“Tôi hát Phú Quang không hay bằng nhiều người”
Sức khỏe và tâm trạng của bà ra sao khi di chuyển liên tục trong nước dịp này?
Tôi đi với một tâm trạng rất vui, rất phấn khởi. Tất nhiên cái tuổi này càng bớt đi càng tốt. Đi nhiều thì không thể nói là hoàn toàn khỏe được. Nhưng vì thời gian không còn bao nhiêu nữa nên còn đi được thì cứ đi trước khi quá trễ.
Qua những gì thể hiện trên sân khấu thì thấy Khánh Ly vẫn còn phong độ, vững vàng lắm…
Thì mình cứ lo xa vậy. Cuộc đời làm sao mình biết trước được. Chuyện ngày hôm qua mình biết, ngày hôm nay mình biết, nhưng ngày mai ai biết?! Rồi mình hát nhiều khi cảm thấy như vậy là chưa đủ. Cho tôi sống thêm một kiếp nữa để hát!
Nhiều nhạc sĩ Việt Nam viết cũng rất hay mà bà lại chọn Phú Quang vào thời điểm này?
Tôi không hiểu tại sao mọi người lại ngạc nhiên. Vì trước khi hát nhạc của ông Trịnh Công Sơn, đã hát rất nhiều nhạc của ông Đặng Thế Phong, Nguyễn Văn Khánh, Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy rồi. Khi hát nhạc của ông Sơn vẫn tiếp tục hát nhạc của Vũ Thành An, Ngô Thụy Miên, Từ Công Phụng, Trầm Tử Thiêng… Mỗi tác giả là một tài năng, một tâm hồn khác nhau. Mình có quyền ôm tất cả mọi người trong lòng.
Mình cũng thấy vui vì ở tuổi này mà còn được một nhạc sĩ rất nổi tiếng đưa cho một bài hát mới. Điều đó cũng có nghĩa là ông ấy quý mình, tin tưởng mình có thể làm được. Điều đó cũng gây áp lực. Nhưng Hà Nội đã đón nhận Trịnh Công Sơn và Khánh Ly thì mình cũng mong mỏi mọi người cũng đón nhận Khánh Ly hát nhạc Phú Quang - dĩ nhiên là không hay bằng nhiều người nhưng hy vọng là không tệ.
Trước Sẽ một mình thôi của Phú Quang, bà cũng là người mở hàng cho bài Nếu có yêu tôi rất mát tay. Bà thu âm và trình diễn Nếu có yêu tôi từ bao giờ?
Cũng lâu rồi. Đời đá vàng của Vũ Thành An cũng vậy, cũng phải 5 năm rồi. Nếu có yêu tôi viết lâu rồi nhưng không ai để ý. Thành ra bài hát cũng có số mệnh của nó. Được giao cho đúng người thì bài hát được sống lâu.
Nếu có yêu tôi được hát khắp nơi nhưng tác giả lại ít được biết đến. Bà có thể kể đôi điều về người viết ra nó?
Ông Trần Duy Đức chơi guitar, sáng tác nhạc nhiều lắm nhưng sinh hoạt văn nghệ ở nước ngoài không được sôi nổi, rộng lớn như ở Việt Nam. Cho nên ca sĩ thường chỉ hay chú trọng vào những bài mà họ vừa thu CD để giới thiệu mặt hàng thôi, chứ ít ai đi tìm nhạc mới mà hát lắm. Ông Trần Duy Đức sống cũng rất khiêm tốn, ít xuất hiện ở đám đông. Ai thích nhạc của ông thì ông sẵn sàng đưa bài. Rồi ông cũng thân với gia đình tôi, hay qua nói chuyện. Thì mình mới nói bây giờ đừng viết cái gì xa vời quá. Viết cái gì thực tế, ngay trong đời sống của mình, thì nó dễ đi vào tai người nghe.
