Dấu ấn quản lý thị trường năm 2021:

Khi màu áo xanh dương đồng hành với người dân và doanh nghiệp

0:00 / 0:00
0:00
2021 là năm đầy biến động với nền kinh tế khi hàng loạt doanh nghiệp phải đóng cửa, dừng hoạt động do giãn cách xã hội, lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) với màu áo xanh dương đã có mặt ở nhiều điểm nóng, lĩnh vực và hoàn thành tốt chức trách kiểm soát thị trường, chống đầu cơ, tích trữ hàng hóa… trong những thời điểm cam go nhất của chống dịch.

Triệt phá hàng loạt vụ làm hàng giả, hàng nhái quy mô khủng

Với những doanh nghiệp sản xuất trong nước, việc lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) Bắc Ninh phối hợp với Công an tỉnh Bắc Ninh và các đơn vị chức năng trên địa bàn tỉnh, ngày 12/8, kiểm tra điểm tập kết tại hàng hóa tại địa chỉ khu An Giải (phường Trang Hạ, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh) do ông Chen JinMing, quốc tịch Trung Quốc là chủ sở hữu, được coi là một dấu ấn lớn trong chuỗi hành động triệt phá các đường dây làm, tiêu thụ hàng giả của năm 2021.

Quá trình kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện lô hàng có tổng trọng lượng khoảng 40-50 tấn với số lượng hơn 4 triệu sản phẩm là các loại bút mang nhãn hiệu “Thiên Long”, “Plog GP-777”, dao cạo râu mang nhãn hiệu “Gillette”, “Croma”, “BiC”. Lô hàng có trị giá trên 17 tỷ đồng. Căn cứ kết quả điều tra, ngày 19/8/2021 Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với ông Chen JinMing về hành vi buôn bán hàng giả, áp dụng điểm c, khoản 3, điều 192 Bộ luật Hình sự.

Khi màu áo xanh dương đồng hành với người dân và doanh nghiệp ảnh 1

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhận định, sau 3 năm chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, toàn lực lượng đã tạo được bước chuyển mình tích cực

Chưa đầy 2 tuần sau đó, lực lượng Quản lý thị trường lại tiếp tục lập chiến công lớn khi phối hợp với Cục Cảnh sát Kinh tế (C03, Bộ Công an) đồng loạt kiểm tra 21 bãi than của các doanh nghiệp và cá nhân nằm rải rác trên địa bàn thuộc thị xã Kinh Môn, tỉnh Hải Dương.

Kết quả kiểm tra, phát hiện gần 50.000 tấn than không rõ nguồn gốc xuất xứ của 5 cá nhân, 2 tổ chức. Cục QLTT Hải Dương đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trên 900 triệu đồng, tịch thu hàng hóa vi phạm có trị giá trên 8 tỷ đồng, chuyển 15 hồ sơ cho cơ quan thuế xem xét xử lý trách nhiệm về thuế. Một số đối tượng liên quan đã bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra các quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét về tội “vi phạm quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên”.

Đây là vụ buôn lậu trái phép quy mô lớn tài nguyên khoáng sản được lực lượng “áo xanh dương” cùng công an phát hiện, bóc gỡ trong nhiều năm qua.

Tháng 11, Công an tỉnh Hà Nam ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” do Đội Quản lý thị trường số 3 - Cục Quản lý thị trường tỉnh Hà Nam chuyển giao sau khi phát hiện cơ sở này sản xuất, làm giả bánh cốm quy mô lớn mang nhãn hiệu Nguyên Ninh, số 11 Hàng Than, Hà Nội.

Khi màu áo xanh dương đồng hành với người dân và doanh nghiệp ảnh 2

Các bãi than có dấu hiệu vi phạm trên địa bàn thị xã Kinh Môn, Hải Dương bị lực lượng QLTT và công an phát hiện hồi tháng 8/2021

Chỉ một ngày sau khi vụ án làm giả ở Hà Nam được khởi tố, Đội 2, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Bình Thuận thông báo lập biên bản cơ sở sản xuất tái chế nhớt thải không đăng ký thành lập kinh doanh và chuyển cho Cảnh sát Môi trường tỉnh củng cố hồ sơ xử lý gồm cả vi phạm về bảo vệ môi trường.

