Khi nào hành khách bị cấm bay

Khi nào hành khách bị cấm bay
Một trong những hành vi quan trọng để hãng hàng không hay Cục Hàng không ra quyết định từ chối vận chuyển hay cấm vận chuyển một hành khách là “gây rối”. Bài viết sau đây của tiến sĩ luật Nguyễn Hải Vân sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này.

Khi nào hành khách bị cấm bay

Một trong những hành vi quan trọng để hãng hàng không hay Cục Hàng không ra quyết định từ chối vận chuyển hay cấm vận chuyển một hành khách là “gây rối”. Bài viết sau đây của tiến sĩ luật Nguyễn Hải Vân sẽ cung cấp thông tin về vấn đề này.

Khi nào hành khách bị cấm bay ảnh 1

Việc hành khách vi phạm những quy định trên các chuyến bay không phải là hiếm, thế nhưng đánh giá mức độ trầm trọng và xử lý vi phạm đó đôi khi còn gây nhiều tranh cãi.

Chẳng hạn, việc không tuân thủ quy định cấm hút thuốc trên các chuyến bay có thể bị xếp vào hành vi gây rối vì không chấp hành các quy định, hướng dẫn của nhân viên hàng không, trong khi hành vi này đơn giản chỉ là vi phạm hợp đồng thương mại về vận chuyển.

Như thế nào là “gây rối”?

Pháp luật các nước có thể có các quy định khác nhau về “hành khách gây rối”. Thí dụ ở Pháp, hành khách gây rối được chia thành ba mức độ như sau:

- Mức độ 1: hành khách từ chối thực hiện các biện pháp dự phòng an toàn như từ chối cài dây an toàn, xuất trình thẻ lên máy bay, từ chối ngồi yên và từ chối tuân thủ biện pháp an ninh.

- Mức độ 2: gây căng thẳng với những người ngồi bên cạnh và làm gián đoạn công việc của phi hành đoàn như lớn tiếng quấy rối phi hành đoàn, đòi hỏi quyền lợi ngoài quy định, ví dụ muốn uống rượu nhiều hơn mức độ được cho phép.

- Mức độ 3, được xem là hết sức nguy hiểm: có hành động bạo lực chống lại những người khác, tấn công phi hành đoàn. Những hành vi này thường được ghi nhận như hậu quả của việc say rượu, stress, bức xúc do bị cấm hút thuốc, cảm thấy bức bách bất tiện hay thiếu thông tin.

Pháp luật hình sự của Pháp có những quy định rất cụ thể, rất chi tiết về các hành vi như thế nào là dùng vũ lực, thế nào là đe dọa, thế nào là phá hoại tài sản, thế nào là say rượu, thế nào là gây nguy hiểm cho người khác... Từ đó việc áp dụng pháp luật gặp nhiều thuận lợi hơn.

Trong khi đó, nghị định 81/2010/NĐ-CP ngày 14-7-2010 về an ninh hàng không dân dụng (điều 16 khoản 2) quy định hành khách gây rối có ba trường hợp (xem bảng) và không thể hiện mức độ tăng nặng của hành vi. Trong đó có các cụm từ có thể hiểu, diễn giải nhiều góc độ khác nhau như “không chấp hành các quy định” hoặc “gây rối trật tự và kỷ luật”...

Quyền của cơ trưởng

Công ước Tokyo ngày 14-9-1963 về hành vi vi phạm và một số hành vi trên máy bay, cho phép cơ trưởng áp dụng các biện pháp bảo đảm an ninh khi xét thấy cần thiết.

Có lẽ cũng nên nhấn mạnh rằng việc áp dụng quyền này thông thường chỉ xảy ra khi có cơ sở vững chắc để tin rằng một hành khách nào đó đang hoặc ngay lập tức tiến hành một hành động bị pháp luật hình sự cấm hoặc một hành vi có thể gây hậu quả xấu đối với an toàn chuyến bay của các hành khách khác.

