Khe cửa hẹp cho mạng xã hội 'made in Vietnam'

Người dùng trải nghiệm các mạng xã hội: Lotus, Facebook, Gapo (từ trái qua). Ảnh: Anh Tú.
Người dùng trải nghiệm các mạng xã hội: Lotus, Facebook, Gapo (từ trái qua). Ảnh: Anh Tú.
Hàng triệu người Việt đang dùng Facebook, biết đến Twitter nhưng chẳng mấy ai ngờ rằng, Việt Nam cũng có 436 mạng xã hội "made in Vietnam'. 

Về 436 mạng xã hội nội địa, Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) nhận định, hầu hết hoạt động theo dạng diễn đàn, không được ưa chuộng so với các mạng xã hội nước ngoài có nhiều ứng dụng nổi trội, cấu trúc phong phú, giao diện thu hút, khả năng tương tác và liên kết cộng đồng cao.

Cũng bởi vậy, rất ít mạng xã hội của Việt Nam tồn tại được quá một năm. 9 năm trước, mạng xã hội Go.vn ra đời kèm theo tuyên bố chắc nịch từ lãnh đạo của dự án này là: Soán ngôi Facebook sau 6 tháng với 5 triệu người dùng. Đơn vị này cũng đặt mục tiêu chiếm 40–50% lưu lượng truy cập mạng xã hội tại Việt Nam vào năm 2015. Nhưng rồi dự án mau chóng thất bại, chuyển thành một trang tin tức tổng hợp. Tương tự Go.vn, còn nhiều cái tên mạng xã hội cũng ra mắt đình đám nhưng sớm "chết yểu" như Zingme, Tamtay.vn, Yume.vn...

Cuộc đua làm mạng xã hội

Làn sóng làm mạng xã hội được thổi bùng khoảng một năm trở lại đây, đặc biệt sau khi các nhà quản lý bày tỏ tham vọng về mạng xã hội "made in Vietnam" thay vì để thị phần rơi vào tay Facebook. Mục tiêu là đến năm 2022, số người dùng bằng hoặc hơn số tài khoản Facebook tại Việt Nam (60 triệu) và chiếm 60-70% thị phần.

Từ đây, cuộc đua thành lập mạng xã hội tại Việt Nam lại bước vào một chặng mới. Các mạng xã hội mới được ra mắt từ đầu năm đi theo hướng đề cao sự tương tác, kết nối nhận được không ít kỳ vọng nhưng cũng đối mặt nhiều thách thức.

Tháng 2/2019, Công ty TNHH Sản xuất và Đầu tư thương mại Nhật Việt - doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất đồ kim loại ra mắt trang mạng xã hội có tên gọi VietNamTa. Tuy nhiên, sau đó nhiều người dùng đặt nghi vấn nhà phát triển "bê nguyên xi" giao diện của Facebook, tốc độ tải trang chậm cũng như bị nghi ngại về tính bảo mật, xác thực tài khoản.

Không lâu sau, đầu tháng 6, mạng xã hội chuyên về du lịch Hahalolo cũng được giới thiệu kèm theo tuyên bố sẽ đạt "2 tỷ người dùng trong 5 năm tới, đồng thời sẽ niêm yết trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ)" và cạnh tranh trực tiếp với Facebook. Tuy nhiên, với cơ sở nền tảng được giới công nghệ đánh giá là còn sơ sài, sao chép tính năng, gặp lỗi khi đăng nhập, đăng ký... nên mục tiêu này khiến nhiều người e ngại về tính khả thi.

Chỉ một tháng sau, thị trường đón nhận thêm một tên tuổi mới là Gapo - mạng xã hội nhận đầu tư 500 tỷ đồng từ Quỹ đầu tư G-Capital. Bên cạnh việc tập trung các tính năng tương tác, đơn vị phát triển Gapo cho biết sẽ chia sẻ lợi nhuận với người dùng đã định danh, tạo nội dung hấp dẫn trên nền tảng mà không cần là một KOL (người có sức ảnh hưởng trên cộng đồng) hay người nổi tiếng. Nhà phát triển cũng kỳ vọng đạt 20 triệu người dùng vào năm 2021. Nhưng chỉ vài giờ sau khi ra mắt, Gapo vướng nhiều lỗi kỹ thuật khi người dùng mới thực hiện thao tác đăng ký. Việc trang mạng xã hội này không phát triển phiên bản web cũng được coi là một trong những hạn chế.

