Sau khi khám và được một bác sĩ ở BV Bình Dân TPHCM nghi ngờ sỏi thận, anh T. 35 tuổi ở Thuận An, tỉnh Bình Dương liền nhận được tờ giấy của bác sĩ này giới thiệu đi siêu âm bụng và chụp X-quang. Do khám tại khu điều trị kỹ thuật cao nên giá siêu âm và chụp ở đây cũng cao hơn ở khu khám thường. Làm xong hai xét nghiệm, anh T. quay lại, vị bác sĩ này liếc qua rồi đẩy thêm cho một phiếu xét nghiệm nước tiểu và máu. Mọi thứ xong xuôi, anh T. cho biết, bác sĩ kết luận không có gì và cho về.
Bị té ở phòng tắm, chị Phan Thị Th. 40 tuổi thấy đau đầu nên vào BV An Bình thăm khám, vì đăng ký bảo hiểm ở đây. Tuy nhiên, để cho chắc ăn, bác sĩ kê giấy chụp CT scan với giá 800 nghìn đồng/lần. Chưa hết, sau chụp xong chị này còn được làm thêm một số xét nghiệm cận lâm sàng nữa để…bệnh nhân yên tâm. Có bệnh nhân còn bi kịch hơn khi đến khám ở một bệnh viện công với chứng đau dạ dày nhưng bác sĩ chỉ định đo điện não đồ, điện tim sau khi đã làm 3-4 loại xét nghiệm máu, nước tiểu, siêu âm bụng…
Ngoài việc lạm dụng xét nghiệm, chụp chiếu, gần như tất cả các bệnh viện công còn mở các khoa phòng khám dịch vụ, giường dịch vụ với giá cao ngất ngưởng. Đó là chưa kể, hầu hết bệnh nhân hiện nay than trời vì đã chụp, xét nghiệm ở bệnh viện công này, nhưng khi chuyển qua bệnh viện khác điều trị lại tiếp tục bị bác sỹ chỉ định chụp, xét nghiệm tiếp, bởi nơi này không chấp nhận kết quả nơi kia.
Gánh nặng người bệnh
Bác sĩ Nguyễn Đình Phú - Phó Giám đốc BV Nhân dân 115, cho biết, giá mổ, giường, khám…dịch vụ là do lãnh đạo bệnh viện quyết định theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP. Theo lãnh đạo BV Nhân dân 115 không ai bắt buộc người bệnh khám chữa bệnh theo dịch vụ mà người bệnh tự nguyện. “Người bệnh có quyền lựa chọn bác sĩ khám, mổ. Một hoặc 2 giờ sáng nếu người bệnh cần mổ gấp, yêu cầu mổ dịch vụ, bác sĩ cũng phải mổ”- bác sĩ Phú cho biết. Lãnh đạo một bệnh viện công khác ở TPHCM cho rằng, giá dịch vụ tùy thuộc vào cơ sở trang thiết bị của từng bệnh viện. “Nhà nước không trang bị được máy móc, bệnh viện phải liên doanh với các đơn vị đặt máy móc thiết bị để phục vụ người bệnh miễn là đúng luật, giá thì lấy theo mặt bằng chung”- người này cho biết. Theo lãnh đạo BV này, tất cả cuộc mổ, khám chữa bệnh đều phải được khấu hao cơ sở vật chất, máy móc… còn lại mới cho nhân viên y tế trực tiếp điều trị, mổ…
Ông Chu Văn Tần - Chánh văn phòng Sở Y tế TPHCM cho biết, đây là cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ở các bệnh viện công. Theo ông Tần, từ năm 2007 đã có 36 đơn vị y tế công lập của TPHCM đã triển khai tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong tổ chức, biên chế và tài chính. Nhiều bệnh viện vốn dĩ có lượng bệnh nhân đông, ổn định coi đó là cơ hội được “cởi trói” để tăng thu nhập cho bệnh viện, cải thiện đời sống y bác sĩ. Đây cũng là nguyên nhân khiến hầu hết các bệnh viện công tại TPHCM đều đua nhau mở các khoa dịch vụ, khoa khám chữa bệnh ngoài giờ, xã hội hóa mua sắm máy móc. Tuy nhiên, theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tình trạng lạm dụng thuốc, xét nghiệm, kỹ thuật cao bằng đủ mọi cách của các bệnh viện diễn ra tràn lan. “Nhiều bệnh viện lạm dụng chỉ định cho bệnh nhân chụp, xét nghiệm vô tư vì cho rằng đã có bảo hiểm y tế thanh toán” - một cán bộ bảo hiểm cho biết.