Cô bé Ngô Tịnh Yên làm thơ rất hay, là bạn của Trần Duy Đức. Dựa trên bài thơ Nếu có yêu tôi của cô, ông Trần Duy Đức sửa đôi chút, thêm nhạc vào cho ra đời bài hát Nếu có yêu tôi. Bài đó hát đám cưới cũng được, hát đám tang cũng được. Một bài rất dễ thương. Khi ca sĩ ở Việt Nam qua Mỹ, kể cả Elvis Phương, nghe đĩa Nếu có yêu tôi của Khánh Ly mới mang về Việt Nam hát nhưng lại không giới thiệu tên tác giả. Chính điều đó gây ra sự bất hòa nho nhỏ giữa Ngô Tịnh Yên và Trần Duy Đức. Chỉ tại sự sơ sót của ca sĩ không hỏi kỹ tác giả là ai.
Tất cả các nhạc sĩ ngày xưa đều lựa giọng ca sĩ để giao bài. Sau này mình vẫn ước muốn có những ca sĩ chỉ chuyên hát một dòng nhạc, một tác giả thôi, nhưng điều đó hơi khó. Mà mình không hiểu tại sao bây giờ người ta không làm được điều đó. Người ta không đủ yêu hay sao…
Có lẽ bây giờ thị trường hoạt động theo nhịp độ nhanh nên khó ai có thể chuyên tâm đi theo một cộng sự lâu bền được như ngày xưa?
Không, mình chỉ nghĩ là người ta không đủ yêu. Nếu đủ yêu và chỉ yêu cái nhạc đó, chỉ thích hát như vậy thì mình sẽ làm được.
“Ca sĩ trẻ biết chuyển qua nhạc vàng là điều đáng quý”
Bà nghĩ sao về những ca sĩ trẻ hát cùng bà hôm nay với lối hát khác hoàn toàn khác so với cách diễn đạt của thời bà?
Cái đà văn minh nó không đứng lại, mình đứng lại đã là lùi rồi. Nên những em nhỏ phải đi tới thôi. Nó cũng có cái hay của nó, tùy người nghe cảm nhận. Họ có khán giả thì họ là ca sĩ, họ sống được. Và họ đi tới với phong cách như thế.
Thời nào cũng vậy, có những nhạc để dành cho độ tuổi chỉ nhớ về kỷ niệm, hoài niệm tuổi xuân của mình. Có những bản nhạc giục người ta đi tới, đốt giai đoạn. Mình không thể và không nên chê nhạc sĩ này, hay chê bài hát này. Không thể chê nhau được đâu. Đường thì rộng lắm. Tất cả mọi người đều có con đường riêng. Mình đi kiểu nào thì mình cũng vượt qua được con đường. Cứ để mọi người tự do đi.
Lại vẫn có những ca sĩ nhất là hát nhạc Trịnh rất thích học theo kiểu Khánh Ly. Bà nghĩ sao về hiện tượng này?
Thì càng tốt. Nếu không thì mai mốt ai hát nữa. Điều quan trọng là phải nghĩ đến công lao của nhạc sĩ, tâm hồn của nhạc sĩ bỏ một đời để viết những ca khúc đẹp đẽ, tử tế như thế. Nếu bức tử nó, để cho nó chết thì mình là người có lỗi đó. Phải làm sao để cho nó sống, Khuyến khích mọi người hát kiểu nào cũng được. Miễn là còn nhớ còn hát. Vì nhạc chỉ làm đẹp cho đời sống thôi. Mình là người làm xấu đi âm nhạc chứ nhạc không bao giờ làm xấu mình đâu.
Bây giờ khá nhiều ca sĩ trẻ rất đa năng vừa hát nhạc trẻ nhạc sôi động mà vẫn có thể hát bolero để chiều khán giả. Bản thân bà trong sự nghiệp đã bao giờ thử hát nhiều dòng nhạc khác trong đó có bolero?
Có chứ. Thích chứ. Đã yêu nhạc, đã là ca sĩ, bài nào thích hợp với mình thì mình cứ hát. Những người trẻ mà biết chuyển qua nhạc vàng như vậy là điều đáng quý. Nếu người già có đủ can đảm hát nhạc trẻ cũng tốt thôi. Tuổi nào cũng có cái đẹp của nó cả. Và nhạc cũng thế. Nên khuyến khích các em hát đủ mọi loại nhạc đi. Rồi dần dà sẽ tìm thấy đúng con đường mà mình muốn đi. Lúc đó chưa muộn.
Nhạc sĩ Phú Quang cho rằng bà cô đơn nên đã tặng bà Sẽ một mình thôi. Thực sự bà có cô đơn giống như nội dung bài hát?
Cũng như bài Phôi pha ông Trịnh Công Sơn viết năm 16 tuổi mà mãi đến năm 1974 mới giao cho Khánh Ly. Thì ông Phú Quang cũng vậy, ông viết về nỗi cô đơn của ông ấy và bây giờ mới cảm thấy có một người cũng cô đơn như ông ấy. Tuy cũng là sự một mình, nhưng hai nỗi niềm đấy khác nhau.
Vậy Khánh Ly quan niệm về cô đơn như thế nào? Khi nào thì bà cảm thấy cô đơn?
Nhiều khi sự cô đơn như sự làm dáng. Nhiều khi chẳng cô đơn đâu nhưng cứ tưởng là mình cô đơn. Tự cho như thế để đời sống mình giàu có hơn. Chứ còn biết thế nào là cô đơn, là hạnh phúc. Không ai chết vì nỗi cô đơn đâu. Nhưng những người cô đơn chứng tỏ trái tim yếu đuối. Dù ở bất cứ tuổi nào, cũng cảm thấy cô đơn có nghĩa là trái tim còn muốn được yêu và rất tha thiết với đời sống này... Nhưng ông Phú Quang được quá nhiều, được cả Hà Nội yêu, được bao nhiêu ca sĩ yêu, tại sao ông ấy lại cô đơn. Cô đơn làm gì nhỉ. (cười) Người như thế phải cảm thấy hạnh phúc, phải cảm cám ơn Trời Đất, cám ơn Thượng Đế cho mình nhiều quá.
Nỗi cô đơn chỉ người đàn bà mới gần gũi hơn. Chứ người đàn ông nói rằng mình cô đơn có thật không?! Người đàn bà dễ cảm thấy cô đơn lắm. Trong đêm vắng một mình, không có bên cạnh người bạn đời của mình nữa, mà không thể chia sẻ được nỗi buồn với con cái. Nỗi cô đơn đó mình hiểu được. Nhưng cô đơn như ông Phú Quang- một người được rất nhiều, mình thấy lạ thôi.
Ông Trịnh Công Sơn cũng có những nỗi cô đơn vậy nhưng ông ấy không chia sẻ cái buồn cho ai đâu. Ông ấy luôn nói: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. Mỗi người một tâm sự, chỉ mong những ngày sắp tới, nhạc sĩ Phú Quang sẽ không còn cô đơn nữa. Với những tác phẩm nổi tiếng của ông, với tình yêu mà Hà Nội dành cho ông như vậy, ông hạnh phúc đi!
“Tập ba là mệt lắm rồi!”
Bà vượt qua nỗi cô đơn như thế nào?
Mình lấy cô đơn trị cô đơn mới được. Khi em đã buồn nhớ tới người nào đó thì đừng mong có gì thay thế. Khi nhớ đến người chồng đã bỏ mình đi như vậy thì chỉ có cách là tiếp tục nhớ tới ông ấy thôi. Nhớ tới những lúc cơ cực, thiếu thốn, những lúc đời sống khó khăn có nhau. Cứ nghĩ lại mình đã có một thời gian cùng chồng hạnh phúc như thế, và một cuộc đời có được những cái may mắn như vậy cũng là đủ đó. Nhiều khi số phận mỗi con người chỉ được đến chừng đó thôi, không thể đòi hỏi hơn được. Buồn mấy đi chăng nữa cũng không làm gì được hơn đâu. Tự an ủi, những ngày tháng đó đã quá đủ cho đời mình thì tự nhiên sẽ hết cô đơn.
Cứ đi vào những trại mồ côi đi, cứ đi tìm những em khiếm thị, những em câm điếc, những người mắc HIV, những người tàn tật, những người nằm đó chờ chết mà nhà thương vẫn cứu. Vào đó đi, nhìn họ đi thì sẽ thấy hết cô đơn. Chứ cứ ngồi nhà cô đơn thì làm được cái gì bây giờ. Ai gặm cô đơn ra mà ăn. Mà cô đơn là tại mình thôi. Mình đi làm việc đi, không thì đi nhà thờ, đi chùa, đọc kinh- cho mình và cho người khác. Đó cũng là cách lấy cô đơn trị cô đơn.
Nếu nhiều người hâm mộ cũng mong Khánh Ly một ngày gần đây không cô đơn nữa, thì bà nghĩ sao?
Em nói như vậy nghĩa là gì?
Có thể mình tiến tới… một tập tiếp theo?
Trời, tập ba là mệt lắm rồi. Thôi em, mình sống với khán giả đi. Khán giả yêu mình đủ rồi. Mọi người yêu mình quá sức rồi. Các em mồ côi, các em tàn tật, những người đói khổ, những em không đi được, những em không nhìn thấy mình, những em không nói được- yêu mình. Những trẻ mồ côi mình bồng bám chặt lấy cổ mình, không buông tay. Yêu như thế rồi còn muốn gì nữa. Để làm gì cho nó khổ thêm. Người ta cứ ca ngợi tình yêu chứ anh nào vướng vào tình yêu đều thấy khổ cả. Thôi tốt hơn yêu tha nhân đi. Mình sẽ được hạnh phúc hơn. Đi với các em, nhưng người không may như vậy, mình mới thấy là mình được nhiều quá. Các em cho mình hạnh phúc lớn quá. Thấy cuộc sống của mình còn ý vị, còn có nghĩa. Sống thêm được ngày nào nên đi làm những công việc đó, tốt đẹp hơn là đi hầu hạ một người nhiều khi mình chỉ mang thêm thất vọng thôi.
Nhưng mà bà cũng cứ… hồn nhiên, rồi biết đâu cái gì đến sẽ đến?
Nhưng hồn nhiên một mình và bình minh một mình. Như vậy vui hơn. Mình lấy hạnh phúc của người khác, niềm vui của người khác là niềm vui của mình. Mình sẽ thấy đời sống tâm hồn của mình nhẹ nhàng lắm, không bị gò bó, trói buộc. Bây giờ con cái mình đã lớn. Nó để cho mình được tự do đi tới đi lui làm những công việc mà ngày xưa cũng làm nhưng giờ làm nhiều hơn đã là mừng rồi.
Là công việc gì, thưa bà?
Ngày xưa mình chỉ cho mượn tiếng hát gây quỹ từ thiện, xây chùa xây nhà thờ, lớp học tiếng Việt cho trẻ mồ côi. Đủ hết. Nhưng bây giờ mình đến tận nơi kêu gọi những người có lòng đi với mình. Họ cho chứ không phải mình. Mình chỉ có công đưa họ đến rồi chia sẻ chút ít tiền bạc mình có được… Những điều này rất tốt. Lớp ca sĩ trẻ sau này cũng nhiều người có lòng muốn đi lắm. Nhưng nhiều khi các em không có kinh nghiệm, có sơ sót không phải cố ý rồi bị chỉ trích làm các em nhụt chí, làm cho những người muốn đóng góp ngại, không muốn đóng góp nữa và người ta đóng cửa lại ở trong nhà, ai sống thì sống, ai chết thì chết. Kiểu như vậy là không nên.