Cuộc đua trở nên nóng hơn khi mạng xã hội Lotus được VCCorp ra mắt vào ngày 16/9 và bắt đầu chạy bản thử nghiệm. Nhà phát triển tuyên bố đầu tư 1.200 tỷ đồng để theo đuổi dự án này. Không chỉ những tên tuổi mới, ứng dụng Mocha - một công cụ giao tiếp được phát triển bởi Viettel từ cuối năm 2018 cũng nâng cấp trở thành một mạng xã hội dành cho giới trẻ.


Cơ hội cho những 'tay chơi' bản địa

Trong bối cảnh người Việt rất "chuộng" mạng xã hội, cơ hội cho các nhà phát triển không nhỏ. Nhưng đồng thời, thống kê hơn 60 triệu người Việt đang có tài khoản Facebook lại đang không ủng hộ họ mà trở thành thách thức rất lớn.

Chia sẻ về định hướng phát triển mạng xã hội Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho rằng, các doanh nghiệp phải có cách tiếp cận mới, khác biệt căn bản với Facebook.

Ông Trần Anh Dũng - CEO&Founder Công ty cổ phần MOG Việt Nam cho rằng, nếu mạng xã hội của Việt Nam cạnh tranh trực tiếp với Facebook thì hầu như không có cửa, trừ khi Chính phủ có một số chính sách để phát triển những "tay chơi bản địa" với ưu đãi riêng để tạo lợi thế cạnh tranh.

Trong khi đó, nếu chọn thị trường ngách thì chuyên gia này cho rằng, các nhà phát triển Việt Nam vẫn còn cơ hội. Ở nước ngoài, nhiều nơi vẫn tồn tại nhiều mạng xã hội cùng phát triển nhưng cần có ý tưởng mới mẻ và xác định đúng lợi thế cạnh tranh.

"Tại Việt Nam, một số đơn vị xác định chọn hướng khác Facebook nhưng vẫn chưa rõ ràng để tin rằng liệu họ có thể trở thành một Twitter hay Snapchat hay không", ông Dũng nói.

Theo ông, những nhà phát triển mới sẽ phải đối mặt với 2 vấn đề lớn là thu hút người dùng và bài toán doanh thu. Ở bài toán thu hút người dùng, trong bối cảnh nhiều mạng xã hội đã nở rộ và có thị phần rõ rệt sẽ không dễ dàng. Bởi theo ông, đặc tính của cộng đồng là nơi nào đông đúc thì dễ thu hút người vào hơn.

"Một số đơn vị đang cố gắng để tạo sự khác biệt nhưng tôi không chắc đã đủ hấp dẫn người dùng hay chưa. Bởi cũng giống như một cái chợ, nếu không có người vào, chẳng biết mua bán với ai thì người ta sẽ sớm đi ra mà thôi", ông Dũng nói.

Đối với bài toán đầu tư và doanh thu, theo ông Dũng, việc phát triển một sản phẩm công nghệ là luôn đổi mới, không dừng lại nên nếu số vốn đầu tư không đủ lớn, mô hình không đủ tốt thì sẽ "đốt" tiền rất nhanh. Và khi đó, trào lưu phát triển mạng xã hội sẽ lại gặp thực trạng như vài năm trước là "chết như ngả rạ".

Trong khi đó, một chuyên gia giấu tên cho rằng, những mạng xã hội ra mắt trong thời gian qua của Việt Nam đa số còn chưa mới mẻ, thậm chí một số là phiên bản "copy" của những tên tuổi lớn.

Theo Theo VNEXPRESS
MỚI - NÓNG
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
Hà Nội đang ô nhiễm không khí nghiêm trọng
TPO - Theo ông Nguyễn Minh Tấn - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, nồng độ bụi PM10 và bụi PM2.5 trung bình ngày và năm ở Hà Nội vượt nhiều lần khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, đồng thời ghi nhận ô nhiễm cục bộ khí NO2 và O3.