> Khi teen yêu chỉ để thể hiện đẳng cấp và nổi tiếng
> Hình như là 'ảo giác' tình yêu
> Lấy vợ già, lợi chi?
Dừng ở tình bạn khi bại tình đầu
N.Vũ, sinh viên trường CĐ Nghề GTVTTƯ1 (Hải Phòng) là sinh viên năm 3 nhưng cậu vẫn chưa có một mảnh tình vắt vai dù những đứa bạn cùng trang lứa đều có đôi, có cặp. Không yêu đương không nghĩa là mang trong mình một trái tim băng giá, ngược lại N.Vũ là người rất trọng tình cảm, khao khát yêu và được yêu bằng một tình yêu chân thành và luôn mong muốn tình yêu ấy sẽ đơm hoa kết trái. Tuy nhiên để bảo vệ cho trái tim chân thành của mình khỏi đau đớn khi yêu nên cậu quyết chỉ “ta với ta” trong suốt thời gian sinh viên của mình.
Khi còn là cậu học sinh cấp 3, tình yêu đầu đời đã để lại bài học khiến cậu phải học cách tránh xa thứ tình cảm gọi là tình yêu. Ngày ấy cậu có “rất yêu” một cô bạn khác lớp, nhưng không được nàng đáp lại. Vì là “mối tình đầu” nên cậu rất đau khổ. Sẵn tính ít nói, nay thất tình nên anh chàng ngày càng kiệm lời hơn.
Được hỏi, N.Vũ mỉm cười chia sẻ: “Mình đã rất tuyệt vọng khi bị từ chối. Thời gian đó tưởng chừng không thể vượt qua. Nhưng mình may mắn đã thoát được cái vòng luẩn quẩn ấy. Để bảo đảm cho con tim không bị đau nữa nên mình quyết định tránh xa tình yêu”.
Hỏi về bí quyết “né tránh” tình yêu, N.Vũ tâm sự: “Mình nói chuyện nhiều với bạn thân hơn. Luôn luôn nhắc nhở mình chỉ nên dừng lại ở tình bạn. Quyết không yêu ai cho đến khi ra trường và có việc làm ổn định. Hãy nghĩ tình yêu khi đang còn trên ghế nhà trường chỉ là thứ tình cảm rất mong manh và dễ vỡ…”
Chiến thuật “Ốc đảo cô đơn”
T.H, hiện đang là sinh viên trường CĐTH, là sinh viên năm thứ 3 nhưng T.H chưa từng nghĩ mình sẽ yêu một ai, ít nhất trong thời gian đi học. 21 tuổi nhưng T.H chưa từng một lần nếm vị tình yêu bởi ngay từ khi còn là học sinh cô nàng đã đọc khá nhiều sách nghiên cứu về tâm lý con người trong độ tuổi mới lớn. T.H nhận ra đó không hẳn là tình yêu mà chỉ là sự ngộ nhận từ tình cảm bạn bè thân thiết.
Tuổi mới lớn, suy nghĩ của ta chưa thể chín chắn hay xác định rõ tình cảm của mình vì vậy dễ xa vào cái vòng luẩn quẩn của tình yêu. Cũng nằm trong cái tuổi dễ “rung rinh”, nên T.H đã tự chọn cho mình một “ốc đảo cô đơn”, vì vậy mà không cần lo lắng nếu mình cũng bị rung rinh như bao người bạn khác.
Chia sẻ về độc chiêu của mình T.H tâm sự: “Trong lớp mình ít tiếp xúc với bạn bè, đặc biệt với các bạn trai thì … không bao giờ nói chuyện luôn. Phải nói rằng mình dị ứng với con trai. Sống cô lập theo ý thích riêng của mình. Chỉ nói chuyện đôi chút với bạn bè là con gái”.
Việc thực hiện độc chiêu cũng đem lại khá nhiều khó khăn với cô: “Tuy mình bị hạn chế khả năng giao tiếp và bị cô đơn vì ít bạn bè nhưng điều ấy sẽ làm mình mạnh mẽ hơn và rèn luyện rất tốt tính tự lập cho bản thân nữa”- T.H tự hào chia sẻ.
Độc chiêu của T.H được sử dụng từ khi bước chân vào cổng trường cấp 3 và duy trì đến tận bây giờ khi cô đang là sinh viên năm 3 và chuẩn bị ra trường. Hiện giờ khi ngồi nghe những đứa bạn thân tâm sự về những cuộc tình hết chiến tranh lại hòa bình của chúng mà cô thấy rùng mình: “Thật không ân hận về cái quyết định phải tránh xa tình yêu của mình. So với những đứa bạn luôn phải đau khổ vì tình yêu mình thấy bản thân thật may mắn”.
Việc né tránh tình yêu này còn mang lại cho T.H khá nhiều thú vị: “Tuy không có tình yêu nhưng đổi lại mình có được rất nhiều thứ, đặc biệt là “tự do và hạnh phúc”. Học tập và làm việc thật thoải mái. Về tình yêu, khi nào suy nghĩ chín chắn hơn, công việc ổn định nghĩ đến vẫn chưa muộn”.
Thận trọng trong cách xưng hô
Khác với hai trường hợp kể trên, Hường, sinh viên báo chí cũng đã sử dụng những chiêu thức tự “sáng chế” để né tránh chuyện tình cảm có thể sẽ nảy sinh trong kỳ thực tập.
Nghe kể và chứng kiến khá nhiều những chiêu gạ tình sinh viên xảy ra trong thời gian thực tập khiến Hường không khỏi sợ hãi và suy nghĩ cách đề phòng. Vẫn hi vọng chuyện gạ tình sẽ không xảy đến với mình, nhưng dù sao phòng bệnh còn hơn chữa bệnh, Hường chia sẻ về sáng chế của mình: “Trong khi tác nghiệp, mình có cơ hội gặp gỡ rất nhiều người khác giới, tránh bị xảy ra những việc ngoài ý muốn mình chỉ xưng hô với họ là chú hoặc bác. Trường hợp hi hữu mới xưng anh. Tuy nhiên mình rất nghiêm túc trong mỗi cuộc nói chuyện ấy. Luôn thể hiện rất rõ việc tôn trọng đối phương như vậy sẽ tốt cho họ và chính bản thân mình”.
Tuy vậy, việc sử dụng độc chiêu trong cách xưng hô cũng đem lại cho Hường khá nhiều những khó khăn trong khi tác nghiệp: “Khá nhiều lần mình bị nhắc nhở bởi cách xưng hô “không giống ai” ấy. Nhiều cuộc phỏng vấn cũng đã bị thất bại do bất đồng cách xưng hô”- Hường rầu rĩ chia sẻ.
Khi chưa đủ tự tin vào tình cảm cũng như tình yêu của mình, các bạn trẻ cần suy nghĩ để đưa ra những “độc chiêu né tránh” nhằm mang lại cho bản thân những hiệu quả tốt nhất.
Theo Nguyễn Yến
Vietnamnet