Thế hệ cha, thế hệ con rồi đến thế hệ cháu, những mảnh đời ấy cứ bám đuổi theo đuôi con cá mưu sinh. Dòng sông này cạn kiệt thì họ chuyển sang dòng sông khác; Vùng này hết tôm, cá họ tìm đến vùng khác... cứ thế long rong từ Bắc chí Nam. Nguồn cá cạn kiệt, họ muốn trở về nhưng không học vấn, không nghề nghiệp, không ruộng nương... đó là câu chuyện ở xóm vạn chài có hộ khẩu Thủ đô này.
Bài 1: Gặp những người tiên phong cho ngư thủy Thủ đô một thời
Về xóm vạn chài
Xuôi theo quốc lộ 6, tới cầu Mai Lĩnh rẽ trái chừng 3km, nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi mới tìm được đường về xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi (phường Đồng Mai). Sau khi liên lạc, hai thanh niên chạy xe máy ra đưa đường. Nhìn khuôn mặt rám nắng, chai sạm vì sương gió, đôi gò má nhăn nheo nhiều vệt chân chim, không ai nghĩ họ mới bước vào tuổi 30.
Họ đón chúng tôi từ chân đê, qua cây cầu Đồng Hoàng vào địa phận của xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi. Vừa đi, thanh niên vừa chỉ đường, vừa giới thiệu: Sở dĩ, xóm này khó tìm bởi nó nằm biệt lập phía bên kia sông Đáy, chỉ kết nối với phần còn lại của phường Đồng Mai bằng một cây cầu sắt mới làm rộng đủ 2 xe máy tránh nhau. Trước đây cứ mưa lớn, nước lên cuồn cuộn, dân xóm Bãi cũng không dám đi qua. Người biết đường thì đi lối phường Biên Giang (Hà Đông), hay qua xã Thụy Hương (Chương Mỹ),vì thế các cháu lớn nhỏ, phần đông bố mẹ đăng ký cho đi học xã bên này.
Chúng tôi đến nhà ông Nguyễn Thái Tưởng (63 tuổi). Trong căn nhà ống trát vôi vữa đã lâu nhưng chưa được sơn sửa có hơn chục người, có già, có trẻ ngồi trên hai tấm chiếu tiếp khách.
Ông Tưởng cho biết, ông là một trong số hai người biết chữ của hàng trăm hộ dân ở đây, được người dân tin tưởng cử làm đại diện để kể về những ngày gian khó lênh đênh sông nước hơn 40 năm qua. Đến nay, họ muốn ông đại diện nói về nguyện vọng: Muốn để lên bờ ổn định cuộc sống.
Ông Tưởng tay run run cẩn thận lục dở từng trang giấy bắt đầu kể lại những ngày tháng tươi sáng của xóm Ngư nghiệp. Ông chậm rãi: Từ những năm 1956, sau cải cách ruộng đất, những hộ dân ở xóm được Ủy ban Hành chính tỉnh Hà Đông (cũ) chia đất nông nghiệp để sản xuất và được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu. Sau khi thành lập HTX nhỏ rồi đến HTX lớn tất cả các hộ dân làm đơn xin gia nhập và trở thành xã viên HTX nông nghiệp Đồng Phúc (xã Đồng Mai, huyện Thanh Oai).
Ký ức như những thước phim quay chậm dần dẫn hiện về trong ông. “May thay, sống ở bãi gần sông Đáy nên chúng tôi có nghề tay trái, ngày đi làm công tính điểm, tối đến đi đánh cá về tăng gia. Hồi ấy, sông Đáy còn rộng lớn và nhiều cá lắm. Cả đội thuyền, chài khoảng chục người, cứ hai người trên chiếc thuyền nan cộng thêm cái te, mỗi tối kiếm 5 - 7 kg tôm, cá về bán là có tiền mua thêm gạo”, ông Nguyễn Thái Tưởng nhớ lại.
Chi viện cho chiến trường
Đến những năm 1964 - 1965, khi Nhà nước có chủ trương phát huy kinh tế 3 lợi ích (nông - lâm - ngư), sẵn có nghề trong tay, các hộ dân từ xã viên HTX nông nghiệp chuyển sang HTX ngư nghiệp chuyên đánh bắt và nuôi trồng thủy sản sông Đáy, chịu sự quản lý của Ty thủy sản tỉnh Hà Đông. Các xóm Thượng Giáp, Hoàng Trung thuộc Đồng Mai (Thanh Oai cũ) gộp lại thành HTX ngư nghiệp Đồng Tiến từ đó.
Ông Nguyễn Văn Huấn, nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Đồng Tiến (thời kỳ 1969 - 1970), hiện là sống ở xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi góp chuyện: “Được chấp thuận toàn bộ ngư dân của HTX được huy động cắm đăng (điểm đầu tại xã Phụng Châu điểm cuối tại cống Bài Trượng xã Hoàng Diệu, Chương Mỹ) rồi vay vốn, thả cá. Hàng ngày, ngư dân HTX tập trung đi đánh cá, rồi cân hết về cho Ty Thủy sản, nhận phiếu tính điểm sang cửa hàng thực phẩm đổi gạo. Lúc bấy giờ, ngư dân được coi như công chức nhà nước ngày nay. HTX ổn định sản xuất được 3 năm, đến trận lụt lịch sử năm 1971 tàn phá, việc cắm đăng nuôi cá tính điểm bị xóa bỏ. Lúc này, ngư dân HTX được chuyển sang hình thức giao khoán sản phẩm, cứ đánh được 1kg cá đổi lấy 1,5kg gạo. Dù vất vả suốt ngày, đêm nhưng cuộc sống của ngư dân chúng tôi vẫn ổn định hơn cấy lúa nhiều lần”.
Ông Huấn cho biết thêm: Đến năm 1979 HTX ngư nghiệp bị giải thể. Mộ phần ngư dân trong HTX Đồng Tiến (thuộc phường Biên Giang ngày nay) được cấp đất nông nghiệp để sản xuất ổn định từ đó, còn hơn 40 hộ ở xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi không còn đất sản xuất. Từ đó, họ buộc phải tự thân tỏa đi các nơi trên khắp 2 miền Nam - Bắc, lênh đênh trên sông để mưu sinh.
Ông Nguyễn Văn Vĩnh (62 tuổi), ngư dân sống trong ngõ Thượng Giáp nhớ lại: Khi ấy, nhà đất ở trên bờ, trước còn bố mẹ ở, sau ông bà chết, đành đóng cửa để đó. Con cái sinh ra là theo bố mẹ bồng bềnh theo thuyền cá đánh cá.
Nói đoạn, ông khoát tay thuật lại cảnh tượng những chiếc thuyền ra sông đánh cá lúc đó: Mỗi thuyền có người lái phía sau, người cầm te phía trước, thuyền cứ thế đi khắp nơi xúc tép, cá rồi đem lên chợ bán. Con thuyền rộng vừa đủ trải chiếc chiếu đơn, 4, 5 người ở nhưng lênh đênh khắp ngõ ngách các con sông từ đồng bằng lên miền núi. Thậm chí có gia đình còn dời hẳn vào Lâm Đồng để đánh bắt cá. Đến năm 1997, tôi đưa gia đình ngược sông Đà, lên hồ thủy điện Hòa Bình đánh rọ đơm tôm…”, ông Vĩnh kể.
Cứ thế, những cư dân xóm ngư nghiệp tổ 18 Bãi mỗi người góp một mẩu, một mảnh ký ức của mình về nỗi truân chuyên, chìm nổi của làng. Một chút nuối tiếc một thời, nhưng đau đáu hơn cả là nỗi niềm, khát vọng cho ngay cả hiện tại và tương lai...
(Còn nữa)
"Hồi ấy, sông Đáy còn rộng lớn và nhiều cá lắm. Cả đội thuyền, chài khoảng chục người, cứ hai người trên chiếc thuyền nan cộng thêm cái te, mỗi tối kiếm 5 - 7 kg tôm, cá về bán là có tiền mua thêm gạo”, ông Nguyễn Thái Tưởng nhớ lại.