Buýt BRT chạy thử trong bến
Thay vì ra đường như kế hoạch, sáng qua cả đơn vị thi công và vận hành đã tổ chức chạy thử buýt BRT trong trạm điều hành Kim Mã. Từ 8h sáng, tại điểm đỗ xe của trạm điều hành Kim Mã, nhiều phóng viên báo chí đã được chứng kiến xe buýt BRT mới cóng, thiết kế khá đẹp.
Đúng 9h, xe BRT bắt đầu lăn bánh di chuyển từ điểm đỗ đến khu vực trước nhà điều hành Kim Mã để tiếp cận nhà chờ. Khi xe đã tiếp cận nhà chờ, tài xế mở cửa cho một số người dân và phóng viên đang có mặt tại đây lên xe quan sát, trải nghiệm. Điểm khác biệt giữa xe buýt thường và buýt BRT là hành khách lên, xuống buýt BRT ở cửa bên trái, sàn xe cao tương ứng với cốt (nền) nhà chờ nên việc lên xuống của hành khách và các loại xe lăn rất thuận tiện.
“Với tình hình giao thông như thế, liệu xe buýt nhanh có thể chạy được? Hơn nữa, mặt cắt mỗi làn các tuyến đường trên chỉ từ 7 đến 9m, nếu lấy ra 3m để dành cho xe buýt nhanh hoạt động, ùn tắc tại đây sẽ trầm trọng thêm cỡ nào”.
TS Nguyễn Xuân Thủy
Cho ý kiến về buổi vận hành thử nghiệm sáng qua, TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia giao thông đô thị cho rằng, với các nội dung công việc như vậy thì không thể gọi là vận hành thử nghiệm buýt BRT được. “Đây chỉ những bài test kỹ thuật và chỉ dành cho xe khi ra khỏi xưởng hoặc giao cho khách hàng. Nếu nói là vận hành xe là xe phải được di chuyển và chở khách chạy thực tế trên đường”, TS Thủy nhấn mạnh.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Hà, Giám đốc Ban QLDA Đầu tư phát triển Giao thông đô thị (đơn vị triển khai dự án) cho rằng, việc kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật hoặc test xe để khớp nối các thông số dự án, các đơn vị thực hiện đã triển khai nhiều ngày qua. Công đoạn này đều có thể làm trong bến hoặc ngoài đường. Với việc thực hiện ngoài đường, do hiện nay công tác tổ chức, phân luồng giao thông để xe buýt BRT có làn đường riêng chưa triển khai được nên việc chạy thử nghiệm ngoài đường chưa thể diễn ra.
“Trong những ngày tới, nếu liên ngành Sở GTVT - Công an triển khai phương án phân luồng, tổ chức giao thông như thành phố đã chấp thuận và xe buýt BRT có đường dành riêng, chủ đầu tư sẽ xin ý kiến thành phố để vận hành thử nghiệm buýt nhanh trên đường”, ông Hà khẳng định.
Ngăn đường, cấm xe nhiều sẽ gây hệ lụy kép
Sau một ngày lãnh đạo thành phố Hà Nội có văn bản thống nhất, chiều 15/12, Sở GTVT Hà Nội ký quyết định thực hiện phương án phân luồng, tổ chức giao thông do liên ngành Sở GTVT - Công an xây dựng. Cụ thể, quyết định nêu rõ: Từ ngày 25/12 (Chủ nhật), liên ngành thực hiện cấm taxi, xe chở khách, xe tải từ 0,5 tấn (trừ xe công vụ, xe đưa đón học sinh, công nhân…) lưu thông vào giờ cao điểm (sáng từ 6-9h; chiều từ 16-19h) trên hầu hết các tuyến đường có buýt BRT hoạt động. Với xe máy, cấm lưu thông giờ cao điểm trên 2 cầu vượt nhẹ Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng, Láng Hạ - Láng.
Khẳng định vai trò phát triển vận tải công cộng để hạn chế ùn tắc, nhưng nhiều chuyên gia giao thông cho rằng, trục đường Giảng Võ - Láng Hạ - Lê Văn Lương… đang có rất đông phương tiện hoạt động. Vào giờ cao điểm ngày nào cũng xảy ra ùn tắc và mặt đường hầu như không còn chỗ nào trống do phương tiện ken đặc. “Với tình hình giao thông như thế, liệu xe buýt nhanh có thể chạy được? Hơn nữa, mặt cắt mỗi làn các tuyến đường trên chỉ từ 7 đến 9m, nếu lấy ra 3m để dành cho xe buýt nhanh hoạt động, ùn tắc tại đây sẽ trầm trọng thêm cỡ nào”, TS Nguyễn Xuân Thuỷ lo ngại.
Một số chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu phát triển giao thông cũng cho rằng, mục tiêu để thực hiện dự án buýt nhanh tại Hà Nội là đảm bảo trật tự giao thông, hạn chế ùn tắc và tăng khả năng thông hành của hành khách đi xe buýt. Tuy nhiên với thực tế đang diễn ra, khi đưa tuyến buýt BRT đi vào hoạt động các mục tiêu trên có đạt được? Theo các chuyên gia này, ngăn và cấm đường trên diện rộng như trên sẽ gây ra hệ luỵ lớn, thậm chí hệ luỵ kép đối với giao thông. Trong khi đó năng suất vận chuyển của buýt nhanh trên tuyến Kim Mã- Yên Nghĩa thực tế chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ so với nhu cầu đi lại của người dân.