​Giải cứu nông sản đến bao giờ?

Khi nào nông dân hết tự bơi?

Liên kết sản xuất theo chuỗi được kỳ vọng giúp nông dân có đầu ra ổn định. Ảnh: Bình Phương.
Liên kết sản xuất theo chuỗi được kỳ vọng giúp nông dân có đầu ra ổn định. Ảnh: Bình Phương.
TP - Trước tình trạng nhiều nơi phải “giải cứu” nông sản, trao đổi với Tiền Phong, ông Lương Quốc Đoàn, Phó Chủ tịch T.Ư Hội Nông dân Việt Nam cho rằng: phải liên kết sản xuất theo chuỗi, gắn kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ giữa nông dân, HTX, doanh nghiệp.

Cần ra bản tin thị trường nông sản

Theo ông Đoàn cần phải thấy rõ là nông dân đang rất thiếu thông tin và định hướng về thị trường.

Thực tế, các hộ nông dân phải giải cứu vừa qua cũng vì lợi ích trước mắt, thiếu sự liên kết. Khi thấy bán được, họ lại tiếp tục trồng. Chẳng hạn củ cải ở Mê Linh (Hà Nội), các vụ trước đã có lãi, sau đó cứ thế tiếp tục trồng, không có thông tin thị trường và cuối cùng lại không bán được.

“Nông dân đã thiếu thông tin, tuy nhiên, nếu có thì không phải nông dân nào cũng định hướng được thị trường. Cũng không tài nào để định hướng cho từng hộ được, nên phải liên kết với nhau. Do vậy, tổ chức hội, Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương phải tăng cường khâu này”, ông Đoàn nói.

Lãnh đạo T.Ư Hội Nông dân cho biết, tới đây, Hội sẽ sử dụng thông tin thị trường từ Bộ Công Thương để ra các bản tin thị trường nông sản, đăng trên cổng thông tin điện tử của Hội để nhiều người nắm được.

“Sau đó, chúng tôi sẽ phối hợp với các đơn vị để có được những nhận định. Tuy nhiên, việc nhận định cũng không thể chi tiết đến từng khu vực nhỏ lẻ, mà cho từng vùng sản xuất lớn. Hội sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, định hướng cho nông dân, và đây là nhiệm vụ trọng tâm với từng cấp hội trong thời gian tới”, ông Đoàn nói.

Liên kết, tổ chức lại sản xuất

Theo ông Đoàn, nông dân Việt Nam sản xuất theo từng hộ cá thể rất tốt, nhưng tính liên kết lại kém và đây cũng là khâu yếu. Chúng ta rất khó trong việc kết nối giữa doanh nghiệp với từng hộ cá thể.

Do vậy, T.Ư Hội đã xây dựng đề án để sắp xếp các hộ cùng sản xuất một mặt hàng thành các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Theo đó, các hộ nuôi lợn có thể vào cùng một tổ hội, tương tự là các hộ nuôi cá, trồng xoài, bưởi... Trong hơn một năm qua, Hội đã thí điểm 300 tổ hội. Đây là nền tảng, bước tập dượt đầu tiên để tiến tới thành lập những tổ hợp tác, HTX.

Ông Đoàn cho biết, Hội đang điều chỉnh đề án hoạt động của Quỹ Hỗ trợ nông dân. Trước đây, chỉ cho vay khoảng 50 triệu đồng/hộ, nhưng nay, yêu cầu phải sản xuất phải liên kết theo nhóm, và số tiền cho vay sẽ tăng lên 100 triệu đồng/hộ.

Theo ông Đoàn, trong nhiệm kỳ mới sắp tới, một trong những nhiệm vụ của Hội là giúp nông dân tổ chức lại sản xuất, trên nền tảng tổ hợp tác, HTX, nâng cao thu nhập và giúp hạn chế những cuộc “giải cứu”. Dẫu vậy, trước thực trạng hiện nay, sau “giải cứu” củ cải, xu hào, mía... thì tình trạng tương tự có thể xảy ra với loại nông sản khác.

Lãnh đạo T. Ư Hội Nông dân Việt Nam cũng cho biết, tới đây, sẽ định hình lại việc phổ biến các mô hình. “Trước đây, cứ mô hình tốt là triển khai đồng loạt và đó cũng là một trong những nguyên nhân phải giải cứu. Bây giờ, phải định hình lại, mô hình nào phù hợp với khu vực nào, và có cảnh báo với nông dân về mức độ ra sao. Chẳng hạn nông dân trồng bưởi, thấy có lãi, bà con chỗ không thuận lợi cũng trồng, hay tương tự là thanh long... cũng cần cảnh báo”, ông Đoàn nói.

Theo Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, tổ chức sản xuất là khâu quyết định, với hai đối tượng quan trọng: Doanh nghiệp là người có tổ chức quản trị, có trình độ tiếp cận khoa học kỹ thuật, tổ chức thị trường, chế biến, liên kết chuỗi.

Tuy nhiên, yếu tố quan trọng chính là nông dân. “Không thể để 8,6 triệu nông dân tự bơi khi hội nhập. Mỗi người một mẹt sản phẩm thì làm sao hội nhập thành công được? Chúng ta phải tổ chức lại dưới dạng HTX kiểu mới, thay đổi hẳn bản chất, chứ không phải là kiểu HTX ngày xưa, từ góp đất, trâu, bò, đánh kẻng…” – ông Cường nói.

Theo Bộ trưởng, HTX kiểu mới là nhà ai vẫn làm nhà đó, nhưng phải tổ chức để tăng sức mạnh. Mua một yến phân bón giá sẽ cao, dễ mua phải hàng giả. Mua 10 tấn phân bón đúng địa chỉ, giá hạ hơn, tại sao chúng ta không làm?

Vì thế, Bộ NN&PTNT đã cùng ký kết phối hợp với Liên minh HTX Việt Nam, T.Ư Hội Nông dân, nhằm “xúm tay” vào mục tiêu đến năm 2020, sẽ phát triển ít nhất 15.000 HTX nông nghiệp kiểu mới làm ăn hiệu quả.

Ông Cường cũng cho rằng, phát triển các HTX phải bám lấy 3 trục sản phẩm để tổ chức theo chuỗi giá trị, là nhóm ngành hàng chủ lực quốc gia (xuất khẩu trên 1 tỷ USD nho, cà phê, cao su, lúa gạo, tiêu, điều...), nhóm ngành hàng chủ lực của các tỉnh và nhóm ngành hàng đặc sản của địa phương, qua phong trào “mỗi làng một sản phẩm”. 

MỚI - NÓNG