Khi giả dối tràn lan

Khi giả dối tràn lan
TP - Theo thống kê, Việt Nam là một trong những nước đứng hàng đầu về số người chết vì tai nạn giao thông (TNGT) trên thế giới với gần 10.000 người mỗi năm.

> Học lái xe siêu tốc, chống trượt toàn phần
> Số ca tử vong do TNGT tăng đột biến
> Bệnh viện quá tải vì TNGT tăng mạnh

Có đại biểu Quốc hội từng yêu cầu ban hành tình trạng khẩn cấp về TNGT bởi “nhiều nước đang xảy ra chiến tranh cũng không có nhiều người chết như TNGT ở Việt Nam”. Việt Nam hiện có 35 triệu xe máy và hàng triệu xe hơi lưu thông hàng ngày.

Đường sá chật chội, ý thức kém, luật pháp thiếu nghiêm minh... tất cả các yếu tố này đã góp phần tạo ra thảm họa, cướp đi trung bình ngót 30 mạng người mỗi ngày. Điều đáng lo ngại là, ngày càng gia tăng số vụ chết “chùm” cướp đi sinh mạng hàng chục người do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu.

Về lý thuyết, tất cả chủ nhân của 35 triệu chiếc xe máy và hàng triệu xe hơi nói trên đều phải học qua trường lớp rồi thi lấy bằng lái, phải hiểu biết rõ ràng về luật lệ giao thông, phải thấm nhuần đạo đức và văn hóa khi tham gia giao thông. Bằng không, vài chục triệu chiếc xe máy và ô tô này sẽ luôn là nguồn cơn của những thảm họa TNGT rình rập không báo trước.

Ấy vậy mà, qua loạt bài phản ánh của Tiền Phong khởi đăng từ số này lại cho thấy, thực trạng đào tạo cấp bằng lái xe - từ xe máy tới xe hơi - rất bát nháo.

Trên thực tế, người học chỉ cần đóng tiền, trong đó đã có phí “chống trượt”, là kiểu gì cũng thi đỗ tắp lự, không cần học cũng có bằng lái. Có người nói thời buổi bằng thạc sĩ, tiến sĩ còn mua dễ huống chi bằng lái xe. Vẫn biết rằng, những người tiến thân nhờ tấm bằng rởm, càng lên cao sẽ càng gây họa lớn cho xã hội.

Song ít ra những vị thạc sĩ, tiến sĩ rởm đó cũng không thể gây họa nhanh chóng và “lộ thiên” như những chiếc xe “điên” trên xa lộ, đằng sau vô lăng mỗi chiếc bằng lái rởm là sinh mạng, là ẩn họa cho biết bao người tham gia giao thông khác.

Quay trở lại tấm bằng lái xe, chắc cũng như giáo dục, không biết có nước Âu, Mỹ, Nhật nào công nhận bằng lái của Việt Nam? Chỉ biết rằng ở các nước đó việc sở hữu một tấm bằng lái thực sự không hề đơn giản, việc thi lại cả chục lần trong vài năm mới có được tấm bằng lái là chuyện thường.

Nhiều người Việt định cư bên đó kể với tôi rằng, không có cách nào “mua” được bằng như ở ta, mất bao nhiêu thời gian cũng phải tự mình nỗ lực để thi cho đậu thôi.

Nhìn giao thông ngăn nắp và văn minh nơi xứ người, không hề có tiếng còi xe inh ỏi hỗn loạn như xứ ta, biết ngay rằng sau vô lăng mỗi chiếc xe hơi đang vun vút trên đường kia là một tấm bằng xịn.

Vấn nạn bằng rởm, từ bằng lái xe tới đủ loại bằng cấp khác đang gây nhức nhối. Ngẫm ra, sự giả dối nào rồi cũng sẽ gây hậu họa, không chết người thì cũng thiệt hại về kinh tế, xói mòn về đạo đức, lối sống. Cái hại là khôn lường một khi thói giả dối lan tràn trong xã hội.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG