh là biết quan hệ rất tốt với một số người ở giới truyền thông, thậm chí Mạnh còn sẵn lòng kết nghĩa huynh đệ sau những chầu nhậu hoành tráng.
Đứng sau lưng Mạnh là “cò” nổi tiếng nhất Việt Nam, ông Tiến Đại với hai lần làm giám đốc điều hành của hai đội bóng chịu chi. Thế là từ một cầu thủ chẳng ai biết đến, Mạnh bỗng thành ngôi sao bởi những bài viết khen lấy được dù chưa thể hiện gì nhiều. Mạnh được gọi vào đội tuyển, trở thành tuyển thủ quốc gia dưới thời ông Calisto nhưng chỉ toàn lên dự bị rồi về, thậm chí ngay cả khi các tiền đạo chấn thương Mạnh cũng chẳng được vào sân. Đến giờ nhiều người vẫn thắc mắc vì sao Mạnh được lên đội tuyển?
Nhưng lên tuyển để làm gì thì không phải bàn nhiều, từ Thanh Hoá về Ninh Bình, dưới tay của “cò” Đại, hết bầu Trường đến bầu Thuỵ phải móc hầu bao để trả tiền lót tay khi muốn giữ Sỹ Mạnh dù đóng góp của Mạnh cho đội bóng rất nhạt. Một vòng từ Ninh Bình vào Quảng Nam về Sài Gòn, số tiền chuyển nhượng mà Sỹ Mạnh ký tên lên đến gần 20 tỉ đồng. Tất nhiên, trong đó phần mà “cò” Đại nhận cũng chẳng ít.
Nhưng, tưởng thế là khôn nào ngờ là dại. Ông bầu mới của đội Sài Gòn Xuân Thành ngoài chuyện đổi tên đội bóng thành Sài Gòn FC, ông cũng quyết định nói thẳng, Mạnh không nằm trong kế hoạch sử dụng của đội bóng. Hãy đi tìm cho mình đội bóng mới. Mạnh về Thanh Hoá với người đã từng “hiểu” mình là huấn luyện viên Triệu Quang Hà, cùng mơ ước được đá ở đội bóng vừa tầm cho chắc.
Tất nhiên, không khó để Triệu Quang Hà gật đầu đồng ý tiếp nhận bởi Mạnh vốn “biết chơi” kia mà. Nhưng hiềm nỗi, ở thời buổi khó khăn, lãnh đạo đội Thanh Hoá chỉ đồng ý ký hợp đồng với Mạnh và chi cho anh khoản lót tay vừa phải, nếu như Mạnh trả lại cho Sài Gòn FC 2,5 tỉ đồng đã trót nhận trước đây để giải phóng một năm hợp đồng còn lại.
Tiền lót tay trước đây đã “mẻ” hết, giờ Sỹ Mạnh loay hoay chưa biết phải làm sao bởi nếu không đủ tiền, Mạnh sẽ trở thành tuyển thủ đầu tiên thất nghiệp. Giống như Sỹ Mạnh, trung vệ Khương Quốc Tuấn hết hạn hợp đồng ở Đồng Tâm Long An, bỏ đội rớt hạng, Tuấn về với Ninh Bình để đầu quân với hy vọng được đàn anh Văn Sỹ đang là huấn luyện viên nâng đỡ. Ai cũng nói Tuấn quá khôn. Nhưng Tuấn không biết rằng anh được Gạch đón về bởi ở thời điểm đó họ quá cần người, chứ không phải trình độ anh cao như lời khen tặng, lại kèm theo bầu Trường thắt chặt ngân sách. Ăn ở, tập luyện chán chê cuối cùng Tuấn nhận được câu trả lời: “Em xem còn đội nào phù hợp hơn thì đi nhé”. Chả còn biết đi đâu, Tuấn tính đường giải nghệ ở độ tuổi 27 vì thất nghiệp.
Cùng tâm trạng với Sỹ Mạnh, Quốc Tuấn, trung vệ Như Thành cũng đang phập phồng lo âu. Giỏi quan hệ như Mạnh, có trình cao hơn Tuấn, Như Thành tính đường về đội Hà Nội bởi như anh đã từng nói: “Người ta đang cần “chất” Hà Nội mà Thành lớn lên từ lò Thể Công, không Hà Nội thì là gì”. Nhưng Thành quên rằng anh còn có cả tai tiếng thì hơn hẳn cả hai cầu thủ trên, đến thời điểm này ông Nguyễn Thành Vinh vẫn chưa dám ký hợp đồng với Như Thành vì lo sợ, những tháng ngày trôi qua và Như Thành không đủ sức chơi bóng đá đỉnh cao suốt một mùa giải dài. Nhưng, nỗi lo còn lớn hơn đó là ở đội bóng của ông Vinh đã có quá nhiều ngôi sao như Công Vinh, Thành Lương, rồi Timothy, mỗi người một “phé” nay thêm Như Thành nữa thì...
Chỉ được tung ra sân 13 phút ở giải đấu giao hữu nhưng Thành mừng vô cùng bởi, giờ mà không được tạo cơ hội là đồng nghĩa với chuyện, Như Thành sẽ chính thức “chết trẻ” vì thất nghiệp. Có vẻ như môi trường chuyển nhượng bóng đá đang bắt đầu được điều chỉnh cho đúng hơn bởi áp lực thực tế. Cứ nhìn vào hàng loạt cầu thủ Việt và những ngôi sao ngoại như Endene, thủ môn Santos đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp, dù mới ở mùa bóng trước họ còn nhận được đề nghị lót tay trên 3 tỉ đồng/mùa bóng, lương trên 50 triệu đồng thì rõ.
Theo Sài Gòn Tiếp Thị