Hậu Giang nằm tương đối ở trung tâm của vùng Tây Nam bộ, vùng có vai trò hết sức quan trọng đối với vùng kinh tế trọng điểm (phía Nam). Chính vị trí trung tâm này, Hậu Giang là điểm giao cắt của 2 tuyến cao tốc (Bắc - Nam và Đông - Tây) sắp được xây dựng, cho thấy tiềm năng rất lớn của tỉnh. Điều kiện sông nước rất đặc thù, mật độ sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt cũng là một tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Hậu Giang…
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành (trái) và Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh trao chứng nhận đầu tư cho doanh nghiệp |
Đánh thức tiềm năng
Với tiềm năng, lợi thế của Hậu Giang, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành cho biết, tỉnh đã dành nhiều tâm sức cho công tác quy hoạch, thống nhất quan điểm định hướng phát triển của tỉnh trong thời gian tới đó là “Một tâm, Hai tuyến, Ba thành, Bốn trụ, Năm trọng tâm”.
Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang Nghiêm Xuân Thành |
“Một tâm” là phát triển huyện Châu Thành thành trung tâm công nghiệp và đô thị. “Hai tuyến” là khai thác tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. “Ba thành” là nâng tầm 3 đô thị gồm TP Vị Thanh, TP Ngã Bảy và TX Long Mỹ. “Bốn trụ” là phát triển 4 trụ cột (công nghiệp, nông nghiệp, đô thị, du lịch).
“Năm trọng tâm” gồm: hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển nhân lực chất lượng cao; cải cách hành chính - ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; hoàn thiện hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông và công nghiệp; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân...
Với khẩu hiệu hành động “2 nhanh, 3 tốt” (2 nhanh: giải phóng mặt bằng nhanh, thủ tục đầu tư nhanh; 3 tốt: cơ hội tốt, chính sách tốt, hạ tầng tốt), Hậu Giang xác định phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch là 4 khâu đột phá chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội, gia tăng nguồn thu ngân sách địa phương và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021-2025 và những năm tiếp theo.
Biến khát vọng thành hành động thiết thực
Tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang vào tháng 7/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, Hậu Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên; đặc biệt có đội ngũ lãnh đạo tỉnh rất có khát vọng, muốn vươn lên, muốn khẳng định mình, muốn đi lên từ vùng đất, nơi truyền thống cách mạng, đây là điều hết sức quý báu. “Mong muốn Hậu Giang biến khát vọng thành hành động thiết thực và hiệu quả, biến tiềm lực thành nguồn lực, thành của cải vật chất, không để tiềm lực “ngủ quên”, đưa Hậu Giang ngày càng phát triển, người dân ngày càng ấm no, hạnh phúc, đời sống tinh thần và vật chất ngày càng nâng lên” - Thủ tướng Phạm Minh Chính kỳ vọng.
“Nghị quyết bốn trụ cột”
Thành phố Vị Thanh, Hậu Giang |
Định hướng Chiến lược phát triển tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Hậu Giang xác định công tác thu hút đầu tư vào 4 trụ cột Công nghiệp, Nông nghiệp, Đô thị và Du lịch theo Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hậu Giang “Về phát triển công nghiệp, nông nghiệp, đô thị và du lịch giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo” (còn được gọi là “Nghị quyết 4 trụ cột”) là một trong những giải pháp then chốt, là đòn bẩy thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội với kỳ vọng thu hút ngày càng nhiều các nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển bền vững về kinh tế - xã hội cho tỉnh.
Tham luận tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Hậu Giang mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng nhìn nhận, Hậu Giang với quỹ đất còn nhiều đang chuyển mình từ vùng dự trữ chiến lược sang thành vùng động lực mới trong chuỗi sản xuất giá trị công nghiệp của vùng với nhiều lợi thế. Tỉnh đang có vai trò vị trí địa lý trong vùng ngày càng quan trọng, là trung tâm kết nối giao thông, vận tải thủy bộ, thương mại - dịch vụ, logistics của vùng Nam Sông Hậu và đặc biệt là cách cảng hàng không quốc tế Cần Thơ khoảng 50km; hệ thống đường giao thông rất thuận tiện cho lưu thông, phân phối, vận chuyển hàng hóa, đi lại của người dân và doanh nghiệp.
Có nghị quyết hành động rồi thì yếu tố nguồn nhân lực để triển khai thực hiện là then chốt để thành công. Hậu Giang cũng ban hành nhiều chính sách quan trọng để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức; thu hút nhân tài, sàng lọc những cán bộ không đáp ứng được yêu cầu công việc ra khỏi bộ máy. Quy trình quy hoạch, xem xét bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ chặt chẽ, khoa học, bài bản đã giúp Hậu Giang thời gian qua nâng cao được chất lượng cán bộ để thực thi những khát vọng mà lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh đề ra.
Theo người đứng đầu Tỉnh ủy Hậu Giang, sự thống nhất, đồng lòng trong Thường trực Tỉnh ủy, trong lãnh đạo tỉnh, với mô hình “Cà phê Thường trực” trước giờ làm việc sáng hàng ngày trong tuần để cùng trao đổi, thảo luận, tháo gỡ ngay những công việc còn vướng mắc của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể. Đây là mô hình sáng tạo tại Hậu Giang mà chúng tôi sẽ viết kỹ trong một bài báo khác để bạn đọc hiểu sâu hơn về mô hình “Cà phê Thường trực” tại Hậu Giang.
Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui
Để hiện thực hóa 4 trụ cột, Hậu Giang đề ra biện pháp cụ thể.
Về công nghiệp, lập quy hoạch và kế hoạch chuyển đổi đất sản xuất nông nghiệp sang công nghiệp, hạ tầng giao thông công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm.
Ưu tiên phân bổ ngân sách chi đầu tư phát triển cho mục tiêu tạo quỹ đất sạch; đầu tư hạ tầng giao thông cho các tuyến đường kết nối với khu, cụm công nghiệp. Thành lập và đầu tư các khu công nghiệp mới khoảng 1.884ha và các cụm công nghiệp huyện, thị xã, thành phố khoảng 580ha.
Triển khai chương trình thu hút, phát triển doanh nghiệp đầu tư mới là thành tố quan trọng. Lấy năm 2022 là năm doanh nghiệp, với quan điểm “Doanh nghiệp đến, Hậu Giang vui”. Xây dựng danh mục ưu tiên doanh nghiệp đầu tư với mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả kinh tế - xã hội, tạo công ăn việc làm, bảo đảm thân thiện môi trường.
Về nông nghiệp, cơ cấu lại ngành nông nghiệp là một hợp phần quan trọng trong tái cơ cấu kinh tế tỉnh. Quy hoạch vùng cây trồng, vật nuôi; thúc đẩy cơ giới hóa tiến tới mở rộng áp dụng tự động hóa trong nông nghiệp. Chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp là phải tăng giá trị trên cùng một diện tích canh tác, tránh thâm dụng lao động. Hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ tài chính khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp.
Về đô thị, lập đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Châu Thành và huyện Châu Thành A nhằm định hướng phát triển đô thị - công nghiệp phù hợp quy hoạch phát triển giao thông đi qua địa phận tỉnh Hậu Giang. Định hướng, đề xuất đầu tư các dự án khu đô thị mới, các tuyến đường giao thông kết nối các đô thị và khai thác quỹ đất hai bên đường tạo “dòng tiền dương” từ đầu tư đô thị để bổ sung nguồn lực tài chính cho đầu tư công nghiệp, nông nghiệp và du lịch.
Về du lịch, phấn đấu đến năm 2025, xây dựng 1 khu du lịch cấp tỉnh, 6 điểm du lịch. Đặc biệt là ý tưởng biến Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng trở thành địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch Quốc gia. Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ hoạt động du lịch; khuyến khích xã hội hóa đầu tư phát triển du lịch…
6 tháng đầu năm 2022, Hậu Giang đạt mức tăng trưởng kinh tế 11%, cao nhất vùng ĐBSCL và xếp thứ 8 trong cả nước. Trong đó, công nghiệp tăng trưởng đột phá 30,8%; nông nghiệp vươn lên như một điểm sáng với mức tăng trưởng 4,49%, cao nhất trong vòng 10 năm qua. Thu ngân sách nhà nước, đặc biệt là nguồn thu trên địa bàn đạt cao so với dự toán năm; số lượng doanh nghiệp phát triển nhanh vượt kế hoạch cả năm, cho thấy môi trường kinh doanh tiếp tục được cải thiện.