Làm việc với lực lượng chức năng, ông Nguyễn Văn Bộ (xã Tân Phước, thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận) cho biết, cơ sở vừa bắt đầu sản xuất, tái chế nhớt phế thải ngày 15/11/2021 và đã chiết xuất, tái chế ra 1.500 lít dung dịch màu đen để dùng làm chất đốt thì bị Đội Quản lý thị trường số 2 kiểm tra. Qua kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được các giấy tờ về đăng ký thành lập Hộ kinh doanh cũng như các loại giấy tờ về nguồn gốc của hàng hóa. Trong khi đó, đây là một trong những hoạt động sản xuất ngành nghề cần có nhiều điều kiện nghiêm ngặt, đặc biệt là về bảo vệ môi trường vì nhớt thải thuộc nhóm chất thải nguy hại, muốn sản xuất, kinh doanh phải có sự cấp phép của Bộ Tài nguyên và Môi trường mà không có bất cứ giấy tờ cấp phép nào.

Với lĩnh vực làm đẹp, việc Đội Quản lý thị trường số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) hồi cuối tháng 6/2021 đột xuất kiểm tra Cửa hàng kinh doanh JENNIFER NHU LUXURY (địa chỉ 91 Hàng Gà, phường Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm) đã phát lộ một trong những điểm phân phối sản phẩm nước hoa lớn nhất Thủ đô. Phải mất hơn 12 tiếng đồng hồ, lực lượng chức năng mới kết thúc quá trình kiểm kê, đóng gói và di chuyển 4.250 sản phẩm nước hoa mang các nhãn hiệu nổi tiếng thế giới như Gucci, Chanel, Dior, Dolce & Gabbana, Good Girl..., giá trị hàng chục tỷ đồng, để phục vụ quá trình xác minh nguồn gốc, chất lượng sản phẩm.

Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp tiêu thụ nông sản, chống dịch

Khi dịch COVID-19 bùng phát mạnh tại nhiều tỉnh thành phía Nam và nhiều địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội, lực lượng ‘áo xanh dương’ tại nhiều tỉnh, thành phố đã vào cuộc với các lực lượng chức năng kiểm tra. Ngày 18/7, Đội QLTT số 14, (Cục QLTT Hà Nội) phối hợp với Đội Chống buôn lậu - Phòng PC03 (Công an Hà Nội) phát hiện một đường dây mua bán que test nhanh COVID-19 do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn chứng từ tại hai cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Hoàng Mai và quận Thanh Xuân cho thấy những góc khuất lợi nhuận rất lớn của mặt hàng này. Qua đợt kiểm tra, 3.100 que test COVID-19 mang nhãn hiệu NASOCHECKcomfort của CHLB Đức đã bị thu giữ.

Khi màu áo xanh dương đồng hành với người dân và doanh nghiệp ảnh 3

Tạm giữ trên 4 triệu sản phẩm hàng hóa có dấu hiệu giả mạo, trị giá gần 10 tỷ đồng tại Bắc Ninh

Tuy nhiên, việc gây rúng động dư luận nhiều nhất là các vụ triệt phá cơ sở sản xuất mỹ phẩm giả với quy mô lớn trên địa bàn thị xã Kinh Môn (tỉnh Hải Dương) do bà N.T.L ở phố Trần Hưng Đạo, thị xã Kinh Môn làm chủ. Tại hiện trường, lực lượng chức năng phát hiện lượng rất lớn sản phẩm thành phẩm, bán thành phẩm; trên 270 kg nguyên liệu dạng dung dịch lỏng; 24 kg tem, phiếu bảo hành; 180 kg vỏ bao bì, hộp, chai, lọ các loại cùng với một số máy móc như máy khò màng co, máy ép nhiệt, máy bọc màng co nhiệt, dụng cụ chiết rót dùng để sản xuất mĩ phẩm giả. Bà N.T.L, chủ cơ sở kinh doanh khai nhận mua nguyên liệu, máy móc, bao bì, tem nhãn về để phối trộn, sản xuất, sang chiết, đóng gói mỹ phẩm nhái nhãn của một số cơ sở trong và ngoài nước để bán kiếm lời.

