Khi đồng bào Tây Nguyên yêu nghĩa cử hiến máu

Nhóm tình nguyện viên các dân tộc đến từ xã Hòa Thắng.
Nhóm tình nguyện viên các dân tộc đến từ xã Hòa Thắng.
TP - Chủ Nhật Đỏ trên Tây Nguyên càng tổ chức càng tươi vui, độc đáo với sự nhập cuộc hào hứng của đồng bào các dân tộc anh em. Ai cũng cảm nhận được tình đoàn kết sâu sắc, gắn bó cộng đồng xã hội qua việc hiến máu, để dòng máu các dân tộc hòa chung.

Chủ Nhật Đỏ về buôn

Ngay sau khi sự kiện Chữ Nhật Đỏ (CNĐ) đầu xuân năm 2016 thành công rực rỡ tại huyện Ea Kar, với ấn tượng độc đáo về việc đồng bào các dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa tham gia hiến máu, lãnh đạo một huyện lân cận là Cư M’gar đã nhạy bén đề nghị báo Tiền Phong chọn Cư M’gar làm điểm đăng cai chính tổ chức CNĐ lần thứ tư tại Đắk Lắk, vào tháng Giêng 2017.

Cư M’gar là huyện có dàn cán bộ lãnh đạo trẻ trung năng động, có phong trào thiện nguyện đa dạng và sôi nổi từ trong lực lượng cán bộ Đảng viên, cho tới các tầng lớp dân chúng. Cư Mgar cũng là vùng đất bazan màu mỡ bạt ngàn cà phê, có 25 dân tộc anh em chung sống, cách thành phố Buôn Ma Thuột 17 km về phía Bắc tỉnh Đắk Lắk.

Chuẩn bị kỹ lưỡng cho sự kiện này, Bí thư huyện ủy Nguyễn Thượng Hải và Chủ tịch UBND huyện Trương Văn Chỉ đã thống nhất chỉ đạo ngành Văn hóa và cán bộ lãnh đạo cả 17 xã thị trấn toàn huyện vào cuộc, đăng ký hiến máu làm gương. Còn ông Y Wem H’wing Phó Chủ tịch UBND huyện kiêm Trưởng ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện (BCĐ VĐ HMTN) huyện, thì phân công tỉ mỉ từng phần việc lớn nhỏ tới các phòng ban liên quan, để vận động đồng bào từ thị trấn sầm uất tới tận thôn buôn hẻo lánh đều hiểu sâu sắc ý nghĩa của việc hiến máu cứu người trong CNĐ.

Khi đồng bào Tây Nguyên yêu nghĩa cử hiến máu ảnh 1 Niềm vui Chủ Nhật Đỏ của những Câu lạc bộ thiện nguyện. Ảnh: HTN, Lữ Hồ, Vũ Long, Huỳnh Thủy, Nguyễn Thảo.

Sau nửa năm triển khai công tác chuẩn bị, ngày 14/1/2017 trung tâm huyện tưng bừng diễn ra sự kiện “Chữ Nhật Đỏ -Tình người Cư M’gar”, với hàng nghìn nông dân Ê Đê, Jơ Rai, Tày, Mông, Mường, Thái, Xê Đăng từ các nẻo đổ về biểu diễn nghệ thuật trong trang phục truyền thống. Hội Phụ nữ và các nhóm hoạt động thiện nguyện được bắc bếp gần nơi hiến máu để nấu những nồi sữa đậu nành đậm đà thơm ngon, phục vụ hơn 2000 tình nguyện viên đăng ký hiến máu. Nhà báo Trần Thanh Lâm phó Tổng biên tập báo Tiền Phong (nay là Vụ phó Vụ Báo chí - Xuất bản, Ban Tuyên Giáo Trung ương) thú vị trầm trồ: Chủ Nhật Đỏ Cư M’gar quá đẹp và ấn tượng, chưa có nơi nào sánh bằng!

Đến Chủ Nhật Đỏ 2018 thì 5 đơn vị cùng đề nghị được tham gia tổ chức, trong đó có 3 trường là Đại học Tây Nguyên - Lá cờ đầu về HMNĐ trong khối trường học toàn tỉnh, trường Cao đẳng sư phạm và Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên. Thế mạnh của Đại học Tây Nguyên ở đội ngũ sinh viên đông tới hàng vạn. Nhưng thể hiện đậm nét sắc thái văn hóa vùng miền, phải là 2 huyện thành rộng lớn: Ea Kar và Buôn Ma Thuột.  Ngày 24/1, hơn 2.600 tình nguyện viên Ea Kar đã đi hiến máu, vượt xa chỉ tiêu đề ra. Tới cuối ngày vẫn còn nhiều nhóm đồng bào đến chậm chưa hiến máu được, Ban tổ chức chương trình phải mời hiến đợt sau. 

Với quyết tâm cao của lãnh đạo địa phương muốn nhân dịp này đẩy mạnh phong trào HMNĐ ở thành phố trung tâm tỉnh, tạo tiền đề triển khai Đề án “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số” vừa được thông qua, với hơn 360 nghìn dân, 40 dân tộc tập trung sống ở 33 buôn và một số cụm dân cư nội ngoại thành, Buôn Ma Thuột đã được chọn làm điểm chính trong 5 đơn vị triển khai CNĐ lần thứ 5 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Sáng ngày 27/1/2018, các đoàn xe chở tình nguyện viên đi hiến máu từ nhiều ngả đường khắp thành phố lần lượt đổ về Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi tỉnh, nơi trang hoàng tươi thắm cờ hoa Chủ Nhật Đỏ. Theo phân công, thì 25 đầu mối tham gia gồm Liên đoàn lao động, Công an, Phòng giáo dục, Thành Đoàn, 8 xã 13 phường, sẽ huy động 2.280 tình nguyện viên, dự kiến tiếp nhận được ít nhất 1.500 đơn vị máu cho Chủ Nhật Đỏ 2018, vừa bằng chỉ tiêu hiến máu cả năm mà Ban chỉ đạo VĐHMTN tỉnh đã giao cho Buôn Ma Thuột. Tuy nhiên, tới chiều ngày 26/1 lại có thêm hàng trăm tình nguyện viên nhiều câu lạc bộ, đội nhóm, doanh nghiệp xin đăng ký cùng hiến máu.

Khi đồng bào Tây Nguyên yêu nghĩa cử hiến máu ảnh 2 Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim K’đoh và nhà báo Vũ Tiến thăm hỏi người hiến máu.

Sự cố chưa từng có

Không ai biết suốt 2 ngày trước khi sự kiện diễn ra, Ban tổ chức Chủ Nhật Đỏ tỉnh Đắk Lắk đã... hoảng hồn, khi nghe Viện Huyết học-Truyền máu Trung ương vừa vui mừng, vừa lo lắng báo tin: Do Chủ Nhật Đỏ tổ chức thành công vượt dự kiến, chưa đến cuối chương trình mà lượng máu hiến thu về trên cả nước đã vượt quá xa chỉ tiêu, các “kho máu” đều đã gần đủ để phục vụ công tác trị bệnh, cứu người từ nay đến Tết Nguyên đán, nên Viện và các Trung tâm HH-TM không nhận nổi thêm nhiều máu nữa. Riêng điểm Buôn Ma Thuột, trước khí thế ngùn ngụt của hơn 2.500 tình nguyện viên, Viện phải nhờ Trung tâm HH-TM tỉnh lấy giúp tối đa 850 đơn vị máu.

Bác sĩ Phạm Tuấn Dương - Phó viện trưởng Viện HH-TM Trung ương chia sẻ: Hiện tượng bão hòa máu hiến trên cả nước, khiến chúng tôi vừa ngạc nhiên, vừa khôn xiết vui mừng. Đây là lần đầu tiên nước ta đạt tới đỉnh điểm về lượng máu hiến, cho thấy nhận thức của cộng đồng xã hội về việc hiến máu đã trở nên tự nguyện và rộng khắp. Điều đó xuất phát từ việc báo Tiền Phong tổ chức thành công sự kiện Chủ Nhật Đỏ, cộng với hiệu ứng tích cực của làn sóng truyền thông, và sự gương mẫu đi đầu của những nhân tố tích cực trong cuộc vận động hiến máu tình nguyện ở các địa phương.

Hơn 30 năm công tác trong ngành, bác sĩ Trần Thị Kim Hồng Phó giám đốc Trung tâm HH-TM Đắk Lắk đã trải qua thời khan máu để cứu bệnh nhân, nên hiểu sâu sắc sự quý giá của mỗi giọt máu hiến.

Trước sức ép của sự cố bão hòa lượng máu hiến chưa từng có trên cả nước này, buộc phải từ chối số máu sắp nhận được, chị bật khóc như đứa trẻ.

Sau khi đôn đáo liên hệ với BV Chợ Rẫy, Khánh Hòa, những nơi có đủ chức năng tiếp nhận, sàng lọc và cung cấp máu không thành, chị nghẹn ngào nài nỉ Ban tổ chức chương trình làm cách nào để các tình nguyện viên khỏi mất hứng, lần sau sẵn sàng đi hiến máu tiếp.

Bác sĩ Kim Hồng giải thích: Trong mỗi thành phần máu có huyết tương, tiểu cầu và hồng cầu. Về lý thuyết, với các mức nhiệt độ phù hợp, dao động từ âm 25 độ C - 24 độ C, huyết tương có thể trữ được 1 năm; hồng cầu có thể dùng trong 42 ngày; còn tiểu cầu chỉ có thể bảo quản 3-5 ngày, sau đó tự bản thân tế bào máu sẽ phân hủy. Nhận máu về mà để quá hạn, lãng phí là có tội với người hiến máu.

Từng có nhiều năm làm Bí thư Thành đoàn, ông Vũ Văn Hưng Phó chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột, Trưởng BTC Chủ Nhật Đỏ Buôn Ma Thuột nhanh chóng thấu hiểu, cảm thông và chia sẻ với BTC Chủ Nhật Đỏ tỉnh về sự cố này.

Ông quyết định thông báo cho nhiều đơn vị có đông cán bộ viên chức đã đăng ký tạm hoãn hiến máu đợt này, nhường đồng bào thiểu số, dân chúng đến từ các thôn buôn phường xã hiến trước. Và Chủ Nhật Đỏ ngày 27/1 đã diễn ra tươi đẹp, như chưa từng có trở ngại gì.

Khi đồng bào Tây Nguyên yêu nghĩa cử hiến máu ảnh 3 Phụ nữ Ê Đê chuẩn bị vào hiến máu.

Hiến máu song hành cùng... bóng đá

Với sáng kiến huy động doanh nghiệp hỗ trợ thêm 2 màn hình lớn và ti vi độ nét cao phục vụ người hiến là những cổ động viên bóng đá, vừa hiến máu vừa xem truyền hình chiếu lại những pha bóng đẹp của đội tuyển U23 Việt Nam, Chủ Nhật Đỏ Buôn Ma Thuột trở nên đặc biệt thú vị với người hiến máu.

Tự mình “thử nghiệm” trước cảm giác vừa hiến máu vừa xem bóng đá chiếu trên 2 màn hình lớn 150 inch trong hội trường khang trang, thoáng mát của Nhà văn hóa Thanh thiếu nhi, Trưởng BTC Chủ Nhật Đỏ Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng tiết lộ ông cảm thấy hoàn toàn thư giãn, dễ chịu, không ảnh hưởng gì đến sức khỏe như điều từng thầm lo khi táo bạo cho phép lắp màn hình tại nơi hiến máu.

Vừa hiến xong, 2 tình nguyện viên cuồng nhiệt yêu bóng đá là ông Y Siết Êban 54 tuổi, lần đầu đi hiến máu, và ông Phan Như Oai 59 tuổi đã hơn 30 lần hiến máu, đều đến từ phường Khánh Xuân, cùng đến gặp phóng viên hào hứng khen “Màn hình vừa lớn vừa nét! Hiến máu vui thế này thì thật là ... quá đã! Lần sau báo Tiền Phong tổ chức Chủ Nhật Đỏ  nữa nhất định chúng tôi đều tham gia!”. 

Với sự khống chế về lượng máu thu về đã được thông báo trước, đúng 12h trưa BTC chương trình phát lời cảm ơn các tình nguyện viên chưa kịp hiến, chúc mọi người chiều nay vui vẻ tiếp tục theo dõi trận chung kết bóng đá châu Á cùng đội bóng U23 Việt Nam, và giữ sức khỏe tốt để có thể nhiều lần tham gia hiến máu cứu người. Nhiều người tiếc rẻ, thất vọng vì không được hiến máu trong Chủ Nhật Đỏ   lần này, nhưng rồi tình yêu bóng đá đã nhanh chóng cuốn hàng nghìn tình nguyện viên đến các điểm hẹn cổ vũ U23 ở Quảng trường 10/3, Ngã Sáu trung tâm, nơi đã dựng sẵn những màn hình led khổng lồ rộng tới 35m2 phục vụ miễn phí công chúng hâm mộ bóng đá.

Lời cảm ơn

Văn phòng Đại diện báo Tiền Phong khu vực Tây Nguyên & Ban chỉ đạo Vận động Hiến máu tình nguyện tỉnh Đắk Lắk trân trọng cảm ơn các cá nhân, đơn vị đồng hành tổ chức và hỗ trợ chương trình:

Đăng cai tổ chức: Ủy ban nhân dân TP Buôn Ma Thuột; Ủy ban nhân dân huyện Ea Kar; Trường Đại học Tây Nguyên; Trường Cao đẳng Sư phạm Đắk Lắk, Trường Cao đẳng Công nghệ Tây Nguyên.

Đồng hành hỗ trợ: Công ty Thủy điện Buôn Kuôp 10 triệu đồng; Bà Võ Thị Mỹ Hiệp, giám đốc công ty TNHH XDTM&DV Hiệp Thạnh 10 triệu đồng; Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh 5 triệu đồng; Chi nhánh Tây Nguyên Công ty cổ phần Dược phẩm Trung ương CODUPHA 5 triệu đồng; Công Ty TNHH MTV Lâm Nghiệp Buôn Ja Wầm 5 triệu đồng; Thầy thuốc Khăm Phết Lào 5 triệu đồng; Ban quản lý Rừng phòng hộ Buôn Đôn 5 triệu đồng; Bà Chu Thị Hồng Loan, số 5 Đam San TP BMT 2,5 triệu đồng; Công ty TNHH Trịnh Mười 2 triệu đồng; Bà Nguyễn Thị Phụng 121 Lý Thái Tổ BMT 2 triệu đồng. Công ty cổ phần Tập đoàn Cà phê Trung Nguyên: 1.000 cuốn sách và 500 hộp cà phê G7; Công ty cổ phần Cà phê An Thái 5 triệu đồng và 5 triệu quà tặng; Công ty TNHH Công nghệ Việt in tặng 3.500 túi đựng quà; Công ty TNHH Truyền thông Sự kiện Pro trang trí tại 5 điểm tổ chức chương trình; Cty TNHH vận tải ô tô An Phước hỗ trợ xe chở quà.

MỚI - NÓNG