Trong 5 ngày, đoàn đã đi thăm và hỗ trợ sinh kế cho 43 nạn nhân có hoàn cảnh khó khăn đặc biệt tại các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa, trong đó có 40 nạn nhân được tặng 1 con bò sinh sản trị giá 12 triệu đồng/con, 3 nạn nhân được tặng nhà tình nghĩa trị giá 50 triệu đồng/nhà, tặng quà cho 5 bà mẹ Việt Nam anh hùng. Quỹ hỗ trợ đợt này có sự phối hợp với Quỹ Hoa Hòa bình Việt Nam, Tổng công ty Taseco, nhóm nhân đạo Chia sẻ TPHCM.
Quảng Bình được coi là “ túi bom” trong chiến tranh chống Mỹ. Theo ông Nguyễn Tiến Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, 151/151 xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh bị ô nhiễm bom mìn với tổng diện tích bị ô nhiễm lên tới 225 ha; trung bình mỗi mét vuông đất ở Quảng Bình gánh chịu 29 kg bom, đạn.
Phải mất hàng trăm năm nữa, Việt Nam mới có thể làm sạch được gần 6,5 triệu ha đất tự nhiên còn bị ô nhiễm bom mìn. Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam được thành lập vào năm 2014 với sự tham gia của hàng chục tướng lĩnh nghỉ hưu làm việc không lương và sự góp sức của các doanh nghiệp.
Riêng Quảng Bình, ngay từ năm 2016, Hội đã hỗ trợ sinh kế cho 40 người, trong đó có 35 hộ được hỗ trợ 1 con bò giống sinh sản, 2 hộ được hỗ trợ chăn nuôi gà, 1 hộ phát triển xưởng sản xuất, 1 hộ phát triển dịch vụ kinh doanh. Riêng số bò giống được hỗ trợ tính đến cuối năm 2019 đã phát triển thêm 71 con, nâng tổng số đàn bò của nạn nhân bom mìn tỉnh Quảng Bình lên 106 con.
Hỗ trợ sinh kế
Anh Nguyễn Văn Tứ, thị trấn nông trường Việt Trung, bị hỏng cả hai mắt hơn 20 năm nay do đi làm rẫy, đào phải bom bi. Bom nổ còn làm anh bị đứt 9 đoạn ruột. Một viên bi găm vào tim, nằm ngay giữa cuống tim, nhưng anh vẫn cố sống chung với nó do không có tiền mổ tim, gắp mảnh đạn ra. Không những thế, anh còn bị một mảnh vụn viên bi găm vào trán. Vợ của anh là nạn nhân chất độc da cam. Hai anh chị có hai con, nhưng con đầu bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, không đi được. Khi được trao tặng bò, chị vui sướng nói: “Tôi sẽ cố gắng chăm bò thật tốt, cho nó sinh sản thật nhiều”.
Nguyễn Văn Long, 43 tuổi, tiểu khu 9 thị trấn nông trường Việt Trung, bị thương tật vào năm 1996 khi đi làm rẫy. Anh cuốc đất, cuốc phải bom, bom nổ làm anh hỏng mắt, mất một cánh tay. Hiện anh có 4 con, đứa lớn nhất học lớp 8. Mặc dù mắt không nhìn thấy gì, nhiều việc phải nhờ vợ con giúp, nhưng anh vẫn có thể chăn bò.
Trung tướng Nguyễn Đức Soát, Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, cho biết: “Từ khi thành lập Hội đến nay, Hội đã tổ chức trao hỗ trợ sinh kế cho nhiều tỉnh, thành, riêng tỉnh Quảng Bình có thành tích nuôi bò vượt trội, có gia đình từ một con bò giống đã nhân lên được tới 3 - 4 con bò. Đó là điều rất đáng mừng”.
Làm thơ mừng nhà mới
Trong chuyến trao tặng quà lần này, đoàn đã tới thăm ngôi nhà mới của ông Đinh Như Ngà, 77 tuổi, thôn Quy Hợp 2, xã Xuân Hóa, huyện Minh Hóa. Ông Ngà bị tai nạn bom mìn khi làm đồng vào năm 40 tuổi khiến ông bị cụt chân, tay. Đến thăm ngôi nhà mới của ông Ngà, đoàn công tác rất ấn tượng khi thấy hai bài thơ được ông viết nắn nót, dán trang trọng hai bên cánh cửa ra vào khi được dọn về sống trong ngôi nhà mới.
Ông Ngà chia sẻ: “Mọi năm cứ mùa mưa bão đến là lo lắng. Tôi chuẩn bị một cái giường, còn vợ chuẩn bị một cái bàn để khi mưa to gió lớn là chui xuống gầm bàn hoặc gầm giường. Năm nay có nhà mới của 3 Hội (Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam, Quỹ Hoa Hòa Bình, Hội Hỗ trợ khuyết tật Quảng Bình), trận bão số 5 vừa rồi, ngồi trong nhà này tôi chỉ nghe tiếng mưa, không nghe tiếng gió nữa. Tôi tin là nhà này chống bão rất tốt. Giờ tôi yên tâm rồi, không lo sợ những ngày bão đến”.
Sáu năm qua, Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đã hỗ trợ sinh kế cho hơn 5.500 người. Hội cũng tặng các phương tiện nghe nhìn, chân tay giả, xe lăn, dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, quà Tết...