Hàng loạt đường dây, cơ sở làm mỹ phẩm chui, trái phép và giả mạo nhiều nhãn hiệu lớn sau đó cũng được lực lượng QLTT nhiều tỉnh, thành phố lần lượt phát hiện. Trong đó phải kể đến cơ sở sản xuất tại thôn Tảo Dương (xã Hồng Dương, huyện Thanh Oai, Hà Nội) bị Đội Quản lý thị trường số 11 và lực lượng chức năng triệt phá vào ngày 16/6/2021. Điều đáng lo ngại, các sản phẩm mỹ phẩm, nước hoa được pha chế thủ công tại cơ sở bằng rất nhiều loại hoá chất trôi nổi không rõ nguồn gốc được dán nhãn mỹ phẩm, nước hoa mang thương hiệu Hàn Quốc, Pháp... như COCO CHANEL, COLLAGEN X12 OLIVE, Pink Lady Shower... không rõ tác động lâu dài đến sức khoẻ người tiêu dùng thế nào.

Không chỉ bám sát địa bàn, lực lượng QLTT còn chung tay với các tỉnh, thành phố trong phòng, chống dịch COVID-19. Tổng cục QLTT đã trao tặng Trung tâm y tế huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang) 500 bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ III và 5.000 khẩu trang N95 khi dịch ở địa phương này bùng phát mạnh và ở thời điểm cam go nhất. Trước đó, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã trao ủng hộ cho UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Bắc Ninh với tổng số lượng 2.000 bộ trang phục phòng chống dịch cấp độ III cùng lượng lớn nước uống; ấm siêu tốc, bánh, mỳ tôm, gel sát khuẩn. Không chỉ dừng lại đó, ngày 11/6, Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) và Cục QLTT Hà Nội đã phối hợp với Viện Huyết học và Truyền máu T.Ư tổ chức chương trình hiến máu tình nguyện với thông điệp "Người Quản lý thị trường nhiệt huyết". Gần 32.000ml máu đã được Tổng cục QLTT sẻ chia đến người bệnh cần máu để điều trị trong bối cảnh nguồn máu dự trữ tại các bệnh viện vô cùng khan hiếm.

Khi hàng nông sản ở nhiều địa phương bị tắc nghẽn, không tìm được đầu ra, giá rớt thê thảm do thực hiện giãn cách xã hội, Bộ Công Thương, Tổng cục QLTT cùng lực lượng QLTT các địa phương đã phát động chiến dịch ‘giải cứu’ nông sản, hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho bà con và coi đây là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng. Gần 5.000 tấn vải thiều của nông dân Bắc Giang cùng nhiều loại nông sản ở các địa phương phía Nam đã được giải cứu sau các chiến dịch hỗ trợ đầy tính nhân văn của lực lượng ‘áo xanh dương’ trên cả nước.

Những dấu ấn đổi thay

Thực tế cho thấy, sau 3 năm chuyển đổi mô hình hoạt động theo ngành dọc, toàn lực lượng Quản lý thị trường không ngừng lớn mạnh, chuyên nghiệp và ngày càng khẳng định vai trò chủ công trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại... từng bước nhận được đánh giá tích cực từ phía người dân, doanh nghiệp.

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT nhận định, sau 3 năm chuyển đổi mô hình sang ngành dọc, toàn lực lượng đã tạo được bước chuyển mình tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý; xây dựng lực lượng QLTT ngày càng chuyên nghiệp-chính quy-hiện đại, nâng cao được hiệu lực, hiệu quả công tác. Đồng thời, từng bước đáp ứng được niềm tin và kỳ vọng của người dân và Chính phủ đối với lực lượng QLTT. Kết quả ấy, được minh chứng qua những con số cụ thể.

Theo ông Linh, Trước những yêu cầu mới trong giai đoạn tới, lực lượng QLTT với màu áo xanh dương luôn tự nhìn nhận và luôn đặt bản thân trong bối cảnh mới của thị trường, không chỉ gói mình trong nhiệm vụ QLTT trong nước, đảm bảo ổn định vĩ mô, lành mạnh thị trường, bảo vệ doanh nghiệp chân chính và người tiêu dùng, còn có nhiệm vụ mới liên quan đến hội nhập quốc tế, hợp tác quốc tế như chống gian lận xuất xứ, gian lận thương mại, hợp lực cùng các lực lượng chức năng chống buôn lậu qua biên giới. Lực lượng QLTT luôn cam kết đồng hành với thị trường, hướng tới trở thành lực lượng chính quy - tinh nhuệ - hiện đại.

Năm 2021, lực lượng QLTT trên cả nước phát hiện xử lý 41.375 vụ vi phạm; ước thu nộp ngân sách gần 430 tỷ đồng (xử phạt vi phạm hành chính gần 244 tỷ, ước tiền bán hàng hóa, phương tiện vi phạm bị tịch thu trên 186 tỷ đồng).

MỚI - NÓNG