Khi máy gặt không được chào đón

Xem máy gặt liên hợp ở Phúc Thọ Ảnh: T.V
Xem máy gặt liên hợp ở Phúc Thọ Ảnh: T.V
TP - Nhiều nông dân ở Phúc Thọ, ngoại thành Hà Nội vui mừng đón máy gặt liên hoàn về. Nhưng vẫn có người không vui…
Xem máy gặt liên hợp ở Phúc Thọ Ảnh: T.V
Xem máy gặt liên hợp ở Phúc Thọ. Ảnh: T.V.
 

Nhiều nông dân ở các xã Võng Xuyên, Tích Giang (Phúc Thọ, Hà Nội) đều ấn tượng trước hai máy gặt liên hoàn đang thay nông dân gặt và tuốt lúa. Máy gặt chạy vòng quanh ruộng. Sau mỗi vòng lại áp vào bờ để nông dân chuyển những bao tải thóc ra xe cải tiến, chuyển về nhà.

Anh Đỗ Văn Quang, chủ chiếc máy gặt cho biết: Anh đầu tư mua máy mất 200 triệu đồng. Gặt đến đâu, máy làm thóc sạch đến đó, rơm rạ cũng được xếp gọn gàng. Nếu ruộng bằng phẳng và có diện tích lớn, mỗi ngày máy có thể gặt được 7-8 mẫu. Máy gặt này chỉ thích hợp với đồng đất đã dồn điền đổi thửa”.

Một nông dân so sánh: “Hai người gặt bằng tay giỏi lắm cũng chỉ được hơn một sào lúa/ngày, nhưng với máy gặt ít nhất cũng đạt vài mẫu ruộng/ngày. Không chỉ giảm công sức lao động mà còn giảm chi phí hơn nhiều. Nhà nào ruộng liền mảnh chỉ gặt một ngày là xong”.

Giá thuê máy gặt là 150 nghìn đồng/sào hộ nông dân có một mẫu lúa, máy chỉ gặt 1 ngày là xong, nếu gặt bằng tay phải mất một tuần.

Nắm được nhu cầu của nhiều nông dân, một số hộ mạnh dạn đầu tư làm dịch vụ máy gặt. Trong đó, riêng xã Ngũ Thái (Thuận Thành - Bắc Ninh) có tới 3- 4 máy gặt. Một số hộ sau khi gặt xong ở đồng ruộng quê mình đã chạy sô đến các địa phương khác, nhằm thu lại vốn đầu tư. Tuy nhiên, những người mang công nghiệp hóa về làng lại đang vấp phải sự cạnh tranh mạnh từ phía những người làm dịch vụ máy phụt lúa.

Một chủ máy gặt bộc bạch: “Vợ chồng tôi lên Phúc Thọ làm được 4 vụ lúa, sau khi gặt lúa cho Trại giống Tích Giang lại tham gia gặt cho nông dân trong vùng, mỗi nơi làm 5-7 ngày. Nhiều hộ rất thích thuê máy gặt và mời tôi đến làm, nhưng có khi một số hộ làm dịch vụ phụt lúa (tuốt lúa bằng máy - PV) lại đe dọa phá máy, cản trở vì sợ bị lấn sân. Đây là một trong những khó khăn khiến dịch vụ máy gặt chưa đến được nhiều hộ dân”.

Hiện nay, các xã ngoại thành Hà Nội cũng như nhiều địa phương đồng bằng Bắc bộ đang thu hoạch lúa mùa. Có những đoạn đường, máy phụt rơm bắn tung tóe trên đường, lấn chiếm lòng đường, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. Mặt khác, rơm rạ sau khi được nông dân phụt chất đống ở ven quốc lộ, tỉnh lộ, đường liên xã rồi đốt bỏ, gây khói bụi, mất an toàn giao thông.

Việc ứng dụng máy gặt hiện nay là một trong những hoạt động góp phần vào việc giải phóng sức lao động cho nông dân, khuyến khích họ tiếp tục dồn điền đổi thửa, tiến lên sản xuất lớn. Tuy nhiên, những phát sinh như đe dọa, phá phách cần giải quyết kịp thời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG