Khi một mùa Xuân không làm nên “Mùa Xuân Ảrập”

Khi một mùa Xuân không làm nên “Mùa Xuân Ảrập”
TP - Ngày 17/1/2011, Mohamed Bouazzi, công dân Tunisia 26 tuổi, tự thiêu vì quá phẫn uất do bị cảnh sát tịch thu gánh hàng rong. Hình ảnh đó được ghi lại bằng máy quay phim, điện thoại di động và tung lên các trang mạng xã hội.

> Ai Cập đề cử Phó tổng thống và Thủ tướng
> Ai Cập bước vào giai đoạn nguy hiểm

Ngay lập tức, các cuộc biểu tình, bạo loạn liên tiếp nổ ra tại Tunisia. Ngày 14/2/2011, Tổng thống (TT) Ben Ali cùng gia đình buộc phải trốn chạy khỏi đất nước. Biến động chính trị dữ dội ở Tunisia nhanh chóng lây lan, xô đẩy nhiều nước khác ở Bắc Phi, Trung Đông dưới tên gọi: “Mùa Xuân Ảrập”.

Tại Libya, đất nước nhiều giàu mỏ, “Mùa Xuân Ảrập” phát triển thành cuộc nội chiến khốc liệt, dẫn tới việc TT Muammar Gaddafi bị lật đổ rồi bị hạ sát trong một tình huống đầy tranh cãi ngày 20/10/2011.

Bằng khẩu hiệu “Một ngày nổi dậy” đòi TT Hosni Mubarak từ chức, “Mùa Xuân Ảrập” ở Ai Cập thu hút sự tham gia của hàng trăm ngàn người. Ngày 11/2/2012, ông Mubarak buộc phải kết thúc 32 năm cầm quyền liên tục ở quốc gia đông dân nhất thế giới Arập.

Bài học từ “Mùa Xuân Ảrập” chỉ ra rằng, muốn “cách mạng” thành công phải hội đủ hai yếu tố cơ bản: lực lượng đối lập đủ mạnh và sự ủng hộ của đông đảo người dân trong xã hội. Còn nhớ thời điểm đó, từ Tunisia tới Ai Cập, truyền thông toàn cầu ghi lại hình ảnh hàng triệu triệu người dân các quốc gia này đổ ra đường ăn mừng bằng các màn bắn súng, đốt phá cơ sở hạ tầng, thậm chí “vượt rào” nhiều quy định hà khắc của đạo Hồi… để chờ đợi cái gọi là “xã hội dân chủ” mà “Mùa Xuân Ảrập” đem lại như hứa hẹn của phương Tây.

Trong khi “xã hội dân chủ” chưa nên hình hài vóc dáng, khủng hoảng tại “đất nước của các pharaoh” bùng nổ. Cuộc đảo chính chóng vánh của giới quân sự hôm 4/7 được ví như “cái tát” vào niềm tự hào của phương Tây sau khi hàng loạt chính phủ Trung Đông và Bắc Phi bị lật đổ bởi “Mùa Xuân Ảrập”. Điều đáng nói, lực lượng quân đội đã bắt giam TT Mohamed Morsi, người vốn được Washington hậu thuẫn, mỗi năm nhận hàng tỉ đô la viện trợ quân sự từ người Mỹ.

Vì sao vị TT Ai Cập dân sự đầu tiên do dân bầu sau 30 năm cầm quyền dưới chế độ của ông Mubarak lại “chết yểu” nhanh chóng như vậy?

Thứ nhất, là tham vọng của TT Morsi. Đi đầu trong việc lật đổ chính quyền Morsi chính là những phe phái từng sát cánh với tổ chức Anh em Hồi giáo trong chiến dịch lật đổ ông Mubarak năm 2011. Nhiều lực lượng chính trị trong Mặt trận Cứu quốc, nòng cốt của phe đối lập, góp công đầu mang lại sự thay đổi để tổ chức Anh em Hồi giáo lên ngôi quyền lực, nhưng không được “trọng dụng” trong chính quyền của ông Morsi.

Thứ hai, người dân Ai Cập chán nản trước tình trạng tội phạm tràn lan trong xã hội, khiến các nhà đầu tư nối đuôi nhau rời Ai Cập, trong khi doanh thu chủ yếu từ du lịch sụt giảm rõ rệt. Tỷ lệ thất nghiệp cao cùng giá lương thực, thực phẩm phi mã đẩy cuộc sống của người dân xuống tận cùng của bết bát.

Tiến hành “cách mạng” đã khó, giữ được thành quả “cách mạng” còn khó hơn gấp bội. Có thể phương Tây “dạy” lực lượng đối lập tại Tunisia, Libya hay Ai Cập phương thức tiến hành “Mùa Xuân Ảrập”, nhưng không thể “bảo” họ phải duy trì “Mùa Xuân Ảrập” bằng việc tự hạn chế và phân phối quyền lực sao cho tương xứng với những đóng góp, đồng thời tập trung khôi phục nền kinh tế rệu rã sau “cơn bão dữ”. Và, khi sự kỳ vọng của các phe phái cũng như người dân không được đáp ứng, chính biến tất yếu xảy ra.

Khủng hoảng Ai Cập chỉ ra thực tế: Để có một cuộc bầu cử tự do chỉ cần sáu tháng, để có nền kinh tế thị trường chỉ cần vài năm, nhưng để có các bộ phận cấu thành nên một “xã hội dân chủ” theo mô hình của phương Tây, thì cần cả một thế hệ. Nói nôm na: để tạo nên “Mùa Xuân Ảrập”, chỉ một mùa Xuân thôi là chưa đủ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG