Khi mày râu ủy mị
> Papa xin con đừng phát rồ vì các 'ồ-pa'
Mưa đá" là tiếng lóng chỉ sự chỉ trích, chê bai (ném đá) trên mạng nhắm vào một đối tượng nào đó. Tuần qua, hai trận "mưa đá" của cư dân mạng đã trút lên đầu một số bạn nam với "kịch bản" có phần giống nhau.
Diễn đàn T-ara dậy sóng vì các fan nam ôm nhau khóc khi nhóm này đặt chân đến Việt Nam . |
Từ hai vụ bị "ném đá" vì… quá sến?
Tối 25-11-2012, các cô gái nhóm nhạc T-ara đến từ Hàn Quốc đã hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trong sự chào đón nhiệt tình của fan ở Hà Nội. T-ara là nhóm nhạc đến Việt Nam sớm nhất, trong số 17 nhóm nhạc và nghệ sĩ tham gia K-pop Festival 2012 vào ngày 29-1,1 tại sân vận động Mỹ Đình.
Đây là lần đầu tiên T-ara đến Việt Nam nên cộng đồng Queen's (tên fanclub của T-ara) đã lên kế hoạch đón thần tượng từ một tháng trước. Khi nhóm này đến sớm hơn vài ngày so với dự kiến, các fan đã đứng ngồi không yên.
Điều đáng nói là sau đêm đón tiếp thần tượng tại sân bay Nội Bài, nhiều trang báo mạng và diễn đàn bắt đầu xuất hiện hình ảnh những fan nam mặc đồng phục màu vàng của cộng đồng Queen's ôm nhau khóc nức nở vì sung sướng khi được chạm mặt các thần tượng xinh đẹp của mình.
Sự biểu hiện cảm xúc cuồng mộ này đã nhanh chóng bị cánh săn ảnh chộp bắt và trở thành chủ đề bàn tán sôi nổi trên mạng. Đây không phải là lần đầu tiên, những cơn cuồng mộ được đưa ra bàn tán.
Ngày 15-3-2012, nhân Đại nhạc hội Việt - Hàn, các thợ săn ảnh cũng đã chụp được những khoảnh khắc thất thần, tuyệt vọng cùng cực và ôm nhau khóc như mưa của nhiều fan Việt, khi không còn vé để nhìn thấy "sao" Hàn biểu diễn.
Các fan nữ khóc lóc vì thần tượng bị cư dân mạng "ném đá" đã đành, fan nam của T-ara khóc lại bị ném đá nhiều hơn. Lý do như bạn Hồng Tiến, một facebooker phát biểu: "Con trai khóc thì quá sến, có đáng mặt nam nhi không?".
Hàng chục ngàn lời lên án không thương tiếc tương tự: "Sến quá! Khóc vậy ca sĩ Hàn không thấy thương đâu mà lại cười cho vào mặt ấy chứ. Cha mẹ mất có khóc được hay không?" hay: "Cứ đà này, Việt Nam chắc phải xây thêm mấy nhà thương điên nữa thôi!".
Đáp lại những lời chỉ trích, các fan thuộc cộng đồng Queen's chỉ nhẹ nhàng thanh minh: "Chúng mình chỉ quá vui vì phải rất lâu sau mới có cơ hội gặp lại thần tượng. Bản thân vẫn yêu thương và kính trọng cha mẹ chứ không cuồng như mọi người vẫn nghĩ. Không ngờ ảnh đưa lên mạng bị hiểu lầm và chỉ trích dữ quá!".
Chuyện "fan nam của T-ara khóc" chưa "nguội", đến chuyện một chàng trai ôm hoa quỳ gục dưới mưa lạnh, khóc lóc để xin lỗi người yêu. Câu chuyện xảy ra vào 26-11 ở trường ĐH Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội.
Nguyên nhân cô gái giận là hai người mới chỉ quen nhau qua điện thoại, tối hôm trước khi đang nói chuyện thì máy hết tiền, do đã khuya nên không ra ngoài mua thẻ. Khi cô gái gọi lại thì đúng lúc chàng trai đang nghe một cuộc gọi khác.
Sáng ra, anh ấy đến trường để giải thích nhưng không thành… Khi hình ảnh và clip được đưa lên mạng thì chàng trai tội nghiệp này trở thành đối tượng để mọi người đàm tiếu.
Đằng sau những trận "mưa đá"
Có thể nói, chuyện fan nam T-ara khóc đón thần tượng hay bạn nam quỳ dưới mưa lạnh xin lỗi người yêu, dưới sự phát triển của các phương tiện như điện thoại, máy ảnh, mạng xã hội… như hiện nay đã trở thành những sự kiện gây khốn đốn cho nhân vật.
Chỉ tích tắc sau khi bị chụp ảnh hay quay phim, ở đâu đó trên diễn đàn, họ bị "ném đá" không thương tiếc, trở thành "bia trút giận" của đám đông. Đó là chưa kể, hình ảnh của họ bị thêu dệt trên thế giới ảo trở nên méo mó đến mức mà họ không thể ngờ tới.
Trao đổi với Sinh Viên Việt Nam, ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu (khoa Tâm lý Giáo dục, trường ĐH Sư phạm TP. HCM) nhận định: "Về căn bản, những biểu hiện tình cảm của fan âm mộ T-ara là bình thường vì nó không xâm hại người khác, không đến nỗi làm mất hình ảnh dân tộc như nhiều người nhận xét. Khóc là cảm xúc tự nhiên khi người ta buồn hoặc quá vui.
Với những fan hâm mộ, không vui sao được khi người mình thần tượng đứng ngay trước mặt và cơ hội có khi không đến lần thứ hai trong đời họ. Tuy nhiên, bên cạnh những fan hâm mộ có cách thể hiện vừa phải, trước đây, cũng có số ít fan thể hiện hơi quá như hôn ghế, xé quần áo, gào thét vật vã…
Điều này khiến cho chính thần tượng của họ cũng cảm thấy không được an toàn và có cái nhìn không thiện cảm. Vì một bộ phận nhỏ này cộng với sự thổi phồng của truyền thông mạng đã làm cho mọi người có cái nhìn không tốt về cộng đồng fan K-pop".
Yêu mến thần tượng, cách tốt nhất vẫn là những cách biểu hiện vừa phải nhưng không kém phần nồng nhiệt và văn hóa, chẳng hạn như tặng cho thần tượng của mình những món quà rất đặc trưng Việt Nam, trợ giúp mở đường cho thần tượng, cầm những biểu ngữ dễ thương, tặng họ chiếc khăn khi họ mướt mồ hôi trên sân khấu hay chuyển cho họ ly nước khi họ hát mệt. Thể hiện sự hâm mộ đúng cách cũng là một cách thể hiện sự hiếu khách và giới thiệu văn hóa của chúng ta đến thần tượng yêu quý.n
Riêng trường hợp anh chàng quỳ dưới mưa xin lỗi bạn gái vì hiểu lầm trong cuộc gọi điện thoại, ThS Nguyễn Hoàng Khắc Hiếu cho rằng, đây là cách xin lỗi mạnh mẽ và cũng có thể coi đó là một sự dũng cảm. Tuy nhiên, trong các trường hợp chàng trai phạm các lỗi như lăng nhăng, ngoại tình… thì việc quỳ xin lỗi là hợp lý.
Nếu chỉ vì chuyện hiểu lầm trong việc gọi điện thoại thì hơi quá. Hành động đó sẽ làm mất hình ảnh của anh ta trong mắt mọi người.
ThS Hiếu nhận định: "Khác với thế hệ 8X, người trẻ 9X ngày nay có những cách thể hiện tình cảm mạnh mẽ hơn, do ảnh hưởng của một xã hội ngày càng năng động, hiện đại. Không nên chê bai người trẻ khi họ biểu hiện cảm xúc thật. Nhưng nên lưu ý họ rằng, chúng ta đang sống trong cộng đồng, những cảm xúc luôn phải đặt trong hệ quy chiếu, những ánh mắt soi xét của những người xung quanh. Đừng để mình trở nên kệch cỡm hay phản cảm!".
Theo Xuân Huy
Sinh Viên Việt Nam