Trong trường hợp này, cơ trưởng có thể yêu cầu phi hành đoàn hỗ trợ thực hiện các biện pháp xử lý mà không cần sự trợ giúp của các hành khách. Việc chuyển giao xử lý cho các cấp chính quyền chỉ được thực hiện khi hành vi vi phạm được coi là rất nghiêm trọng theo quy định của pháp luật hình sự. Cơ trưởng phải cung cấp bằng chứng và các thông tin khác mà mình có cho các cơ quan chức năng.

Chỉ được cấm bay trong mạng lưới

Theo tinh thần công ước Vacxava 1929, liên quan đến ứng xử của hành khách trên máy bay, các hãng hàng không có quyền từ chối hay cấm bay trong toàn mạng lưới của hãng đối với các hành khách không tuân thủ quy định được đề ra. Trên thực tế, ở các nước không có quá nhiều trường hợp bị cấm bay, thường thấy vẫn là những trường hợp liên quan đến di trú và nhập cư bất hợp pháp.

Ở ta, nghị định 81/2010 cũng có quy định tương tự tại khoản 5 điều 16: “Danh sách hành khách bị cấm vận chuyển nêu tại khoản 1 điều này được áp dụng đối với các chuyến bay nội địa, chuyến bay quốc tế xuất phát từ VN của tất cả các hãng hàng không VN và nước ngoài”. Đây là một quy định khá cứng rắn mà nội hàm của nó cần được xác định bởi vì thuật ngữ “và nước ngoài” có thể bị hiểu là bao gồm cả các hãng hàng không nước ngoài. Trong khi các hãng này có thể có những quy định khác với quy định của ta nhưng vẫn phù hợp với thông lệ quốc tế.

Từ chối vận chuyển và cấm bay khác nhau như thế nào?

Từ chối vận chuyển

Hành khách

1.Hành khách gây rối: a. Không chấp hành các quy định, hướng dẫn của nhân viên hàng không tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay; b. Gây rối trật tự và kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay; c. Tung tin, cung cấp thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn, an ninh của cảng hàng không, sân bay, tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất và hành khách. 2. Người mất khả năng làm chủ hành vi. 3. Người bị từ chối nhập cảnh. 4. Người bị trục xuất không có người áp giải. 5. Theo yêu cầu của nhà chức trách có thẩm quyền của VN hoặc nước ngoài.

Thẩm quyền quyết định: Hãng hàng không

Cấm bay

Hành khách

1. Không chấp hành các quy định, hướng dẫn của nhân viên hàng không tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay (tái phạm nhiều lần). 2. Gây rối trật tự và kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay (tái phạm nhiều lần). 3. Tung tin, cung cấp thông tin sai đến mức uy hiếp an toàn, an ninh của cảng hàng không, sân bay, tàu bay đang bay hoặc trên mặt đất và hành khách. 4. Người có hành vi can thiệp bất hợp pháp khác vào hoạt động hàng không dân dụng; 5. Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Thẩm quyền quyết định: Cục Hàng không VN

TS Nguyễn Hải Vân

Không được từ chối vận chuyển khách hàng chưa bị cấm bay

Về nguyên tắc thì hãng hàng không không có quyền từ chối chuyên chở bất kỳ khách hàng (người tiêu dùng) nào. Tuy nhiên, trên mỗi chuyến bay cụ thể, hãng hàng không có quyền từ chối chuyên chở các khách hàng có những hành vi được liệt kê tại khoản 1 điều 17 của nghị định 81/2010/NĐ-CP và quyền từ chối này chỉ được thực hiện khi và chỉ khi hãng hàng không không thực hiện được các biện pháp an ninh để bảo đảm an ninh, an toàn cho chuyến bay.

Đối với những người có hành vi được liệt kê theo khoản 4 điều 16 của nghị định 81/2010/NĐ-CP thì có thể bị Cục Hàng không VN lập danh sách người bị cấm chuyên chở có thời hạn hoặc vĩnh viễn (xem bảng).

Từ các quy định của pháp luật cho thấy đối với một người chưa có tên trong danh sách bị cấm chuyên chở của Cục Hàng không VN thì hãng hàng không không được phép từ chối chuyên chở, khi lần lên máy bay của người này là không có những hành vi vi phạm khoản 1 điều 17 của nghị định 81/2010/NĐ-CP như không chấp hành các quy định, hướng dẫn của nhân viên hàng không tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay; gây rối trật tự và kỷ luật tại cảng hàng không, sân bay hoặc trên tàu bay.

Nếu khách hàng nào cho rằng bị hãng hàng không từ chối vận chuyển không đúng thì có quyền kiện hãng hàng không ra tòa.

Luật sư Huỳnh Văn Nông

Một số trường hợp bị cấm bay trên thế giới

Dl Năm 2009, tòa án Anh tuyên phạt một người đàn ông bị cấm bay năm năm vì gây rối trên máy bay. Theo tờ Guardian, Robert Russell, nhân viên ngành bưu điện, đã say xỉn lớn tiếng dọa giết người và đòi mở cửa khẩn cấp khi máy bay đang ở độ cao gần 10.000m. Lệnh phạt cũng bao gồm 12 tháng tù giam, nộp hơn 4.600 bảng Anh, 200 giờ lao động công ích.

* Ca sĩ nổi tiếng Liam Gallagher của nhóm nhạc Oasis năm 1998 bị Hãng hàng không Cathay Pacific cấm bay vĩnh viễn sau khi cáo buộc ca sĩ người Anh đã quấy rối các hành khách và phi hành đoàn trên một chuyến bay từ Hong Kong đi Úc. Theo BBC, các hành khách trên chuyến bay than phiền rằng Gallagher và các thành viên khác của Oasis hút thuốc, chửi rủa, ném đồ đạc vào họ và phi hành đoàn.

* Năm 2009, một người Trung Quốc tên Phạm Hữu Tuấn đã thua kiện khi kiện Hãng hàng không Hạ Môn (TP Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến) vì hãng này đã cấm bay anh ta. Theo China Daily, Phạm vốn là nhân viên của Hãng Hạ Môn song bị sa thải năm 2004 vì không vượt qua kỳ sát hạch chất lượng. Hãng Hạ Môn cho biết sau khi bị mất việc, Phạm đã có những lời lẽ đe dọa hãng. Không chỉ cấm bay nội bộ, hãng này sau đó gửi thư đến các hãng hàng không khác để yêu cầu biện pháp tương tự với Phạm. “Tôi bị đưa vào danh sách đen của Hãng hàng không Hạ Môn như là một người nguy hiểm, nó làm tổn hại đến thanh danh và là nguyên nhân làm hôn nhân của tôi đổ vỡ” - Phạm nói.

Vụ việc gây tranh cãi khi luật sư của Phạm cho rằng phán quyết trên của Tòa án quận Triều Dương (Bắc Kinh) là vi phạm quyền cá nhân. Ông Vũ Lực Giang, một lãnh đạo tòa án dân sự số 1 tại Triều Dương, cũng cùng lo ngại khi nhận định Trung Quốc chưa có các luật liên quan đến việc các hãng thực hiện danh sách cấm bay nên danh sách này có thể vi phạm quyền của hành khách sử dụng dịch vụ hàng không.

Tòa án quận Triều Dương sau đó đã gửi khuyến cáo đến Cơ quan Quản lý hàng không dân sự Trung Quốc và Hãng hàng không Hạ Môn, yêu cầu các hãng hàng không tiêu chuẩn hóa và công khai các quá trình từ chối dịch vụ đối với cá nhân. Chẳng hạn khi từ chối một khách hàng, công ty hàng không phải nêu rõ lý do. “Hãng hàng không cần công khai và minh bạch quá trình này, bởi nó sẽ có lợi trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hành khách” - ông Vũ nói.

Theo Trần Phương
Tuổi Trẻ

Theo Tổng hợp
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.